Liệt vì tẩm quất, bấm huyệt

Thạc sĩ Khánh chia sẻ bệnh nhân nữ N.T.H. (50 tuổi, quê Hà Nam) được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Hà Nam, sau đó đưa lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) với tình trạng liệt tứ chi.

Theo bệnh nhân H., bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm vùng cổ và thấy đau, nhức nên đến cơ sở tác động cột sống để được xoa bóp, giác hơi, tẩm quất, giãn cơ. Sau khi đi về khoảng 6 giờ sau bệnh nhân thấy trong người khó chịu, chân tay tê bì, tê bì chân phải và 1 tiếng sau mất hẳn cảm giác sau đó nhanh chóng lan sang chân trái. Bệnh nhân bị liệt nửa người, tê bì, không thể nhúc nhích vận động, sờ vào không có cảm giác.

Rủi ro khi tẩm quất, bấm huyệt có thể xảy ra khi chưa có tư vấn của bác sĩ  - Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ Khánh cho biết tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân được các bác sĩ cho chụp cộng hưởng từ cấp cứu. Kết quả, đốt sống cổ của bệnh nhân có khối máu tụ ở cổ, khối máu gây chèn ép nặng cột sống cổ và gây liệt 2 chân cho bệnh nhân.

Bác sĩ Khánh và ekip mổ đã thực hiện mổ cấp cứu cho bệnh nhân ngay trong đêm. Bệnh nhân nhanh chóng được phẫu thuật lấy hết máu tụ ở đột sống cổ. Ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ đồng hồ. Sau mổ, bệnh nhân yếu phải nằm phòng điều trị hồi sức tích cực 3 ngày, sau đó chuyển xuống phòng hậu phẫu.

Hình ảnh tổn thương qua phim chụp của bệnh nhân H. - Ảnh BSCC

Ngày thứ 5, sức khỏe bệnh nhân cải thiện, chân đã vận động được và có cảm giác. Bác sĩ Khánh ra khám lại cho bệnh nhân, hai chân bệnh nhân đã vận động và co duỗi được. Trường hợp này may mắn đến bệnh viện kịp thời. Bác sĩ Khánh cho biết nếu đến chậm nguy cơ bị liệt vĩnh viễn rất lớn.

Đây không phải lần đầu tiên bác sĩ Khánh gặp bệnh nhân gặp rủi ro khi tẩm quất, massager, giác hơi, kéo giãn cột sống ở các cơ sở khác gây tai biến. Bác sĩ Khánh kể cách đây vài năm, trường hợp ám ảnh nhất đó là nam thanh niên 20 tuổi (quê ở Lạng Sơn) bị đau mỏi vùng cổ nên đã đi đến nhà thầy lang để kéo nắn. Sau đó bệnh nhân bị thoát vị cấp tính gây liệt hoàn toàn tứ chi.

Người bị bệnh xương khớp cần chú ý gì?

Thứ nhất, khi có các bệnh lý về xương khớp người dân nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa khám và được tư vấn và có phác đồ điều trị chính thống. Không nên đến các cơ sở quảng cáo là xoa bóp, giác hơi, bấm huyệt, tác động cột sống để thực hiện điều trị bệnh xương khớp. Vì bất cứ một tác động nào không đúng có thể ảnh hưởng nặng nề tới cột sống.

Thạc sĩ Khánh kể các trường hợp trên chỉ là một trong nhiều trường hợp khác đã phải vào cấp cứu vì việc điều trị bệnh không bài bản.

Thứ hai, khi đến các cơ sở tẩm quất, massager, điều trị bệnh xương khớp bằng phục hồi chức năng, người bệnh cần chú ý tìm tới các cơ sở được cấp phép và có uy tín. Không nên đến các cơ sở chui, kỹ thuật viên thiếu kinh nghiệm có thể chữa lợn lành thành lợn què.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - Ảnh: Internet

Ngoài ra, trong trường hợp người đang có hơi men, say ngà ngà, đau mỏi, mơ ngủ, mệt mỏi cần cẩn trọng với những động tác xoay, nắn, giật, nhổ đột ngột …vì những động tác đó có thể vô tình làm thoát vị cấp, vỡ mạch máu và gây liệt cấp tính.

Thứ ba, sau khi thực hiện các động tác trên về, nếu người bệnh thấy có bất thường ở cơ thể, tê bì chân tay, đau ở vị trí nào cũng cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được chiếu chụp thăm khám phòng trường hợp bị thoát vị cấp có thể gây liệt cấp tính. Một số trường hợp không đến bệnh viện kịp thời có thể liệt vĩnh viễn.

Theo lương y Vũ Quốc Trung, Hội đông Y Hà Nội, tẩm quất, bấm huyệt, giác hơi cũng cần phải có chuyên môn mới thực hiện được. Nhiều trường hợp kỹ thuật viên không có chuyên môn về xoa bóp, bấm huyệt nếu làm các động tác bẻ khớp có thể gây tác động tới cột sống đặc biệt là ở vùng cổ.

Nhiều cơ sở nhân viên không có kỹ thuật và họ áp dụng tất cả các động tác cho chung khách hàng dẫn đến một số khách hàng có bệnh lý sẽ bị tai biến khi thực hiện.

Lương y Trung cho biết các động tác bẻ, gập là động tác kỹ thuật cao, đòi hỏi phải được học bài bản, nếu thực hiện không đúng sẽ làm trật khớp, rách dây chằng, bong gân... nhất là ở đốt sống cổ và cột sống - nơi tập trung tủy sống, trung tâm hô hấp, bẻ không đúng cách sẽ gây co rút cổ, nặng hơn sẽ bong gân cột sống, liệt cổ, dập tủy, yếu liệt tứ chi dẫn đến tử vong.

Những người không nên đi massage tẩm quất là khi có bệnh về cơ, xương, khớp mãn tính, lao xương, ung thư xương... nhằm đề phòng những rủi ro khi tẩm quất có thể gặp phải.