Sau một đêm mưa lớn, sáng nay trời Hà Nội đã tạnh. Từ 5h30, tất cả chốt an ninh gồm cảnh sát giao thông, cơ động chốt trực ở các ngả đường từ Trần Hưng Đạo dẫn vào khu vực Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông.

Phía trước cổng nhà tang lễ, đoàn xe di quan Chủ tịch nước gồm chín chiếc xếp thành hàng ngay ngắn, đánh số từ 1 đến 9. Trong sân, có xe kéo pháo chở linh cữu, xe chở di ảnh và vòng hoa.

Xe kéo pháo chở di hài đậu trong sân Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội sáng 27/9. Ảnh: Giang Huy

Tại TP HCM, từ sáng sớm, lãnh đạo Thành ủy, UBND, HĐND, UB MTTQ Việt Nam TP HCM và các đơn vị, cơ quan ban ngành đã có mặt tại Hội trường Thống Nhất (quận 1) chuẩn bị lễ truy điệu Chủ tịch nước Trần Đại Quang diễn ra cùng thời điểm với Hà Nội.

Đúng 7h30, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình thay mặt Ban Lễ tang tuyên bố lễ truy điệu Chủ tịch nước Trần Đại Quang bắt đầu. Quốc thiều vang lên, tất cả mọi người cả trong và ngoài nhà tang lễ quốc gia đứng nghiêm trang, dành một phút mặc niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Tang lễ, đọc điếu văn. Ảnh: Giang Huy

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bước lên bục đọc điếu văn, nêu rõ ông Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, đại biểu Quốc hội, “là nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân đã vĩnh biệt chúng ta. Đây là tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và gia quyến”.

Tổng bí thư điểm lại trên cương vị người đứng đầu lực lượng công an nhân dân, ông Trần Đại Quang đã góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và hoạt động đối ngoại của đất nước.

Bà Nguyễn Thị Hiền, vợ cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang (hàng đầu, bên trái) cùng gia đình lắng nghe điếu văn. Ảnh: Giang Huy

Từ khi giữ cương vị Chủ tịch nước, ông Trần Đại Quang luôn "nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, gương mẫu và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất của Đảng; thương yêu đồng chí, đồng bào; thực sự cầu thị, khiêm tốn, học hỏi, trân trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp; luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết; được đồng chí, đồng bào quý mến, bạn bè quốc tế trân trọng".

Trong công tác, ông Trần Đại Quang được đánh giá là "cán bộ lãnh đạo có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí chiến đấu cao, kiên quyết đấu tranh bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Nhà nước và nhân dân".

"Với 63 tuổi đời, 38 năm tuổi Đảng, đồng chí Trần Đại Quang đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Đảng và Nhà nước đã ghi nhận, trao tặng đồng chí nhiều Huân huy chương cao quý và Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng", điếu văn có đoạn.

Ông Trần Quân, con trai cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nói lời cảm ơn. Ảnh: Giang Huy

Sau lời điếu của Tổng bí thư, ông Trần Quân, con trai Chủ tịch nước Trần Đại Quang thay mặt gia đình cảm ơn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương, Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương, Bệnh viện trung ương quân đội 108, các giáo sư, bác sĩ trong nước và Nhật Bản đã quan tâm, chăm sóc, điều trị cho cha ông trong thời gian lâm bệnh cho đến những giây phút cuối đời, tổ chức tang lễ trọng thể, chu đáo.

"Tâm nguyện của cha tôi là suốt đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng, dân tộc. Về với các bậc tiền nhân, anh linh cha tôi sẽ hòa cùng anh linh các thế hệ cha anh, các anh hùng, liệt sĩ đã cống hiến trọn đời vì một nước Việt Nam độc lập, tự do, phồn vinh và hạnh phúc. Gia đình chúng tôi nguyện kế thừa, phát huy sự nghiệp và những ý tưởng tốt đẹp của cha tôi, đóng góp nhiều hơn cho quê hương, đất nước", ông Quân nói.

Đoàn gia quyến dẫn đầu là bà quả phụ Nguyễn Thị Hiền đi vòng quanh linh cữu lần cuối. Ảnh: Giang Huy

Trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ, gia quyến cùng đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi xung quanh lĩnh cữu Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Tay vịn vào thành linh cữu, bà quả phụ Nguyễn Thị Hiền vừa đi vừa khóc.

7h50, trong tiếng kèn tiễn đưa, đội tiêu binh rước di ảnh Chủ tịch nước ra khỏi nhà tang lễ. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu, một tay đặt lên di quan, cùng đội tiêu binh trang phục trắng đưa di hài Chủ tịch nước ra xe kéo pháo.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đưa thi hài Chủ tịch nước ra xe. Ảnh: Giang Huy.

8h15, đoàn xe di quan bắt đầu rời nhà tang lễ trong tiếng quân nhạc trầm buồn, nhiều phụ nữ sụt sùi khóc. Đoàn xe gồm hai xe chở di ảnh và quân kỳ đi đầu, tiếp đến đoàn xe thùng chở đội danh dự 127, gồm: lục quân, hải quân và không quân. Đội 127 gồm 127 người biểu tượng cho biển, đất và trời. Tiếp đến là xe kéo pháo chở linh cữu Chủ tịch nước, phía sau là hai xe hoa. Theo sát đoàn xe chở di hài là đoàn xe chở gia quyến Chủ tịch nước.

Xe chở thi hài Chủ tịch nước Trần Đại Quang rời Nhà tang lễ quốc gia. Ảnh: Giang Huy

Từ Nhà tang lễ quốc gia, đoàn xe đi qua Nhà hát lớn, Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Điện Biên Phủ, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, Chu Văn An... Di hài Chủ tịch nước được đưa qua nhà riêng trên phố Ngụy Như Kon Tum (quận Thanh Xuân) để thực hiện một số nghi thức theo tín ngưỡng của người Việt, trước khi về Ninh Bình qua đường trên cao.

Xe chở di hài Chủ tịch nước dừng trước ngôi nhà của ông ở phố Ngụy Như Kon Tum, để đội tiêu binh rước di ảnh vào nhà. Ảnh: Bá Đô.

Những người có mặt tại hội trường Thống Nhất (TP HCM) và hội trường ở quê nhà xã Quang Thiện (Kim Sơn, Ninh Bình) đứng nghiêm trang dõi theo lễ truy điệu và di quan Chủ tịch nước.

Lễ an táng Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ diễn ra vào lúc 15h30 hôm nay, tại quê hương ông, xóm 13, xã Quang Thiện (Kim Sơn, Ninh Bình).