Nguyễn Xuân Quý (38 tuổi, bệnh nhân tâm thần biến phòng điều trị thành nơi bay lắc, mua bán chất cấm) cùng đồng phạm vừa bị Công an Hà Nội khởi tố về các tội Mua bán, Tàng trữ và Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Ngoài ra, công an còn khởi tố Nguyễn Anh Vũ (cán bộ Bệnh viện Tâm thần trung ương I) về tội Không tố giác tội phạm.

Trước vụ việc gây rúng động dư luận, nhiều người thắc mắc Quý cùng các bị can, người để xảy ra vụ án sẽ bị xử lý như thế nào?

Đối diện mức án tử hình

Luật sư Hà Kim Tâm (Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Onekey & Partners) cho rằng đây là hành vi thể hiện sự lộng hành, coi thường pháp luật, gây bức xúc trong xã hội. Theo thông tin công an cung cấp, luật sư đánh giá việc khởi tố Quý về 3 tội danh trên là đúng người, đúng tội.

Sau khi xác định tội danh, cơ quan điều tra sẽ giám định thành phần các chất có trong 6 kg ma túy thu giữ được của nghi phạm để xác định tình tiết định khung phù hợp theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Anh Vũ (trái) và Nguyễn Xuân Quý. Ảnh: Công an Hà Nội.

Theo Điều 249, 255 Bộ luật hình sự 2015, hình phạt cao nhất dành cho tội Tàng trữ trái phép chất ma túy và Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là tù chung thân. Trong khi, mức án cao nhất cho tội Mua bán trái phép chất ma túy là tử hình, theo Điều 251 Bộ luật hình sự 2015.

Ngoài ra, luật sư Tâm nhận định với việc sử dụng hồ sơ bệnh án tâm thần để không phải chịu trách nhiệm hình sự, Quý còn có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng "dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội" theo quy định tại Điều 52 Bộ luật hình sự 2015.

Tổng hợp các tình tiết, mức án cao nhất Quý có thể phải đối mặt là tử hình.

Xử lý cán bộ bệnh viện như thế nào?

Chung quan điểm, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) đánh giá việc khởi tố bị can về 3 tội danh liên quan tới ma túy là đúng theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, ông Giáp nhìn nhận một người tâm thần khó có thể tính toán, qua mặt nhiều người một cách tinh quái tại nơi được kiểm soát chặt chẽ như bệnh viện. Do đó, cần lật lại hồ sơ bệnh án của Quý để xem xét có dấu hiệu tiêu cực trong hoạt động của bệnh viện hay không.

Nếu công an chứng minh được cán bộ bệnh viện đã giúp Quý có bệnh án tâm thần giả nhằm thực hiện hành vi phạm pháp, những người liên quan có thể bị khởi tố về tội danh tương tự với vai trò người giúp sức tích cực.

Ông Vương Văn Tịnh (Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương I) bị tạm đình chỉ công tác sau sự việc. Ảnh: Thạch Thảo.

Còn luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật Đồng Đội) cho rằng nếu phát hiện tiêu cực, cán bộ bệnh viện có thể bị khởi tố về một trong 3 tội danh quy định tại Bộ luật hình sự 2015.

Nếu cơ quan điều tra phát hiện Quý đưa tiền cho cán bộ bệnh viện để làm hồ sơ tâm thần giả, những người liên quan có thể bị truy cứu về tội Nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự 2015.

Nếu cán bộ bệnh viện làm giả hồ sơ bệnh án mà không vì lợi ích vật chất hoặc cơ quan điều tra không chứng minh được việc họ nhận tiền, họ có thể bị xử lý về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật hình sự 2015.

Nếu biết rõ Quý đã, đang thực hiện hành vi phạm tội mà không tố giác, những người liên quan sẽ bị khởi tố về tội Không tố giác tội phạm theo Điều 390 bộ luật này, giống trường hợp của Nguyễn Anh Vũ.

Trường hợp không đủ căn cứ xử lý hình sự, ông Tiền cho biết những người có trách nhiệm có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định của Bộ Y tế vì sự tắc trách, lỏng lẻo trong quản lý hoạt động của bệnh viện.