Gặp chị Nguyễn Thị Mai (tên nhân vật đã được thay đổi) tại khu điều trị bệnh nhân tâm thần nữ khoa 6, Bệnh viện tâm thần TW1 (Thường Tín, Hà Nội), chúng tôi bỗng thấy thương cảm cho những phụ nữ như Mai khi đang phải trải qua những ngày điều trị trầm cảm tại đây vì những áp lực của nhà chồng.

Theo lời bác sĩ, tiến sĩ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện tâm thần TW1 cho biết: Chị Mai nhập viện từ 2 tháng trước với dấu hiệu bị trầm cảm nặng như luôn cảm thấy buồn rầu, chán nản, cáu gắt với mọi chuyện xung quanh, dễ bị kích động, hay la hét và nhiều lần có ý định muốn tự tử. Qua điều trị và chuyện trò, bác sĩ mới phát hiện ra Mai có dấu hiệu trầm cảm do áp lực từ gia đình.

Bác sĩ Phương nhận định, Mai cũng giống như nhiều bệnh nhân nữ tại khoa 6, nhập viện do những áp lực không thể dung hòa từ gia đình. Điều này xuất phát từ việc không được chia sẻ mọi tâm tư nên cứ dồn nén cảm xúc. Những ức chế cứ tích tụ trong lòng không được giải tỏa mà hóa điên, hóa dại. Tất nhiên, mỗi bệnh nhân vào đây là một hoàn cảnh riêng, chẳng ai giống ai.

Theo lời chị Mai chia sẻ với PV, chị sinh ra và lớn lên tại vùng núi Sơn La. Cuộc sống quanh năm chỉ có nương rẫy và núi đồi bao phủ. Dù nhà nghèo nhưng bố mẹ cũng cố cho Mai được học hành. Thế nhưng chị vẫn không cố gắng học hành mà chỉ học hết cấp 2 Mai đã bỏ học.

Mai tại Viện Tâm thần TW1.

20 tuổi, Mai theo người bà con ra Hà Nội làm thêm. Tại đây, Mai xin được vào công nhân cắt chỉ ở một xưởng may công nghiệp ở Long Biên, Hà Nội với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng. Nhờ sự chăm chỉ, khéo léo và hình thức ưa nhìn, làn da trắng mà chị được rất nhiều chàng trai trong xưởng để ý.

Rồi chị cũng nhận lời yêu Tiến – một chàng trai trẻ hơn chị 2 tuổi quê ở Mỹ Đức, Hà Nội. Tình yêu của Mai chớp nhoáng khi cả yêu và tìm hiểu chỉ diễn ra trong 50 ngày là Tiến đã về quê Mai xin phép được đám cưới với cô.

Ngày 2 người đưa nhau về quê, gia đình Mai ai cũng phản đối. Bố mẹ và các em đều khuyên Mai phải tìm hiểu thật kỹ về chồng và gia đình chồng. Thế nhưng cô gái đang yêu lại gạt đi tất cả những góp ý đó, tự tin muốn kết hôn và sống bên Tiến.

“Khi yêu, anh ấy chiều chuộng mình lắm. Mình nói gì anh ấy cũng nghe hết. Anh ấy quan tâm mình từ những điều nhỏ nhặt nhất. Chính bởi thế, mình siêu lòng rất nhanh và gạt đi tất cả lời khuyên của mọi người”, Mai tâm sự.

Thế rồi đám cưới của Mai và Tiến diễn ra. Sau đám cưới, vợ chồng Mai vẫn làm tại xưởng may bên Long Biên. Cuộc sống thuê trọ đầy vất vả nhưng vợ chồng son vẫn quấn quýt bên nhau. Tuy nhiên, 3 tháng sau đám cưới, Mai mang bầu và bị nghén nhiều. Cơ thể cô trở nên yếu ớt và rệu rạo đến mức không làm được việc ở xưởng may. Lúc này Tiến tính 2 vợ chồng sẽ thôi việc và về hẳn quê làm ruộng, phụ hồ để sinh sống.

Những ngày đầu về nhà chồng ở, cuộc sống của Mai vẫn đầy ấm áp và màu hồng. Thấy con dâu yếu ớt vì đang bầu bí, mẹ chồng cũng quan tâm cô. Nhưng chỉ sau đó khoảng 1 tuần, khi con dâu suốt ngày ăn với nằm như người ốm giả cách mà không làm gì, mẹ chồng Mai bắt đầu ra lườm và nguýt nói cô là “con dân tộc”, là “đứa ăn bám”, “đứa ăn hại”...

“Bị nghén nặng là thế nhưng mình vẫn cố gắng làm mọi việc nhà. Thậm chí mình còn theo ra đồng cấy hái, gặt lúa phụ nhà chồng. Song như vậy vẫn chẳng yên thân với mẹ chồng. Bà chửi mình là con gái ở đây thiếu gì mà con trai bà phải lấy đứa dân tộc mãi tận Sơn La. Rồi bà còn nói, cái "ngữ" sặc mùi lạc hậu, nhìn đã "ngứa mắt". Biết thân biết phận nên mình dù ấm ức lắm cũng vẫn phải nhẫn nhịn”, Mai kể.

Ban đầu, Mai cũng kể với chồng. Song chồng Mai chẳng những không lắng nghe vợ tâm sự còn gạt đi và khẳng định: “Làm dâu thì nhẫn nhịn đi”, “Mẹ tôi nói cái gì cũng đúng”... Mà cũng đúng thôi vì vợ chồng mình đang ăn bám gia đình, làm sao có tiếng nói gì. Chồng mình thì chỉ đi làm phụ hồ thế nhưng chưa bao giờ đưa được một đồng cho vợ. Cứ ngày đi phụ hồ, tối anh lại đi chơi cờ bạc và nướng hết tiền một ngày mệt nhọc vào đó”.

Đặc biệt, cứ mỗi lần không vừa ý với con dâu, mẹ chồng Mai lại gọi điện thẳng cho nhà ngoại trách móc gia đình không biết dạy con khiến lần nào ông bà ngoại cũng phải hạ giọng xin lỗi thông gia, xin nhà chồng hãy bỏ qua mọi chuyện cho con gái mình.

Vì suy nghĩ quá nhiều mà suốt thời gian bầu bí, Mai từng nhiều lần muốn đi bỏ thai và không muốn có đứa con này ra đời. Rồi một ngày mang quần áo lên trên tầng thượng phơi, Mai sảy chân bị ngã cầu thang. Cơ thể cô không bị trầy xước nhiều nhưng cái thai thì không thể giữ lại được khi đã mang bầu ở tháng thứ 5.

“Lúc này, mẹ chồng càng có cớ nói mình. Bà chửi mình là dâu ăn hại, đến chửa đẻ cũng không xong. Nhiều lần bà còn dọa nạt rằng nếu không biết điều, có ngày dắt tay mình trả về nhà ngoại vì không biết đẻ”, Mai kể.

Mẹ chồng đã vậy, chồng Mai ngày một sa đọa sâu hơn vào cờ bạc. Mỗi lần thua tha, anh lại chửi bới, đánh đập Mai thậm tệ khi cho rằng từ ngày lấy Mai mà cuộc đời anh ta xúi quẩy, đen đủi.

“Mình cứ chịu đựng như vậy trong uất nghẹn và ấm ức mà không biết kể cho ai nghe. Mình không thể kể với bố mẹ đẻ vì sợ họ lo lắng. Lấy chồng xa ở nhà chồng mình cũng không có ai làm bạn bè thân. Dần dần mình cảm thấy trống rỗng, mệt mỏi và nhiều lần muốn uống thuốc ngủ tự tử”, Mai thú nhận.

Bác sĩ, tiến sĩ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện tâm thần TW1

Sau tháng ngày bị dày vò đến phát điên dại là đêm nhập viện tâm thần khẩn

Đó là một tối khi chồng Mai say xỉn về nhà và bắt Mai đi dọn cơm cho anh ăn. Dù đang ngủ nhưng Mai cũng dậy làm. Tuy nhiên, Mai vẫn bị chồng đánh tới tấp vì lý do: “Đến dọn cơm mà cô cũng chậm chạp như vậy hả. Đồ ăn hại”.

Bị chồng đánh tới tấp nhưng mẹ chồng cô chẳng bênh vực con dâu còn hùa vào chửi bới cô vô dụng. Thể xác và tinh thần bị dày vò, Mai rối trí và phát dại. Cô hóa điên lên khi gào thét, la hét không ngừng. Thậm chí khi được mọi người đưa đến viện Tâm thần, Mai vẫn trong tình trạng không thể kiểm soát được. Cô vẫn la hét và gào khóc đến nỗi người nhà phải buộc chân tay và xích Mai lại mà cô vẫn cố chống đối.

Suốt gần 2 tháng qua tại viện, bằng biện pháp trị liệu tâm lý kết hợp với thuốc trầm cảm nên sức khỏe và tâm lý của Mai đã dần ổn định trở lại bình thường. Nhưng chuỗi ngày ở nhà chồng không khỏi khiến Mai kinh hãi khi nhớ lại.

“2 tháng điều trị tại viện cũng chỉ có nhà ngoại không quản ngại đường xá xa xôi tới thăm con gái. Còn nhà chồng tuyệt nhiên chẳng thấy bóng dáng ai. Họ đưa mình vào đây và nghĩ mình điên nên chắc bỏ mặc mình trong này. Còn nhà ngoại thì thương mình lắm. Mẹ đẻ mình cứ bảo khi nào ra viện thì ly hôn chồng rồi về Sơn La ở với bố mẹ, đừng trở về cái nơi cay nghiệt ấy nữa”, Mai nói.

Đón đọc kỳ 3: Về nhà chồng ở cữ, nàng dâu nhập viện vì trầm cảm