Kỳ 3: 3 tháng ở cữ nhà chồng ám ảnh, con dâu vội vàng nhập viện vì muốn hóa điên
Trong số những bệnh nhân nữ đã vào viện tâm thần TW1 (Thường Tín, Hà Nội), bác sĩ, tiến sĩ Tô Thanh Phương – Trưởng khoa 6, Phó Giám đốc Bệnh viện nhớ khá kỹ về trường hợp của bệnh nhân Đào Thị Lâm, 26 tuổi quê ở Quốc Oai, Hà Nội.
Bác sĩ Phương kể, Lâm kết hôn mới chỉ được gần 2 năm nay và đã có con gái đầu lòng 5 tháng tuổi. Thế nhưng từ 2 tháng trước, Lâm đã phải nhập viện tâm thần để điều trị vì bị trầm cảm sau sinh nặng nề.
Theo người bác sĩ đã và đang trị liệu cho Lâm cho biết, cô nhập viện trong tình trạng bị hoảng loạn, tinh thần không tỉnh táo như một người điên. Lúc thì Lâm giận dữ, lúc lại yếu ớt buồn chán đến mức muốn chết đi. Cũng có khi Lâm lại lo lắng, sợ hãi cùng cực khi nhìn ảnh con và sợ không ai chăm con được chu đáo.
Sau khi kết hôn Lâm và chồng sống và làm việc tại Hà Nội. Cuộc sống không phải sống cùng bố mẹ chồng nên vợ chồng trẻ cảm thấy rất thoải mái. Bố mẹ chồng Lâm ở Hà Nam thỉnh thoảng vẫn gửi đồ ăn lên thành phố cho con dâu tẩm bổ.
Mọi chuyện chỉ bắt đầu nảy sinh từ khi Lâm về quê chồng ở cữ. Trong khi đó, chồng Lâm vẫn trên Hà Nội làm việc, thỉnh thoảng cuối tuần mới tranh thủ về thăm vợ. Những ngày ở cữ nhà chồng, Lâm cứ nghĩ vui vẻ, đầm ấm bao nhiêu thì thực tế lại hoàn toàn đổi khác. Quãng thời gian ở cữ thật gian nan và tủi nhục đủ đường khi con dâu bị nhà chồng soi mói, chì chiết.
Con gái mới sinh thường xuyên quấy khóc, gần như 3 tháng ở cữ liền Lâm không được ngủ. Lại thêm cách đối xử của bố mẹ chồng khiến cô rơi vào trầm cảm và nhiều lần nghĩ đến cái chết.
“Lâm từng kể, con cô ấy rất hay quấy khóc. 3 tháng đầu tiên con khóc liên tục. Mẹ chồng chẳng những không đỡ đần trông cháu cho còn đâm ra bực tức, trách mắng con dâu đủ đường. Bà chì chiết Lâm nuôi con không mát tay rồi không hay đi chùa nên con cái không được hưởng phúc?!”, bác sĩ Phương lắc đầu kể lại.
Rồi chưa kể khi cháu ốm đau, bố mẹ chồng lại bảo “Tại nó giống mẹ nên còi cọc ốm đau” hay “Tại cô lúc bầu không tẩm bổ mà cháu tôi yếu ớt thế này”. Có những lúc Lâm bị bố mẹ chồng chỉ thẳng mặt bảo: “Người ta bảo lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống cấm có sai. Cô ăn hại thế này, đến nuôi con thôi cũng không xong, cả tháng không lên được lạng nào. Mẹ ăn hại vậy thì đi chết đi".
Trong khi Lâm đau đớn không thể chịu nổi những lời chì chiết nanh nọc trên và bật khóc thì nhà chồng lại cười nghiêng ngả. Cô gọi điện cho chồng tâm sự, anh không tin bố mẹ ở nhà lại đối xử với con dâu như thế. Anh còn bảo có lẽ do Lâm buồn quá nên ở nhà để ý vặt vãnh và trở nên nhỏ mọn hơn hẳn so với trước đây.
Không còn ai bên cạnh có thể chia sẻ nỗi lòng của Lâm lúc này nên nhiều khi người vợ trẻ đã có ý định tự sát. Bởi cô nghĩ, cô không nên sống nữa. Cô cảm nhận mình không có ích cho ai cả, cô sinh con ra nhưng chỉ làm khổ nó mà thôi.
Từ lúc ở cữ đến khi con được 3 tháng tuổi, hàng ngày Lâm vẫn tự tay chăm con, chăm bản thân. Nhà chồng sáng ra là đi làm hết. Hoặc lúc cô ốm, đau cũng không ai đỡ đần. Ngày đó Lâm thường kể, nếu dại dột cô chết chắc cũng chẳng ai biết. Đến tối đi làm về, người nhà chồng chỉ nhìn cháu, nựng cháu còn coi con dâu như người vô hình.
Ngày nọ cứ nối tiếp ngày kia cho tới một ngày khi Lâm ở cữ được 3 tháng thì thèm ăn đậu phụ rán nên mua về làm. Chuyện nhỏ nhặt như vậy mà mẹ chồng mắng Lâm xoen xoét. Nghe những câu cửa miệng của mẹ chồng, Lâm vì nghe nhiều nên quen. Cô cứ ngày một quắt queo đi, chẳng hề buồn bã hay oán thán, kêu ca với ai. Trưa ấy, ngồi nhai bát cơm ở cữ mà cô thấy miệng đắng ngắt.
Rồi có đêm thức ôm con, Lâm khóc cạn nước mắt. Sữa mẹ của cô cứ thế mà cạn dần. Lâm rơi vào trầm cảm và nhiều khi chẳng tỉnh táo như trước. Con gái Lâm không đủ sữa thì càng quấy khóc còn Lâm cứ như người điên. Lúc cô giận dữ vì con quấy, lúc lại vồ vập thương con, lúc lại yếu ớt chán nản đến muốn ôm con tự tử, lúc lại hãi hùng sợ mất con…
“Một mình Lâm cứ rơi vào cái hố của những cảm xúc hỗn độn ấy mà không ai trong nhà hay biết. Rồi Lâm hạn chế ra ngoài, không trò chuyện với mọi người trong nhà như trước. Có những ngày Lâm chốt chặt cửa phòng không ăn không uống, mặc kệ nhà chồng đi làm về gọi í ới, mặc kệ con khóc ngằn ngặt trên tay. Hoảng sợ có điều gì không hay xảy ra, nhà chồng Lâm đã phải phá cửa và đưa Lâm vào viện thăm khám rồi điều trị bệnh như hiện nay”, bác sĩ Phương nói.
Theo bác sĩ Phương, có nhiều nguyên nhân dẫn tình trạng trầm cảm sau sinh ở các phụ nữ. Chứng bệnh này do sự kết hợp nhiều yếu tố, từ tinh thần, thể chất, tâm lý...gây nên. Chưa kể, phụ nữ sau sinh, trong cơ thể có sự thay đổi nhanh chóng, kéo theo nhiều sự thay đổi khác trong não bộ, sự thay đổi tâm trạng. Cùng với đó là sau sinh,chị em thường không được nghỉ ngơi đủ sức, liên tục phải đối mặt với sự mệt mỏi, kiệt sức.
Chính những điều này nếu không nhận được sự quan tâm của người thân và gia đình lâu ngày tích tụ sẽ gây ra rối loạn cảm xúc, áp lực, không điều khiển được cảm xúc và hành động của bản thân và rơi vào trầm cảm nặng nề.
Hiện qua hơn 1 tháng điều trị bằng liệu pháp tham vấn tâm lý và sử dụng thuốc, Lâm đã dần ổn định lại thể trạng và tâm lý về cơn ác mộng ở cữ nhà chồng vừa trải qua. Cũng may, Lâm được sự quan tâm và chăm sóc của chồng cũng như của ông bà ngoại nên đã hồi phục tốt hơn: “Lâm bảo với bác sĩ, lần sau sinh con thứ 2, Lâm sẽ về nhà mẹ đẻ hoặc ở lại Hà Nội sinh để vợ chồng có nhau, dù có thể vất vả nhưng thoải mái và đỡ áp lực”.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...