- Chúng ta ly hôn đi, tôi không muốn sống với người phụ nữ nói nhiều như cô.

- Anh nghĩ tôi muốn sống với người chồng ích kỷ, vô tâm như anh sao?

 

Anh chị lại cãi nhau vì những chuyện nhỏ nhặt. Lần này là việc anh nhậu nhẹt quên gọi điện về cho chị biết. Đợi đến tận khuya không thấy bóng dáng anh đâu, chị giận dữ mang cơm canh đổ hết vào thùng rác. Một lúc sau anh về và cơn thịnh nộ của chị đã bùng phát. Anh chán nản vì nghe những lời kể lể của vợ nên cũng chẳng buồn phản bác. “Ly hôn” là câu cuối cùng mà anh nói rồi đi lên phòng đóng sầm cửa. Đêm đó, anh ngủ một mình trong phòng, chị sang ngủ với con. Chị khóc nhiều nên đầu đau như búa bổ chẳng thể chợp mắt được. Hôn nhân của hai vợ chồng đứng trên bờ vực đổ vỡ.

Chuyện của vợ chồng chị cũng như hàng nghìn câu chuyện của các cặp đôi khác. Nhiều người đến khi đổ vỡ rồi cũng không biết nguyên nhân bắt đầu từ đâu. Ngoài chuyện ngoại tình, hôn nhân còn đứt gánh bởi vì những lý do này, các cặp vợ chồng nên biết.

Cãi nhau vì những chuyện nhỏ nhặt

Vợ chồng hay cãi nhau vì những chuyện nhỏ nhặt sẽ không bền lâu - Ảnh minh họa: Internet

Vợ chồng cãi nhau là điều bình thường, nhưng cứ liên tục xích mích vì những điều nhỏ nhặt thì nên xem lại mối quan hệ của mình. Bạn nên xem cuộc hôn nhân của mình đã bị hỏng ở điểm nào, do ai và nguyên nhân là gì? Bởi những cuộc tranh cãi nhỏ sẽ dần trở thành lớn rồi đổ vỡ vào lúc không ngờ nhất. Một người vợ khôn khéo phải biết cách dung hòa không khí trong gia đình. Tạo cho chồng không gian thoải mái nhất để anh ấy quay về mỗi khi mệt mỏi vì công việc. Chứ đừng suốt ngày càm ràm chồng không về nhà ăn cơm, lễ lạt cũng không có quà. Điều này vô nghĩa lắm, chỉ khiến cho đàn ông cảm thấy áp lực hơn mà thôi. Bên cạnh đó, đàn ông cũng bớt vô tâm một chút. Hãy đặt cái tâm và tấm lòng của mình cho vợ, tạo cho cô ấy một niềm tin vững chắc.

Chỉ xem đối phương là bạn cùng nhà

Xem nhau là bạn cùng nhà khiến hôn nhân đổ vỡ - Ảnh minh họa: Internet

Bạn có biết vợ chồng khác người yêu ở điểm nào không? Đó là trách nhiệm. Khi yêu nhau cả hai cũng phải có trách nhiệm, nhưng điều đó chỉ dừng ở mức quan tâm, chưa hẳn đã lo lắng cho nhau cả đời. Nhưng khi về chung một nhà rồi, cuộc đời còn lại của bạn sẽ giao phó hết cho người đó. Khi còn yêu đương, không thích nữa thì chia tay. Tuy nhiên cưới nhau rồi không phải nói ly hôn là được. Suy cho cùng, vợ chồng là nghĩa, là tình, không thể cứ xem nhau là những vị khách ghé ngang đời nhau để rồi đối xử tệ bạc sao cũng được. 

Không còn cảm giác quan tâm

Quan tâm, chăm lo cho nhau là việc làm cần thiết của một cặp vợ chồng. Nhưng khi đối phương không còn muốn dính dáng đến cuộc đời của nhau nữa đồng nghĩa với việc chia tay. Vợ chồng đều bận rộn kiếm tiền trang trải cuộc sống nhưng đừng lấy đó làm cớ để phớt lờ những hành động quan tâm dành cho nhau. 

Những cuộc trò chuyện trở nên thưa dần

Vợ chồng nên nói chuyện thường xuyên để hiểu nhau hơn - Ảnh minh họa: Internet

Nhát dao “chí mạng” nhất trong hôn nhân đó là không còn trò chuyện, lắng nghe nhau nữa. Vợ chồng mà không còn gì để nói, không còn mối lo chung, chuyện đổ vỡ là sớm muộn. Khi có chuyện gì bế tắc trong công việc, hãy giải tỏa bằng cách nói với người bạn đời của mình. Có thể người đó sẽ không đủ sâu sắc để hiểu bạn nhưng ít nhất bạn cũng sẽ cảm thấy nhẹ lòng hơn. Chuyện của riêng mình, chuyện khiến mình bực dọc và lo lắng, chỉ cần nói ra nhất định sẽ có cách giải quyết nhanh chóng.

Lơ là chuyện chăn gối

Đời sống vợ chồng không còn yếu tố tình dục sẽ có nguy cơ đổ vỡ rất cao. Đàn ông vốn dĩ rất xem trọng chuyện này, đàn bà cũng không kém. Khi bạn đời không đáp ứng đủ đầy nhu cầu của nhau, việc tìm người mới là điều hiển nhiên. Việc người thứ ba chen vào cuộc hôn nhân chưa đáng sợ bằng việc người trong cuộc muốn buông tay nhau. Khi người trong cuộc muốn tạo cơ hội để người thứ ba xuất hiện trong cuộc tình của họ, hôn nhân chắc chắn sẽ đổ vỡ.