Chỉ ăn khi được dùng điện thoại

Chị Nguyễn Hoài Hương (Yên Xá, Hà Nội) than vãn cả hai con nhà chị chỉ ăn khi có điện thoại. Chúng thích xem điện thoại và không thích tivi. Chị Hương cho biết, bé thứ hai 15 tháng tuổi nhưng cháu không chịu ăn và chỉ khi mẹ đưa cho chiếc điện thoại cầm xem quảng cáo và chơi trò chơi thì cháu mới chịu ăn.

Thói quen này đã được chị Hương áp dụng cho con từ lúc 10 tháng tuổi. Còn bé lớn 7 tuổi, vì bố mẹ bận đôi khi chị không có thời gian chơi cùng con đành cho cháu xem điện thoại.

Cả kỳ nghỉ hè, chị cho bé về quê chơi với mong muốn con rời xa điện thoại. Tuy nhiên, ở quê hiện nay, điện thoại kết nối wifi ngày càng phổ biến, các cháu vẫn lấy điện thoại của ông bà xem. Nếu bị thu điện thoại, các cháu lại khóc, dỗi hờn không ăn cơm. Ông bà cũng đành chiều các cháu.

Một gia đình nghỉ hè ở nhà, ông bà trông 2, 3 đứa trẻ và không có điện thoại trợ giúp thì cũng không thể trông hết – đó là nỗi khổ của ông bà ngoại của nhà chị Hương.

Các gia đình đều rơi vào cảnh con nghiện điện thoại - Ảnh minh họa: Internet

Hiện nay, bé thứ hai nhà chị Hương chỉ cần mẹ thu điện thoại đã khóc và đòi bằng được. Chị Hương lo sợ cháu nghiện điện thoại nhưng cũng không biết làm cách nào vì bỏ điện thoại ra xa cháu không chịu ăn. 

Hoàn cảnh con chỉ ăn khi có điện thoại, con chỉ ngồi chơi một mình khi có ipad phổ biến ở các gia đình. Chị Đỗ Thị Hồng (Trung Hoà, Cầu Giấy) ở nhà bán hàng online tranh thủ tự trông con. Nhiều khi bận chị cũng đành đưa cho con điện thoại để bé tự chơi. 3 tuổi, cháu cũng tự xem các trò chơi trên điện thoại. Chị Hồng cũng biết những tác hại của điện thoại với trẻ em nhưng nếu không cho con chơi điện thoại, bé không để yên cho chị làm việc.

Mẹ một cái điện thoại, bố một cái điện thoại, con một cái, cả nhà cứ thế việc ai nấy làm và chưa biết bao giờ chấm dứt cảnh bỏ điện thoại ra khỏi bữa cơm của bé Cốm.

Những tác hại của điện thoại đối với trẻ em

Hiện nay, điện thoại thông minh đang trở thành một “vú em” của nhiều gia đình. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tác hại của điện thoại với trẻ em không chỉ đối với đôi mắt mà còn ảnh hưởng tới cả não bộ của trẻ.

Bác sĩ Trần Thị Thu Thủy, Chuyên khoa Nhi - Tâm lý - Phòng khám Cây thông xanh (Hà Nội), cho biết chủ đề trẻ em sử dụng điện thoại, các thiết bị có màn hình đang trở thành vấn đề nóng của toàn thế giới không riêng gì Việt Nam. Bác sĩ Thuỷ cho biết 30 năm trước, trẻ em Mỹ tiếp xúc với màn hình khoảng 4 tuổi thì hiện nay con số trẻ em được tiếp xúc với màn hình là 4 tháng bao gồm cả điện thoại thông minh, tivi, máy tính… 

Không chỉ ảnh hưởng tới mắt, trong giai đoạn từ 0 – 2 não bộ đang phát triển, trẻ học thông qua giác quan, nhận biết cơ thể thông qua tay nhưng khi xem màn hình 2 chiều trẻ không thể sờ vào được nó.

Nếu ở ngoài, bé có thể cảm nhận được các giác quan cầm nắm. Trẻ 4 tuổi có thể nhận thức được hình hài cơ thể qua các giác quan. Bác sĩ Thuỷ cho biết có những trẻ tìm đến phòng khám 4 tuổi cháu chỉ biết vẽ hình tròn, 2 dấu chấm. Trẻ không thể cảm nhận được các bộ phận. 

Tác hại của điện thoại đối với trẻ em không chỉ dừng lại với mắt do ánh sáng xanh, chúng còn gây rối loạn giấc ngủ. Ánh sáng xanh như ánh sáng của bầu trời và trẻ không nhận ra là ngày hay đêm nên nhiều bé cứ 3 - 4 giờ sáng lại lôi điện thoại ra xem.

Tác hại của điện thoại với trẻ em là rất lớn - Ảnh minh họa: Internet

Sử dụng điện thoại nhiều khiến trẻ hay bị tăng động giảm chú ý. Theo bác sĩ Thuỷ,  tivi, điện thoại chuyển hình rất nhanh nên làm cho trẻ kém chú ý hơn. Những hình ảnh trên màn hình trôi nhanh làm cho trẻ nhỏ không có khả năng chú ý, trẻ ngồi đâu chỉ một tý và chạy đi liên tục.

Năm 2016, Viện Hàn lâm Y khoa Mỹ khuyến cáo hoàn toàn không màn hình cho trẻ dưới 18 tháng. Tuy nhiên, điều này rất lạ với các bố mẹ Việt Nam. Các bậc phụ huynh vẫn cho rằng trẻ sử dụng điện thoại để con ăn ngon hơn nhưng các kết luận hoàn toàn ngược lại.

Từ 18 – 24 tháng được khuyến cáo xem ti vi, điện thoại có sự theo dõi của bố mẹ. Trẻ 2 -5 tuổi khuyến cáo được xem không quá 1 giờ và càng ít càng tốt. 

Người lớn phải kiểm soát được chính mình vì trẻ con không thể dứt ra được khỏi màn hình.

Bố mẹ tương tác với màn hình sẽ không tương tác với con. Bác sĩ Thuỷ khuyến cáo khi trong phòng nên bỏ màn hình, các thiết bị và luôn tăng tương tác để trẻ phát triển. Đồng thời, các giác quan cần phải thường xuyên kích thích bằng giác quan thật.