Căn nhà của ông Lê Quốc Hoàng Nam bị sạt lở đến sát chân móng - Ảnh: CHÍ HẠNH

Trưa 6-12, ông Lưu Nhuận - chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long - cho biết vụ sạt lở bờ sông Cổ Chiên, đoạn qua xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ từ tối 5-12 sang ngày 6-12 đã gây ảnh hưởng đến 16 hộ dân với 58 nhân khẩu.

Mảng sạt lở dài 500m, sâu vào đất liền 200m, làm 13 căn nhà bị cuốn xuống sông, một nhà kho, một xe cuốc đang thi công đê bao, hai ao nuôi cá chốt và khoảng 10ha đất. Tổng thiệt hại khoảng 35 tỉ đồng.

Hiện chính quyền địa phương đã di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở, bố trí chỗ ở tạm và trao lương thực, hỗ trợ mỗi hộ bị mất nhà hai triệu đồng.

Sạt lở khoét sâu vào đất liền, vườn cây của người dân khoảng 200m - Ảnh: CHÍ HẠNH

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, hiện ở vị trí sạt lở đang tiếp tục xảy ra các vụ lở đất nhỏ, toàn bộ khu vực này còn nguy hiểm do đất đai đang tiếp tục bị xé rách từng mảng.

Phía ngoài sông Cổ Chiên, cách vị trí sạt lở không xa, cơ quan chức năng đang tổ chức thả bao cát để hạn chế sạt lở thêm đất đai của người dân.

Ông Lê Quốc Hoàng Nam (53 tuổi, ngụ ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh) cho biết từ tối qua đến sáng nay sạt lở vẫn tiếp diễn, gây nguy hiểm một khu vực rộng lớn. Căn nhà mẹ ruột ông đã bị sập xuống sông cùng khoảng 50% diện tích đất vườn trồng nhãn.

Vùng nước phía sau nhà ông Nam và hàng cây bần phía đối diện hơn ngày trước còn là đất liền - Ảnh: CHÍ HẠNH

"Khu vực này có 13 căn nhà, trong đó 12 căn đã sập toàn bộ xuống sông, còn duy nhất nhà tôi nhưng hiện đã bị xé rách, phải di dời vì có thể sập xuống sông bất cứ lúc nào. Tính sơ gia đình tôi thiệt hại nhiều tỉ đồng", ông Nam cho hay.

Tủ lạnh của người dân trôi sông sau vụ sạt lở đất - Ảnh: CHÍ HẠNH

Ông Nam nghi ngờ vụ sạt lở bất thường này bị tác động bên ngoài vì hằng ngày ở giữa sông Cổ Chiên có hai xáng cạp khai thác cát do Nhà nước cấp phép. Vào thời điểm xảy ra sạt lở, người dân đã ghi hình được có xáng cạp vẫn còn múc cát và sau sự cố xáng cạp mới rời đi.

"Phía trên một xáng cạp, phía dưới một xáng cạp khai thác cát xuyên suốt. Người dân ở đây ai cũng cho rằng vụ sạt lở này là do một phần của việc khai thác cát quá mức", ông Nam nói.

Cùng ngày, Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Long cho biết ở khu vực xảy ra sạt lở làm 13 căn nhà bị nhấn chìm xuống sông, không có đơn vị nào được cấp phép khai thác mỏ cát.

Tuy nhiên, phía hạ lưu sông Cổ Chiên 500m cơ quan chức năng có cấp mỏ khai thác cát cho doanh nghiệp tư nhân.

Ông Lưu Nhuận cho biết thêm hiện Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn đang khảo sát vị trí sạt lở để tìm nguyên nhân và hướng khắc phục.