Cá kho là một trong những món ăn dân dã, bình dị xuất hiện ở hầu hết các bữa cơm gia đình Việt. Kho cá bằng nước dừa cho độ sệt đậm đà, thịt săn chắc và lên màu cánh gián bắt mắt.

Nước dừa ít năng lượng, giàu vitamin, thậm chí trước đây, trong những trường hợp thiếu thốn không có oresol, người ta dùng nước dừa như biện pháp tạm thời để bù nước cho cơ thể. Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - trưởng khoa khám và tư vấn dinh dưỡng người lớn - Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ trên Báo Tuổi Trẻ, nước dừa rất ít năng lượng (chỉ khoảng 19 calo/100g), không chứa chất béo, giàu các vitamin như B3, B5, biotin, B2, acid folic, một lượng nhỏ vitamin B1 và B6, vitamin C và chất khoáng như, natri, kali, canxi, đồng, canxi, sắt, mangan, magie và kẽm...

Nước dừa và vitamin tự nhiên. Ảnh: Internet

Nước dừa còn chứa các amino acid, các hợp chất sinh học như cytokinin và các enzyme như acid phosphatase, catalase, dehydrogenase, peroxidase, polymerase…

Nước dừa có 95,5% là nước, còn lại là các vitamin C, vitamin B, sắt, phốt pho, natri, kali... Trong đó, kali giúp cơ thể giữ lại nước tránh mất nước ra bên ngoài môi trường, vitamin C có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch giúp người bị bệnh phục hồi nhanh chóng hơn.

Nước màu làm từ nước dừa:

- Bước 1: Phải lọc nước dừa tươi để loại bỏ bụi, vụn xơ dừa. Sau khi lấy nước dừa ra khỏi quả phải được nấu ngay nếu để lâu nước dừa sẽ bị chua và nước màu sẽ không còn ngon.

- Bước 2: Cho nước dừa vào chảo hoặc nồi và tiến hành đun nấu. Khi nước dừa vơi bớt có thể châm thêm nước dừa vào và tiếp tục nấu.

Nước màu dừa nguyên chất. Ảnh: Internet

- Bước 3: Khi nước dừa đã cạn khoảng 1 nửa và bắt đầu chuyển màu thì có thể hạ nhỏ lửa. Trong quá trình nấu có thể dùng đũa khuấy nhẹ nhàng để nước màu dừa nhanh bốc hơi nước và sẽ không bị cháy. Trong thời gian nấu phải luôn ở bên canh lửa

- Bước 4: Ở bước này có thể lượt lại lần nữa và cho vào nồi nhỏ để dễ quậy (không bắt buộc). Quan sát thấy nước màu có độ keo sền sệt, màu nâu cánh gián thì hoàn thành. Cần để nước màu dừa thật nguội trước khi cho vào chai, lọ để dùng dần.

- Vì được làm bằng nước dừa nguyên chất nên vị sẽ hơi chát nhẹ, màu nâu cánh gián khi kho xong món ăn sẽ có màu đỏ nâu rất đẹp, thơm. Không bị đắng và hắt mùi như nước màu đường.

Cách bảo quản rất đơn giản chỉ cần đậy kín và để nơi khô ráo thoáng mát là có thể để đến 3 năm.

Nước màu làm từ nước dừa sẽ giúp các món kho ngon hơn, lên màu đẹp.

Cá kho cho màu đẹp và thịt chắc, thơm ngon đậm đà

Nguyên liệu:

- 300 gram cá linh (hoặc cá rô, cá lóc, cá cơm... thùy thích)

- Một trái dừa xiêm

- Gia vị: mắm, muối, hạt nêm, xì dầu, dầu hào, dầu ăn

- Ớt, hành cắt mỏng, tiêu

- Ít màu nước dừa 

Cá kho thơm ngon nức mũi. Ảnh: Internet

Cách kho:

Bước 1: Cá làm sạch, để ráo, ướp với 2 muỗng canh nước mắm, một muỗng canh đường, một chút hạt tiêu, một muỗng canh xì dầu, một muỗng canh dầu hào. Ướp cá trong 30-40 phút cho cá ngấm gia vị, khi kho sẽ cho thịt chắc.

Bước 2: Cho chảo nhỏ lên bếp, ít dầu ăn vào đun nóng. Dầu nóng già cho cá vào chiên sơ 2 mặt, sau đó vớt ra đĩa.

Bước 3: Bắc nồi đất lên bếp, cho nước dừa tươi, nước mắm và ít nước màu dừa vào đun sôi. Nước dừa có tác dụng làm món cá kho có độ sệt và lên màu cánh gián đẹp mắt. Tiếp đến, cho cá vào kho với lửa thật nhỏ để thịt cá thấm kỹ nước dừa và các gia vị.

Khi nước cạn, nêm nếm lại vừa ăn, tắt bếp, thêm chút tiêu, hành lá và ớt cho đẹp mắt.

Món cá kho có vị đậm đà, thơm ngon quyện cùng chút cay nhẹ của tiêu, ớt ăn cùng cơm trắng.