Kỳ tích 2 vợ chồng trở về từ cửa tử COVID-19
Đó là câu chuyện của vợ chồng bà Lê Thị Kiều Dung (58 tuổi) và ông Phan Hoài Thanh (60 tuổi). Cả hai vợ chồng đều là bệnh nhân (BN) COVID-19 được chuyển từ một bệnh viện (BV) khác về Trung tâm ICU BV ĐH Y Dược TP.HCM (đặt tại BV Quốc tế City, quận Bình Tân).
Hai vợ chồng đối diện với cái chết ở hai nơi
Bác sĩ (BS) Lê Minh Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm ICU BV ĐH Y Dược TP.HCM, một trong những người trực tiếp điều trị cho vợ chồng ông Thanh, kể: “Khi nhận được bệnh án tóm tắt của BN từ một BV khác cũng là lúc cơn khủng hoảng bệnh nặng, bệnh nguy cấp lên đến đỉnh điểm. Hai BN đã trở nặng trước khi được đưa đến Trung tâm ICU của chúng tôi”.
Nhớ lại những ngày oằn mình chiến đấu giành giật sự sống cho vợ chồng ông Thanh, BS Khôi cho biết lúc mới tiếp nhận ông Thanh tới phân khu Cửu Long (thuộc Trung tâm ICU), chân của BN đã bị phù lên vì thiếu máu và có biểu hiện hoại tử. Đây là một trường hợp tắc mạch rất thường gặp trong bệnh cảnh COVID-19. Sau đó BN rơi vào tình trạng sốc nhiễm trùng, nhiễm độc.
Ngay lập tức nhóm hội chẩn khẩn cấp được thành lập với đủ các chuyên khoa liên quan. Trung tâm ICU không có phòng mổ, do vậy BS phải chuyển BN về BV ĐH Y Dược (quận 5) để chụp CTA (chụp cắt lớp mạch máu) khẩn.
Ban đầu, dù biết cơ hội cứu đôi chân ông Thanh rất mong manh nhưng các BS vẫn quyết định can thiệp. Các BS dùng dụng cụ đưa vào đường tiêm để lấy huyết khối ra khỏi chân BN, sau đó siêu âm thấy sóng mạch. Nghĩ BN sẽ có hy vọng, các BS lại chuyển BN về Trung tâm ICU.
Sau đó không lâu, tình trạng huyết động và tri giác của BN trở nên xấu hơn. BN lâm vào hôn mê và có thể không qua khỏi. Một lần nữa, các BS lại hội chẩn khẩn và chuyển BN tới BV ĐH Y Dược. Ngay sau đó, các BS quyết định cắt chân ông Thanh.
Trước khi phẫu thuật, BV liên hệ xin ý kiến người nhà thì biết chỉ có vợ chồng ông Thanh ở Việt Nam. Người con ở nước ngoài sau khi biết tin đã rất hoảng loạn vì tình hình của cha mẹ vô cùng trầm trọng. Cũng trong lúc đó, các BS mới được biết vợ ông Thanh đang thở máy ở phân khu Bạch Đằng (thuộc Trung tâm ICU) và tiên lượng không qua khỏi.
Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Xót xa nghĩ cảnh người con trở về chỉ nhận được hai hũ tro cốt
Tình trạng của vợ chồng chú đều thuộc trường hợp nặng, phải đặt nội khí quản và dùng thuốc trợ tim. Những ngày đó, mọi người luôn đứng trước áp lực rất lớn là sẽ mất cả hai vợ chồng. Bởi lẽ hầu như BN đặt nội khí quản sẽ rất khó cứu chữa. Cứ nghĩ đến cảnh vài tháng, nửa năm sau, người con trở về chỉ nhận được hai hũ tro cốt mà thấy chính mình cũng quay quắt, xót xa.
BS LÊ MINH KHÔI, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU), BV ĐH Y Dược TP.HCM
Tỉnh dậy thì mất đôi chân, vợ đang nguy kịch
Trước đó, ông Thanh ở trong tình trạng vô vọng nhưng nhờ cắt chân nên sức khỏe BN đã có những chuyển biến tốt. Ông được chuyển về Trung tâm ICU trong tình trạng cận tử. Sau đó các BS tiếp tục điều trị phổi cho ông. Dù gặp nhiều biến chứng khác trong khu điều trị ở một BN cận tử nhưng dần dần ông Thanh cũng bình phục. Vết thương của ông bắt đầu lên da non. Ông được rút nội khí quản và lấy lại nhịp thở.
BS Khôi kể lại lúc ông Thanh vừa tỉnh dậy, các BS không dám cho ông biết vợ ông cũng đang điều trị tại Trung tâm ICU BV ĐH Y Dược TP.HCM. Họ sợ ông gặp chấn động quá lớn sẽ hủy hoại kết nối tâm thể và ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của ông. Khi ông Thanh ổn hơn, các BS mới dám cho ông biết về tình trạng của vợ ông.
Ông Thanh được xuất viện trước vợ mình. Ít lâu sau, vợ ông là bà Dung cũng được xuất viện sau gần hai tháng trường kỳ chiến đấu với tử thần. Các BS nhận thấy tâm thế của ông rất bình thản và can trường đối mặt với biến cố mất đi một phần cơ thể. Khi các BS gọi điện thoại hỏi thăm, ông cho biết mình đã dần khỏe và muốn hẹn gặp BS sau mùa dịch.
“Tôi nghĩ BS chỉ là người điều trị, còn BN vượt qua được cửa tử một phần là nhờ khát vọng và nghị lực sống của họ. Cuối cùng thì chú đã gặp lại cô sau những tháng ngày khốc liệt nhất, khốc liệt hơn tất cả biến cố trong đời gộp lại. Cô ở phân khu Bạch Đằng, chú ở phân khu Cửu Long. Nay cả hai đã được trở về căn nhà của mình” - BS Khôi tâm sự.
Trước đó, bà Dung được chồng đưa vào BV cấp cứu. Bà không biết sau khi mình vào BV thì chồng bà cũng phải nhập viện. Nhớ lại những tháng ngày chống chọi với bệnh COVID-19, bà kể: “Khi vừa tỉnh lại, mọi người giấu tôi về tình hình của chồng tôi vì sợ tôi sốc. Dần khỏe, tôi chỉ muốn được gặp chồng mình. Xuất viện về nhà thấy chân chồng bị như vậy, tôi rất bàng hoàng và sửng sốt nhưng đã ráng kìm nén cảm xúc vì sợ chồng buồn”.
Hiện tại sức khỏe và tinh thần của vợ chồng ông Thanh đã dần ổn định. Vợ chồng ông chỉ có một người con đang định cư ở Úc, hằng ngày đều gọi điện thoại về hỏi thăm sức khỏe cha mẹ. Vì không thể ở bên nhau nên con ông bà đã nhờ bạn bè chăm sóc, hỏi han.
Tôi thật lòng biết ơn các bác sĩ “Tình hình dịch bệnh lúc đó vô cùng phức tạp. Bất kể ai cũng có thể nhiễm bệnh. Vợ chồng tôi không may bị nhiễm khi bên cạnh không có một người thân nào. Thật may vì chúng tôi được các BS tận tình cứu chữa. Con chúng tôi cũng đã bớt lo lắng. Tôi thật lòng biết ơn các BS đã cố gắng hết mình để giúp vợ chồng tôi vượt qua cơn thập tử nhất sinh này” - bà Dung bộc bạch. |
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...
Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại ở 1 huyện
Huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại sau khi phát hiện nhiều con chó cắn...