Sau khi đăng bài chê trách nhân viên đòi đi làm muộn, một luật sư Ấn Độ bị cộng đồng mạng chỉ trích thiếu chuyên nghiệp, bóc lột sức lao động.
Phản ứng của cộng đồng mạng cho thấy sự lên án mạnh mẽ đối với văn hóa bóc lột sức lao động. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels. |
Ayushi Doshi, luật sư làm việc tại Mumbai (Ấn Độ), đăng tải lên X (trước đây là Twitter) ảnh chụp màn hình đoạn tin nhắn với nhân viên hồi tháng 9. Trong tin nhắn, nhân viên này thông báo sẽ đi làm muộn vài tiếng vào hôm sau vì ngày trước đó phải tan sở muộn.
"Chào anh/chị. Em sẽ đến vào lúc 11h30 ngày mai, vì hôm nay em rời văn phòng lúc 20h", trích nội dung tin nhắn.
"Tôi không thể tin được cậu nhân viên mới lại nhắn tin thế này. Bọn trẻ bây giờ thật lạ lùng. Cậu ta ở lại muộn nên giờ sẽ đến muộn để 'bù' lại. Tôi thật sự không nói nên lời”, luật sự bày tỏ sự ngỡ ngàng.
Bài đăng nhanh chóng lan truyền với hơn 8,2 triệu lượt xem, thu hút nhiều bình luận trái chiều. Đa số cư dân mạng đứng về phía nhân viên trẻ, cho rằng anh chỉ đơn giản là đang thiết lập ranh giới và duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, theo New York Post.
Chỉ một số ít ý kiến đồng tình với luật sư. Nhiều người dùng mạng xã hội lên tiếng phản bác, cho rằng việc bóc lột sức lao động đã trở thành "căn bệnh mạn tính" trong ngành luật.
"Ngành nghề của chúng ta đã biến việc bóc lột độc hại này thành tiêu chuẩn và được chấp nhận rộng rãi. Cô trả lương cho nhân viên dựa trên số giờ họ làm việc, chứ không phải dựa trên số lượng bản thảo họ hoàn thành. Nếu cho rằng nhân viên không làm đủ giờ, thì lỗi thuộc về cách tuyển dụng và quản lý nhân sự của chính cô", một người dùng bình luận.
Ngoài đặt câu hỏi tại sao luật sư Doshi lại để nhân viên làm việc muộn như vậy ngay từ đầu, một số người khác khen ngợi chàng trai trẻ vì đã dám đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình.
"Đã là năm 2024 rồi, đừng cổ hủ nữa. Mọi người đều có cuộc sống cá nhân. Sau giờ làm việc, không ai nên ở lại, đơn giản vậy thôi", một người khác bình luận.
Trước phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng, luật sư Ayushi Doshi đã lên tiếng giải thích thêm về tình huống. Theo đó, cô cho biết nhân viên được giao nhiệm vụ với thời hạn hoàn thành cụ thể, trong khi khối lượng công việc thường yêu cầu ít nhất một ngày làm việc trọn vẹn.
Luật sư Doshi khẳng định giờ làm việc chính thức của nhân viên này là từ 10h đến 17h, nhưng anh ta đã không thể hoàn thành công việc trong khung giờ đó.
Cô cho rằng nguyên nhân là anh ta đã lãng phí "thời gian quý báu bằng cách sử dụng điện thoại thay vì tập trung vào công việc".
Trong một bài đăng tiếp theo, luật sư còn cáo buộc những người bình luận đang "trút giận" lên bài viết của mình, khi phần lớn trong số họ sẽ không có đủ can đảm để "nêu vấn đề này trong môi trường công sở".
"Khi được giao nhiệm vụ tại nơi làm việc, bạn phải hoàn thành chúng, bằng mọi giá. Bạn sẽ không rao giảng về việc dành thời gian cho bản thân trong tình huống đó", cô gay gắt.
Không dừng lại ở đó, cô cho biết đây là ngày làm thêm giờ duy nhất của nhân viên Gen Z này, do đó việc anh ta đòi bồi thường là vô lý. Luật sư cũng biện minh thêm rằng nhân viên này làm việc kém hiệu quả, thường xuyên đi muộn và bỏ dở công việc.
Tuy nhiên, những lời giải thích của luật sư Doshi dường như không thể xoa dịu dư luận. Thậm chí, cô còn bị cho là "cứng đầu" và "thiếu chuyên nghiệp" khi liên tục bảo vệ quan điểm của mình. Nhiều người cho rằng cô nên trao đổi trực tiếp với nhân viên về những lo ngại, thay vì đăng tải công khai lên mạng xã hội và "làm bẽ mặt" nhân viên.
Theo Như Phương/Tri thức
Tin liên quan
Lãnh đạo các doanh nghiệp ở Mỹ cho rằng chế độ nghỉ phép có lương để chăm vật nuôi ốm...
Bị chó nhà cắn nhưng không tiêm ngừa, sau 2 tháng, người phụ nữ xuất hiện các triệu chứng sợ...
Trong dịp Tết Nguyên đán 2025, các trường đại học cho sinh viên nghỉ học khoảng 2 tuần, nhiều trường...
Một khảo sát mới cho thấy trẻ em thuộc các gia đình thu nhập thấp có xu hướng cảm thấy...