Ảnh minh họa: ITN

Những trường hợp mắc bệnh uốn ván (Tetanus) điển hình có dấu hiệu rất đặc biệt mà những ai đã từng thấy qua một lần lúc bệnh nhân lên cơn sẽ nhớ mãi không quên: Cơ thể người bệnh cong veo như hình tấm ván bị uốn...

Thuộc nhóm B trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh uốn ván có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và khắp thế giới, nhưng tập trung nhiều ở vùng nông thôn và các quốc gia khí hậu nhiệt đới.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO/OMS), trong thập niên cuối thế kỷ XX, ước tính mỗi năm có khoảng 500 nghìn trẻ chết vì bệnh uốn ván sơ sinh trên toàn cầu. Nói chung, trẻ càng nhỏ, người càng già, thời gian ủ bệnh càng ngắn thì tỉ lệ chết càng cao.

Từ trực khuẩn đáng sợ…

Bệnh do một loài vi khuẩn có tên là Clostridium Tetani gây ra. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua vị trí các vết thương, nhất là các vết thương lớn, sâu và nhiễm bẩn. Nếu người bệnh không có sự miễn dịch nhờ tiêm phòng trước đó thì bệnh sẽ xảy ra.

Đây là một bệnh cấp tính có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 21 ngày (trung bình 10 - 14 ngày). Thời gian ủ bệnh càng ngắn thì bệnh càng nặng. Vi khuẩn uốn ván tiết ra ngoại độc tố (tetanus exotoxin) gây nhiễm trùng nhiễm độc các cơ quan, đặc biệt là hệ thống thần kinh trung ương.

Vi khuẩn Clostridium Tetani là một loài trực khuẩn thuộc nhóm gram dương, có lông quanh thân và có khả năng di chuyển trong môi trường yếm khí. Chúng chết ở nhiệt độ 56°C.

Tuy nhiên, điều đáng sợ là trực khuẩn uốn ván có khả năng tạo ra nha bào hình cầu tròn bền vững với tác động của nhiệt độ, thời tiết từ môi trường lang thang trong không khí và trong đất nhiều năm vẫn có khả năng “thức tỉnh” để gây bệnh. Nha bào trực khuẩn uốn ván chỉ chết khi bị đun sôi 30 phút. Các thuốc sát trùng thông thường phải tốn khoảng 8 - 10 giờ mới có thể tiêu diệt được chúng.

Thêm nữa, chúng có khả năng phát triển rất mạnh mẽ trong môi trường yếm khí. Nghĩa là nếu một vết thương không may nhiễm vi trùng uốn ván, được băng kín thì vi khuẩn sẽ phát triển còn nhanh hơn vết thương để hở.

Các xét nghiệm gần như không có giá trị để chẩn đoán. Bệnh phẩm từ vết thương rất hiếm khi xác định được sự hiện diện của vi khuẩn gây bệnh uốn ván và thông thường cũng không thấy sự đáp ứng miễn dịch kháng thể trong máu người bệnh.

… đến những cơn co cứng

Tuy bệnh uốn ván có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng trên thực tế người ta thường đề cập nhiều đến bệnh uốn ván sơ sinh và uốn ván của người mẹ. Vì khi trẻ sơ sinh chào đời “chiếc cầu” liên lạc giữa thai nhi và người mẹ là dây rốn sẽ bị cắt.

Người mẹ trong quá trình sinh nở có thể bị trầy xước ở khu vực nhạy cảm hoặc cắt may tầng sinh môn để mở rộng đường ra cho trẻ sơ sinh. Những người mẹ không tiêm phòng uốn ván đủ 2 mũi trước sinh thì nguy cơ trẻ sơ sinh mắc bệnh uốn ván càng cao do không có kháng thể từ người mẹ truyền qua nhau thai cho con.

- Dấu hiệu nhận biết uốn ván sơ sinh: Trẻ cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui của mọi người thật là bình thường trong 48 giờ đầu tiên. Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 28 là khoảng thời gian của chu kỳ sơ sinh, trẻ có thể khởi bệnh bất cứ lúc nào nếu nhiễm vi khuẩn uốn ván từ môi trường bên ngoài và tùy vào độc lực của vi khuẩn bị nhiễm.

Dấu hiệu sớm nhất là trẻ tỏ ra khó chịu, quấy khóc, bú khó vì cơ hàm bị cứng dần do ngoại độc tố của vi khuẩn gây ra. Sau đó, trẻ bỏ bú vì cơ hàm bắt đầu co cứng. Đồng thời, co cứng các cơ toàn thân. Lúc này, thân hình của trẻ ưỡn cong như hình ảnh một tấm ván bị nhúng nước rồi khô cong.

- Các biểu hiện chung thường thấy ở người mắc bệnh uốn ván: Dấu hiệu chính của bệnh là những cơn co cứng. Ban đầu là cơ nhai, đến cơ mặt, cơ gáy, rồi cơ lưng, cơ bụng...

Khi bắt đầu co cứng, các cơ nhai và cơ mặt, nếu người bệnh cười sẽ có hình ảnh “cười nhăn” như... khỉ. Khi toàn bộ các cơ trong cơ thể co cứng, thân hình uốn cong, những cơn co giật xuất hiện, nhất là khi có sự va chạm, tiếng ồn hay ánh sáng. Do đó, người bệnh rất sợ ánh sáng và những tiếng nói to.

Một số bệnh có thể gây ra sự nhầm lẫn, vì có các biểu hiện tương tự như bệnh uốn ván:

- Bệnh viêm màng não: Có tăng trương lực cơ (giống như co cơ) nhưng không bị cứng hàm.

- Bệnh vùng răng hàm mặt: Viêm hàm sưng đau, khó mở miệng hoặc tai biến răng khôn cũng gây hiện tượng cứng hàm.

- Ngộ độc thuốc Strychnine: Co cứng cơ thân và tứ chi, nhưng gần như không cứng hàm.

Ảnh minh họa: ITN

Cách phòng tránh

Giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ và luôn nhớ rằng mọi vết thương trên người đều là cửa vào của vi khuẩn gây bệnh uốn ván. Vết thương càng lớn, càng bẩn hoặc vết thương kín thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.

Do đó, khi không may bị một vết thương, cần rửa sạch sẽ dưới vòi nước sạch, sử dụng các loại dung dịch sát khuẩn phổ biến để làm sạch và sát khuẩn vết thương.

Chủ động phòng bệnh uốn ván một cách có hiệu quả nhất vẫn là tiêm phòng vắc-xin. Phụ nữ mang thai cần tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng uốn ván (UV1, UV2), mũi tiêm UV2 trước sinh ít nhất một tháng để đảm bảo miễn dịch có hiệu quả cho người mẹ và cả trẻ được sinh ra.

Đảm bảo công tác vô khuẩn và môi trường sạch sẽ cho trẻ sơ sinh. Từ tháng thứ 2, 3 và 4, trẻ sẽ được tiêm 3 mũi phòng uốn ván cùng phòng các bệnh khác trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Mũi tiêm này cách mũi tiêm kia 1 tháng.

Những người bị vết thương mà không có miễn dịch nhờ tiêm phòng trước đó, nhất là những vết thương lớn, vết thương bẩn, vết thương kín và vết thương được cho là có nguy cơ cao thì cần tiêm phòng huyết thanh uốn ván để đảm bảo sự an toàn của tính mạng.