Hôm nay (04/4), bà T. đến bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) khám trong tình trạng da niêm mạc nhợt, đau bụng quanh rốn, đau từng cơn, đau tăng lúc đói, ăn uống khó tiêu.

Bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm máu, nội soi kiểm tra dạ dày. Qua hình ảnh nội soi, bác sĩ Trần Văn Tiến, Khoa Thăm dò chức năng, phát hiện trong dạ dày bà T. có kí sinh trùng giun đũa kích thước 0,4x15cm đang ngoe nguẩy.

Giun đũa dài 15cm đang ký sinh trong dạ dày người phụ nữ 65 tuổi - Ảnh: BVCC

Ngay lập tức, kíp nội soi tiến hành gắp giun đũa ra khỏi dạ dày bệnh nhân. Chưa đến một phút, con giun đũa đã bị "tóm gọn" và "trục xuất" ra khỏi cơ thể. Sau khi ổn định sức khỏe, các bác sĩ đã cho bệnh nhân ra viện.

Con giun đũa bị "trục xuất" ra khỏi cơ thể - Ảnh: BVCC

Bà T. tâm sự, gần đây bà hay bị đau bụng, thi thoảng thấy hoa mắt, chóng mặt. Điều đáng nói là đã 10 năm nay, bà chưa uống thuốc tẩy giun vì chủ quan. 

Bác sĩ Trần Văn Tiến cảnh báo:“Giun đũa có thể biến chứng chui vào đường mật gây tắc mật với biểu hiện đau bụng dữ dội kèm tắc mật hoặc chui vào phổi gây viêm phổi kéo dài điều trị không đỡ. Giun đũa không chỉ cạnh tranh nguồn dinh dưỡng của con người mà còn gây nên những biến chứng khá nghiêm trọng”.

Khi ấu trùng giun lọt vào đường tiêu hóa của người, nhờ tác dụng co bóp của dạ dày, ruột, chúng sẽ "chu du" qua thành ruột non, theo con đường máu đến gan, theo tĩnh mạch trên gan tìm đến phổi.

Từ phổi, chúng đi lên cuống phổi sang hầu. Sau đó được nuốt trở lại ống tiêu hóa, định vị ở ruột non rồi trưởng thành ở đó.

Thời gian một chu kỳ từ trứng giun trở thành giun trưởng thành mất khoảng 2 tháng. Bản thân một con giun có thể sống trong cơ thể người đến 1 năm.

Từ trường hợp này, bác sĩ Tiến khuyến cáo người dân nên thường xuyên tẩy giun định kỳ 6 tháng 1 lần, hạn chế ăn đồ ăn sống, thực hiện việc ăn chín uống sôi.