Vô sinh vì quai bị từ 8 năm trước

Anh Nguyễn Văn Thư (29 tuổi, Hưng Yên) cùng vợ đi khám hiếm muộn. Vợ chồng anh Thư kết hôn gần 2 năm nhưng chưa có tin vui. Trước đây, hai vợ chồng anh có sống chung 2 năm nhưng lúc ấy anh có chủ động tránh thai nên không bao giờ nghĩ mình sẽ có vấn đề về sinh sản.

Khi cưới nhau, vợ chồng anh chị thoải mái hơn trong việc bầu bí và nghĩ có thai sẽ sinh con luôn nhưng tin vui mãi không tới. 

Vợ anh Thư sốt ruột vì hai vợ chồng bằng tuổi nên đi kiểm tra sức khoẻ sinh sản. Kết quả vợ anh hoàn toàn bình thường, bác sĩ khuyên chồng cũng phải đi khám.

Việc đi khám hiếm muộn nhiều lần khiến anh Thư muốn bỏ giữa chừng vì chờ đợi và mất thời gian. Tuy nhiên, anh chết sững khi bác sĩ thông báo anh không có tinh trùng kèm theo tinh hoàn bị teo nhỏ hơn những người bình thường.

Tình trạng khan hiếm tinh trùng tại các ngân hàng hỗ trợ sinh sản khiến hiều người không có tinh trùng để sinh con - Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ tư vấn hỏi kỹ thì lúc đang là sinh viên năm thứ 3, anh Thư bị quai bị và điều trị. Từ sau đó, anh không thấy ảnh hưởng gì tới sức khoẻ. Do kiến thức về y tế lúc đó còn kém, chưa rõ bệnh quai bị lại có nguy cơ làm teo đi nhà máy sản xuất con giống của mình nên không đi kiểm tra. Lúc này, bác sĩ có sinh thiết mẫu tinh hoàn truy tìm tinh trùng nhưng tất cả chỉ còn lại “nhà xác tinh trùng” mà không còn tinh trùng hoạt động. 

Những trường hợp như anh Thư để có con phải xin tinh trùng từ ngân hàng. Hiện tại, các ngân hàng hỗ trợ sinh sản đều trong tình trạng khan hiếm tinh trùng, anh Thư được bác sĩ bày cách đổi mẫu. Tức anh phải động viên được bạn bè, người thân, anh em đổi 1 mẫu tinh trùng vào ngân hàng anh sẽ có một mẫu tinh trùng để sử dụng sinh con.

Ban đầu anh nghĩ đơn giản, khi ngỏ lời với thằng bạn thân của anh, nó cười hô hố và cho rằng đây là cách vớ vẩn và không thể giúp anh bằng cách hiến tinh trùng. Bạn anh sợ con cái của mình lang bạt khắp nơi. Không riêng gì bạn thân, anh Thư chỉ nói chuyện phiếm cũng bị nhiều người nói ngại hiến. Vậy là, anh e dè chẳng dám nhờ ai. Vợ anh Thư cũng chưa thể sinh được con vì còn đang chờ nguồn hiến tinh trùng.

Khan hiếm tinh trùng 

Tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản, nhiều bác sĩ than thở nguồn hiến tinh trùng hiện nay đang hiếm. Người dân còn e ngại với việc hiến tinh trùng. Trong khi đó, ở các nước Châu Âu ngân hàng tinh trùng có hàng nghìn mẫu thì các ngân hàng tinh trùng ở Việt Nam luôn trong tình trạng ăn đong.

TS Hồ Sĩ Hùng, Phó Giám đốc trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Phụ sản trung ương trung tâm, cũng không nằm ngoài cuộc khan hiếm tinh trùng ở Việt Nam. Trước kia, nhu cầu hỗ trợ sinh sản thấp thì nay tỷ lệ tăng lên rất nhiều và số nam giới không thể sinh con bằng tinh trùng của mình, bắt buộc phải xin tinh trùng cũng tăng lên.

Các mẫu tinh trùng được hiến đảm bảo vô danh - Ảnh minh họa: Internet

Để đáp ứng nhu cầu tinh trùng cho trung tâm, trung tâm đưa ra biện pháp đổi mẫu. Một người muốn xin 1 mẫu tinh trùng để hỗ trợ sinh sản phải có một mẫu khác bù vào bằng cách vận động người thân, bạn bè hiến vào.

Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ Mô phôi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tình trạng khả quan hơn chút. PGS Nguyễn Mạnh Hà, giám đốc trung tâm chia sẻ tình trạng khan hiếm tinh trùng nhưng sau đó trung tâm đã tổ chức các cuộc nói chuyện với sinh viên chính trong trường Đại học Y Hà Nội để các em hiến tinh trùng vào trung tâm.

Nhờ đó, đến nay trong ngân hàng tinh trùng cũng có khoảng vài chục mẫu. Trước đây, trung tâm cũng áp dụng 1 đổi 1 nhưng không khả thi vì nhiều cặp vợ chồng không vận động người thân đổi mẫu được.

Hiện nay, trung tâm không cần đổi mẫu và sử dụng nguồn tinh trùng hiến từ sinh viên. PGS Hà cho biết trong tương lai, ông hi vọng người dân, các bạn nam giới trẻ hiến tinh trùng nhiều hơn để giúp các cặp vợ chồng không thể sinh con bằng tinh trùng của chồng được cơ hội có con.

Việc hiến tặng tinh trùng theo quy định chỉ 1 lần nên không lo tới xác suất kết hôn cùng huyết thống.

Tại Châu Âu một số nước cho phép 1 người được hiến tinh trùng tới 6 lần. PGS Hà cho biết 1 mẫu hiến chỉ dành cho một người, không dành cho nhiều người. Với dân số 96 triệu dân, PGS Hà cho rằng không nên e dè về khả năng kết hôn cận huyết.