Khốn khổ vì căn bệnh “ai nhìn cũng sợ”

Mắc bệnh vảy nến đã 10 năm nay, chị T. (35 tuổi) luôn mặc cảm khủng khiếp. Căn bệnh này khiến da chị T. như vảy cá màu trắng bạc, đùn hết lớp này đến lớp khác. Da dẻ ngứa ngáy, máu mủ chảy ra, lớp vảy cũ sùi lên, dày ra rồi rụng xuống lại đến lớp vảy sừng khác mọc.

Vảy ra cứ mọc rồi lại rụng đi như một vòng tuần hoàn không ngừng nghỉ. Tất cả khiến chị khổ sở, nhiều lúc muốn chết vì quá mặc cảm.

Nóng lòng muốn chấm dứt căn bệnh vảy nến “ai nhìn cũng sợ” này, chị T. đã tìm đến bài thuốc dân gian dạng viên hoàn. Viên thuốc này được bán trên mạng internet với lời quảng cáo “trị khỏi vĩnh viễn”.

Khi đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, chị T. nhận được tin “sét đánh” mắc bệnh ung thư da.

Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bên cạnh những tổn thương điển hình của bệnh vảy nến, chị còn có các tổn thương da khác, sẩn dày sừng - biểu hiện đặc trưng của ngộ độc Arsen mãn tính và tổn thương thành bụng nghi ngờ do ung thư da. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy chị bị mắc bệnh ung thư biểu mô vảy biệt hóa.

ThS - Bác sĩ Hoàng Thị Phượng khám cho bệnh nhân vảy nến - Ảnh: BVCC

Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe, ThS - Bác sĩ Hoàng Thị Phượng, Phó khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, phụ trách phòng khám chuyên đề bệnh vảy nến, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết đây không phải trường hợp cá biệt gặp biến chứng do sử dụng thuốc trôi nổi chữa bệnh vảy nến.

Vì bệnh liên quan đến vẻ bề ngoài, thẩm mỹ nên khi bị mắc bệnh vảy nến, người bệnh hay ngại ngùng, giấu bệnh. Nhiều bệnh nhân nghe theo lời quảng cáo chữa khỏi hẳn bệnh vảy nến nên đã tự ý điều trị mà không biết việc làm này khiến họ thêm khổ sở.

“Trên mạng vô số bài thuốc dân gian quảng cáo chữa khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến. Tuy nhiên, sự thực là cho đến nay chưa có thuốc nào chữa khỏi căn bệnh này. Việc tự ý điều trị theo các loại thuốc dân gian quảng cáo chữa khỏi vĩnh viễn khiến bệnh nhân phải gánh chịu những hậu quả vô cùng nặng nề.

Ngoài ung thư da, chúng tôi đã gặp những trường hợp bệnh nhân bị đỏ da toàn thân do một số thuốc sử dụng corticoid toàn thân. Nặng hơn là những bệnh nhân bị suy thượng thận, thậm chí một số trường hợp nhiễm trùng huyết do đắp sản phẩm dân gian chữa vảy nến”, Bác sĩ Hoàng Thị Phương bày tỏ.

Mạng Internet vẫn tràn lan quảng cáo chữa khỏi bệnh vảy nến

Trong vai người có nhu cầu mua thuốc trị vảy nến, PV gọi đến hotline 0909…xxx của trang quendibenh…com, chúng tôi được nhân viên tư vấn liệu trình thuốc điều trị vảy nến với giá 3.2 triệu đồng, ship miễn phí toàn quốc. Theo lời nhân viên tư vấn thì liệu trình này gồm một lọ thuốc sát trùng, một thuốc bôi và một lọ thuốc uống.

“Người bị một năm dùng hai liệu trình sẽ khỏi. Bên em có những người bị bệnh vảy nến 7 năm điều trị cũng khỏi”, nữ nhân viên tư vấn cho hay.

Những bài thuốc với lời quảng cáo điều trị khỏi ngay bệnh vảy nến vẫn quảng cáo tràn lan trên mạng - Ảnh chụp màn hình

Chỉ cần gõ từ khóa thuốc điều trị vảy nến, người dùng sẽ tìm được trên 1.4 triệu kết quả chỉ trong nháy mắt. Nơi nào cũng khẳng định thuốc điều trị hiệu quả bệnh vảy nến, tạm biệt lở loét, ngứa da khiến người bệnh như rơi vào “ma trận”.

Nói về các bài thuốc quảng cáo trị bệnh vảy nến trên mạng, bác sĩ Hoàng Thị Phương cho biết có nhiều quảng cáo khẳng định dùng gel lô hội, bột nghệ, lá trầu không, thậm chí cả sữa non sẽ chữa khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến nhưng sự thực không phải như vậy.

“Trong thân cây lô hội có chất gel có tác dụng dưỡng ẩm da chứ không thể khỏi hẳn. Hay như lá trầu không có kháng sinh phòng nhiễm khuẩn có tác dụng với một số bệnh khác còn với bệnh vảy nến, trầu không có thể gây kích ứng. Còn sữa non bôi lên da rất mất vệ sinh, có thể gây nhiễm trùng da, đặc biệt với làn da vốn đã quá nhạy cảm như người bị bệnh vảy nến”, bác sĩ Phượng phân tích.

Bệnh nhân điều trị bệnh vảy nến tại Bệnh viện Da liễu Trung ương - Ảnh: BVCC

Theo bác sĩ Hoàng Thị Phượng, kể cả những bài thuốc Đông y chính thống cũng được áp dụng điều trị trong những năm trước đây nhưng hiện Bệnh viện Da liễu Trung cũng không áp dụng nữa.

“Không thể chữa khỏi hẳn bệnh vẩy nến như quảng cáo tràn lan trên mạng. Người bệnh tuyệt đối không tin lời đổn thổi, quảng cáo chữa dứt điểm bệnh vảy nến tránh tiền mất bệnh lại nặng thêm”, bác sĩ Phượng khuyến cáo.