“Ô hô! Mình bị K rồi”

“Quả thực mà nói, bệnh K mang lại rất nhiều trải nghiệm đáng quý. Những ngày nằm viện, được bạn bè, người thân, đồng nghiệp quan tâm chăm sóc, mới thấy mình thật "có phúc", bởi vậy nên lúc nào mình cũng thấy vui, thấy hạnh phúc”.

Chị Đinh Mai Hương, giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân đã bộc bạch như thế về căn bệnh vốn được mọi người coi là “tử thần”.

Cách trải lòng hóm hỉnh của chị về bệnh ung thư đã khiến bao người cảm động, gây “bão” likes, share trên mạng xã hội.

Tinh thần lạc quan, tuân thủ phác đồ điều trị là bí kíp giúp chị Hương chiến thắng ung thư. Ảnh: NVCC

Trò chuyện với PV Phụ nữ Sức khỏe, chị Mai Hương cho hay bài viết này ban đầu chị viết trên trang cá nhân để chia sẻ với bạn bè, người quen nhưng chị đã chuyển bài viết sang chế độ công khai với mong muốn truyền đi tinh thần lạc quan dành cho chị em đồng bệnh.

“Chuyện là vầy, tháng 11 năm ngoái, mình đi khám sức khỏe định kỳ ở trường thì siêu âm thấy có u nghi là K. Ngay chiều hôm ấy theo lời khuyên của bác sĩ siêu âm, mình phi lên viện K Quán sứ để khám chuyên sâu ngay. Các bác sĩ khám, chụp X-quang, siêu âm, sinh thiết... đều chẩn đoán mình bị K. Cầm kết quả về, dọc đường mình nghĩ "ô hô, mình bị K rồi, có bệnh thì chữa thôi, có sao đâu".

Hôm sau mình gọi điện cho cô bạn bác sĩ xinh đẹp để làm thủ tục nhập viện để xử lý K. Nghĩ cũng buồn cười, mình là giảng viên mà đến dịp 20/11 rất là hay "trốn" nhé, lúc thì trốn để đi "đẻ", lúc thì trốn để đi chơi, trốn để đi học, giờ lại trốn để đi viện”, chị Mai Hương kể.

Hiện chị Hương là giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: NVCC

Ung thư = nhiều trải nghiệm đáng quý

Với chị, bệnh ung thư mang lại rất nhiều trải nghiệm đáng quý. Những ngày nằm viện, được bạn bè, người thân, đồng nghiệp quan tâm chăm sóc, chị thấy mình thật "có phúc".

Chị cũng không thể ngờ bạn bè có những lúc trải chiếu nằm đất trông nom, rửa ráy vệ sinh cho chị lúc còn chưa ngồi dậy được. Rồi có người ngày ngày cơm nước cháo lão cho chị mặc dù nằm tận viện K Tân Triều xa trung tâm lắm.

Chị em đồng bệnh nhiều người còn xúng xính chụp ảnh selfie với cúc hoạ mi trong bộ áo bệnh nhân, cùng “buôn chuyện” từ đầu phòng đến cuối phòng bệnh. Bởi vậy nên lúc nào chị cũng thấy vui, thấy hạnh phúc, ăn cơm bệnh viện cũng thấy “ngon ra trò”.

"Ung thư - chuyện bình thường! Ngay cả khi có bệnh, nếu mình còn thích làm đẹp thì sẽ thấy vui vẻ, hạnh phúc”. Ảnh: NVCC

Qua giai đoạn nằm viện sau mổ, chị Hương được chuyển sang khoa nội để truyền hoá chất. Tìm hiểu về quá trình này, cộng với chia sẻ của những người đồng bệnh, chị biết truyền hoá chất là giai đoạn gây mệt mỏi và bị rụng tóc.

“Mình đề xuất với bác sỹ, cho mình xin chậm vài ngày để đi "làm đẹp", trước khi truyền hoá chất. Có ai như tôi không? Còn lo đi làm đẹp trước khi cái đầu trọc lóc...

Đi xăm lông mày, cắt tóc để làm tóc giả. Bệnh K mang lại cho mình trải nghiệm thú vị tiếp theo là cái tóc tém ngắn hết cỡ.

Đội tóc giả cũng kiểu đầu tém, mình thấy mình vẫn đẹp ra phết, chả kém gì cái thời tóc ngang lưng cả. Thế mới biết, ngay cả khi có bệnh, nếu mình còn thích làm đẹp thì mình sẽ còn thấy vui vẻ hạnh phúc, bệnh tật chỉ là muỗi đốt inox mà thôi”, chị Mai Hương vui vẻ chia sẻ.

8 đợt hóa chất, 33 ngày xạ, trọc đầu cũng phải đẹp

Đúng 10 ngày sau khi đợt hoá chất đầu tiên vào người, tóc chị bắt đầu rụng, vuốt tay lên đầu là ra cả nắm tóc. Dự kiến việc này rồi nên chị chụp ảnh nắm tóc để kỷ niệm rồi ra cửa hàng cho cô em… cạo trọc đầu, chính thức trọc lóc từ lúc đó.

Tuy nhiên chị cho rằng “dù là trọc thì cũng phải đẹp”. Thế nên ngoài việc đội tóc giả đã chuẩn bị sẵn, chị còn tìm hiểu các kiểu buộc khăn và mũ sao cho thật phong cách.

“Trộm vía, người khác qua 8 đợt truyền hoá chất thì bết xê lết phát sợ luôn, mình chỉ bị khó chịu 2 đợt truyền đầu tiên, mà cũng chỉ khoảng 3-4 ngày trong mỗi đợt thôi.

Thế nên, thời gian còn lại, không đi giảng, mình chỉ lo chăm sức khoẻ, tinh thần, ăn uống bồi dưỡng, vẽ tranh nghe nhạc, tập yoga, bếp núc nội trợ... thanh thản. Thế bảo sao không thấy vui mọi nơi mọi lúc nhỉ.

Quay đi quay lại cũng xong 8 đợt truyền hoá chất, cuối tháng 4, mình chuyển sang giai đoạn xạ trị. Xạ trị thì nhẹ như lông hồng thôi, 33 ngày xạ là 33 ngày đến viện ngồi “buôn” với hội chị em bạn dì cùng tên là K.

Chuyển sang xạ cũng là lúc tóc mọc trở lại vì đã hết ảnh hưởng hoá chất. Sự phiền toái duy nhất là quá trình xạ không cho phép mình được tắm, cụ thể không được cho nước chảy vào vùng xạ, cái này khó à nha... vì xạ đúng tháng 5 và 6, trời ấm…

May, thế quái nào mà tắm kiểu "chọn vùng" như thế cũng không làm mình bị bốc mùi. Đó là vấn đề mình lo nhất trong suốt quá trình bị bệnh”, chị Hương nhớ lại.

Qua giai đoạn bệnh, chị muốn nhắn nhủ với mọi người, nhất là những người cùng bệnh K một điều rằng "Chúng ta luôn là những người may mắn vì vẫn còn được sống hạnh phúc trên cõi đời này, may mắn có những trải nghiệm để rèn luyện mình". Ảnh: NVCC

Cuối tháng 6, xạ cũng đã xong và mùa du lịch. Bác sĩ dặn chị vẫn phải kiêng nước thêm 2-3 tuần nữa. Không đi du lịch biển được, chị quyết định lên kế hoạch đi Đà Lạt khí hậu mát mẻ.

Chị nhận ra: “Bệnh K mang lại cho mình nhiều trải nghiệm, tích cực nhiều hơn là tiêu cực… Trải qua bệnh, mình bớt sân si rất nhiều, cảm thấy thanh thản với những chuyện đau buồn đã xảy ra trong quá khứ.

Thậm chí mình thực sự thấy cảm ơn những cú sốc lớn trong quá khứ đã tôi luyện mình được cứng rắn như bây giờ. Mình thực sự thấy trong cái xã hội đầy rẫy rủi ro như bây giờ, nào là ô nhiễm, nào là tai nạn, nào là thị phi... thì bệnh K còn nhẹ hơn rất nhiều". 

"Từ khi bị bệnh, mình còn cải thiện thói quen ăn uống, sinh hoạt, không ngủ muộn, sáng dậy sớm 6h, tập thể dục đều đặn...Mình muốn nhắn nhủ với mọi người, nhất là những người cùng bệnh K như mình, một điều rằng chúng ta luôn là những người may mắn vì vẫn còn được sống hạnh phúc trên cõi đời này, may mắn có những trải nghiệm để rèn luyện mình. Những người không có trải nghiệm mới là thiệt thòi, không hiểu thế nào là buồn sẽ không biết vui, không hiểu đau khổ sẽ không thực sự biết đến hạnh phúc". 

Chị Đinh Mai Hương