Tết đến không chỉ là lúc tất cả chúng ta được nghỉ ngơi, đoàn tụ cùng gia đình, mà còn là khoảnh khắc để mỗi người trong chúng ta tái kết nối với những phong tục tốt đẹp và nghênh đón những hy vọng mới của năm mới. Dẫu vậy, để chuẩn bị cho 1 cái Tết ấm no vẹn tròn luôn là áp lực đối với những "tay hòm chìa khóa" của gia đình, nhất là trong 1 năm kinh tế khó khăn như thế này.

"Mình luôn cảm thấy bản thân là 1 người rất tiết kiệm và cũng cố gắng tính toán làm sao để mỗi đồng chi ra luôn thật xứng đáng, vì kinh tế gia đình không dư dả. Tuy nhiên, cứ đến Tết là thấy hàng tá khoản cần chi, không chi thì không được mà năm nay ngân sách cũng không có nhiều. Mình dự định chỉ chi 10 triệu đồng thôi" - chị Vũ Hà (hiện đang sống tại Đan Phượng, Hà Nội) chia sẻ.

Dưới đây là kế hoạch tôi đã lên chi tiết cho gia đình mình:

1. Thực phẩm ngày Tết (3 triệu đồng):

Mâm cơm ngày Tết là nơi hội tụ tinh túy ẩm thực gia đình, thể hiện sự quan tâm và tình cảm giữa các thành viên. Bởi lẽ đó, các chị em vẫn luôn đau đầu khi mua thực phẩm cho cả nhà trong dịp Tết Nguyên đán.

"Với 3 triệu đồng, tôi có thể chuẩn bị những món ăn truyền thống như: bánh chưng, giò chả, thịt đông, dưa hành, và các loại mứt Tết. Các món ăn có thể không phải sơn hào hải vị nhưng đầy ắp những vị truyền thống vẫn sẽ giúp Tết tròn đầy, cả nhà vui vẻ" - chị Hà nói.

2. Quần áo mới (2 triệu đồng):

Đón Tết với quần áo mới luôn là phong tục của người Việt, tượng trưng cho sự khởi đầu may mắn và tươi sáng. Với ngân sách này, chị Hà cho biết mình có thể tìm mua những bộ quần áo mới cho từng thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em, để con cảm thấy phấn khích và hào hứng trong những ngày đầu năm mới.

Tuy nhiên, với ngân sách này, cô cũng khó có thể mua được nhiều đồ nên sẽ ưu tiên vào việc sắm sửa cho con trước.

3. Lì xì (1,5 triệu đồng):

Tết đến, lì xì không chỉ là phong tục trao may mắn mà còn là cách để người lớn thể hiện sự quan tâm đến thế hệ trẻ.

"Tôi nghĩ 1,5 triệu đồng là đủ cho khoản này trong gia đình mình. Đương nhiên số tiền cho mỗi bao lì xì không được nhiều, nhưng tôi nghĩ lì xì đầu năm là để trao nhau may mắn nên mình cân nhắc sao cho phù hợp với tình hình kinh tế thì sẽ tốt hơn", chị Hà nói thêm.

4. Trang trí nhà cửa (1 triệu đồng):

Việc trang hoàng nhà cửa với đào, quất, cây cảnh, đèn lồng và tranh chúc Tết sẽ mang lại không khí rộn ràng và ấm cúng. Dù năm nay kinh tế không dư dả, Vũ Hà vẫn cố gắng dành 1 triệu cho việc này sẽ làm cho ngôi nhà bạn thêm phần bắt mắt và đầy màu sắc ngày Tết.

5. Du xuân và giải trí (2 triệu đồng):

Những chuyến đi chơi, thăm viếng bạn bè và người thân trong những ngày đầu năm cũng là hoạt động không thể thiếu. Với 2 triệu, chị Hà chia sẻ, 2 vợ chồng đang lên kế hoạch cho những chuyến đi ngắn ngày tại địa phương hoặc tham gia các hoạt động vui chơi giải trí dành cho gia đình.

6. Dự phòng (500.000 đồng):

Phần ngân sách này sẽ dành cho các chi phí phát sinh không lường trước được, giúp chúng ta có thể linh hoạt đối mặt với những tình huống bất ngờ mà không làm ảnh hưởng đến kế hoạch đã đề ra.

"Tuy số tiền khá nhỏ nhưng dù sao có cũng hơn không. Tích tiểu thành đại vẫn luôn là phương châm sống của mình", chị Hà nói.

Chị Hà cũng cho biết thêm, trong quá trình mua sắm và chuẩn bị cho Tết, chị chọn mua sắm có kế hoạch và theo danh sách đã lên sẵn để tránh mua phung phí. Ngoài ra chị cũng thường xuyên kiểm tra giá cả ở nhiều nơi và tận dụng các chương trình khuyến mãi để tiết kiệm chi phí.

Nếu bạn đang chưa biết chi tiêu thế nào cho dịp Tết Nguyên đán của gia đình mình năm nay, hãy thử áp dụng cách này nhé!

Hy vọng Tết của bạn và gia đình sẽ thực sự ấm áp và trọn vẹn ngay cả khi tài chính không mấy dư dả. Chúc bạn cùng gia đình có một mùa xuân đầy hạnh phúc và an khang!