Mang thai đem lại cho bà bầu rất nhiều trải nghiệm mới. Trong giai đoạn này, các loại thực phẩm nên và không nên ăn cũng cần được chú trọng. Đối với thói quen thích ăn các loại rau gia vị như lá bạc hà trong thai kỳ, bà bầu cần biết về những ưu nhược điểm khi sử dụng. 

Không ít chị em đều có chung thắc mắc: Bà bầu có ăn được lá bạc hà? - Ảnh: Parenting Firstcry

Bà bầu ăn lá bạc hà có tốt không?

Lá bạc hà được nhiều gia đình sử dụng như một loại rau gia vị để ăn sống, pha nước uống trong mùa hè. Bạc hà đã có thể dùng làm thuốc chữa bệnh từ xa xưa.

Theo Parenting Firstcry, không có mối đe dọa nào nghiêm trọng đối với việc ăn lá bạc hà trong thai kỳ. Bà bầu ăn lá bạc hà có thể mang lại những lợi ích cơ bản dưới đây: 

Giúp cơ thể luôn sảng khoái

Mang thai khiến bà bầu có cảm giác thèm tất cả các loại thực phẩm và có xu hướng ăn nhiều hơn. Kèm theo đó là sự mất cân bằng nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ bên trong cơ thể bà bầu.

Với đặc tính làm mát, lá bạc hà có thể giúp bà bầu ổn định thân nhiệt, giúp cơ thể luôn tươi mới, sảng khoái. 

Giữ hơi thở bà bầu thơm tho

Hiện tượng nôn ói thường xuyên khi ốm nghén có thể khiến hơi thở bà bầu có mùi khó chịu. Hãy nhai một ít lá bạc hà tươi để khử mùi hôi hiệu quả trong khoang miệng. 

Giảm cảm giác buồn nôn

Buồn nôn là dấu hiệu mang thai rất phổ biến và hầu hết phụ nữ đều trải qua trong ba tháng đầu.

Bà bầu có thể ăn lá bạc hà để giảm cảm giác bồn nôn - Ảnh: Parenting Firstcry

Nhai một số lá bạc hà có thể giúp bà bầu tránh cơn buồn nôn khi mang thai. Tuy nhiên, cũng có một số phụ nữ có thể không chịu được mùi bạc hà và do đó, không nên áp dụng giải pháp này.

Hỗ trợ hệ tiêu hóa

Bà bầu có thể phải chiến đấu với nhiều vấn đề tiêu hóa trong thai kỳ. Tiêu thụ lá bạc hà giúp chị em làm dịu các bệnh về dạ dày, hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả. 

Cải thiện tâm trạng

Mang thai có thể khiến bà bầu có tâm trạng mệt mỏi và kiệt sức. Nhấm nháp một ít trà bạc hà sẽ giúp làm dịu tâm trí, loại bỏ sự khó chịu, giảm mệt mỏi hiệu quả. Bạc hà cũng giúp khắc phục chứng mất ngủ và lo lắng ở bà bầu. 

Tác dụng phụ của việc tiêu thụ bạc hà khi mang thai

Mặc dù bạc hà được coi là rất an toàn khi mang thai nhưng đôi khi nó có thể gây ra tác dụng phụ hoặc biến chứng nhất định trong thai kỳ. Một số tác dụng phụ của việc tiêu thụ lá bạc hà có thể kể đến như:

Nguy cơ gây ra phản ứng dị ứng

Bà bầu bị dị ứng với tinh dầu bạc hà hoặc bất kỳ sản phẩm nào chứa tinh dầu bạc hà, nên tránh dùng bạc hà trong thai kỳ.

Tinh dầu trong lá bạc hà có thể gây dị ứng ở một số bà bầu - Ảnh minh họa: Internet

Bạc hà chứa một lượng đáng kể tinh dầu bạc hà có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng nếu bạn bị dị ứng với tinh dầu bạc hà. Bà bầu bị hen suyễn cũng nên tránh dùng bạc hà khi mang thai.

Nguy cơ gây sảy thai

Bạc hà có đặc tính giãn cơ. Tiêu thụ lá bạc hà không đúng thời điểm trong thai kỳ nó có thể làm giãn cơ vùng tử cung dẫn đến sảy thai hoặc sinh non. Do đó, bà bầu có tiền sử sảy thai tốt nhất không nên ăn lá bạc hà. 

Có thể gây ra tác dụng phụ với một số loại thuốc

Bà bầu thường được kê toa bổ sung vitamin và khoáng chất trong thai kỳ. Trong một số trường hợp, bạc hà có thể gây cản trở trong việc hấp thụ tác dụng từ các loại thuốc bổ này.

Sử dụng quá nhiều bạc hà có thể gây hại

Dược tính của bạc hà khi tiêu thụ quá nhiều có thể ảnh hưởng đến bà bầu - Ảnh minh họa: Internet

Bạc hà cũng là một loại thảo dược có dược tính nhất định. Việc ăn quá nhiều lá bạc hà cùng một lúc có thể khiến bà bầu có cảm giác buồn ngủ, đau cơ, nhịp tim chậm cùng các biến chứng khác trong thai kỳ.

Làm nặng thêm vết loét dạ dày

Bạc hà có thể giúp bà bầu làm dịu các vấn đề về đường tiêu hóa. Tuy nhiên, đối với bà bầu bị viêm loét dạ dày, nên hạn chế sử dụng loại rau này. Tinh dầu trong lá có thể làm nặng thêm vết loét và có thể gây ra các biến chứng nặng hơn.

Nếu bà bầu còn thắc mắc có thể tiêu thụ bạc hà một cách an toàn khi mang thai hay không thì câu trả lời là có. Cẩn thận hơn, chị em có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để loại trừ bất kỳ biến chứng nào có thể xảy ra.

Nguồn: https://parenting.firstcry.com/articles/is-consuming-mint-during-pregnancy-safe/