Diệp lục là chất gì?

Theo bài viết trên website Bệnh viện Medlatec, diệp lục được ví như máu của cây, là thành phần không thể thiếu trong quá trình quang hợp. Diệp lúc giúp chuyển giao ánh sáng mặt trời hấp thu được thành dạng năng lượng để nuôi dưỡng cây.

Hiểu một cách đơn giản thì diệp lục là sắc tố làm cho lá cây có màu xanh. Mọi loài thực vật đều dùng chất diệp lục và ánh sáng mặt trời để có dinh dưỡng cho quá trình phát triển.

Hiện nay nhiều chị em lựa chọn uống chất diệp lục bởi nhiều lợi ích nó mang lại, bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc - điều gì xảy ra nếu bạn uống nước diệp lục mỗi ngày?

Lợi ích của nước diệp lục

Làm sạch mụn trứng cá

Trang Ngoisao.net của báo VnExpress đăng tải nội dung sử dụng chất diệp lục cùng phương pháp quang trị liệu (dùng bức xạ không ion hóa, chủ yếu trong phổ tử ngoại, để điều trị bệnh) có thể điều trị mụn trứng cá nặng.

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2014 trên Tạp chí của Học viện Da liễu Hoa Kỳ cho thấy, việc sử dụng chất diệp lục kết hợp với liệu pháp ánh sáng mang lại những cải thiện tốt hơn so với chỉ sử dụng đèn trong quá trình trị mụn.

Làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư

Chất diệp lục tồn tại ở hàm lượng cao trong một số loại rau có màu xanh đậm. Nghiên cứu trước đó đăng Tạp chí Dinh dưỡng cho rằng, chất này có thể chống ung thư ruột kết.

Một nghiên cứu nhỏ khác trên 50 người trưởng thành được công bố vào năm 2019 trên tạp chí Chất dinh dưỡng cho thấy chế độ ăn nhiều rau lá xanh chứa chất diệp lục tự nhiên dồi dào làm giảm nguy cơ ung thư ruột kết.

 Chất diệp lục mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. (Ảnh minh hoạ)

Có thể chữa lành vết thương nhanh hơn

Diệp lục cũng hứa hẹn là chất làm sạch trong chăm sóc vết bỏng. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2008 trên tạp chí Quản lý & Phòng ngừa Vết thương cho thấy việc bổ sung chất diệp lục giúp giảm đau do bỏng đáng kể.

Năm 2021, một nghiên cứu công bố trên tạp chí Da liễu cho thấy việc bổ sung chất diệp lục từ vi tảo giúp kích thích tái tạo da ở những vết thương ngoài da, không có bất kỳ tác dụng phụ nào.

Chống viêm nhiễm

Chất diệp lục chứa chất oxy hóa cao nên có thể chống viêm hiệu quả. Có thể tìm thấy trong diệp lục nguồn vitamin A, C, E phong phú và đây đều là những chất có tác dụng giảm viêm. Mặt khác, với khả năng chống oxy hóa cao, diệp lục cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại những tổn hại DNA trong cơ thể.

Có thể chống bệnh thiếu máu

Những người ăn thuần chay có khả năng bị bệnh thiếu máu. Mặc dù nhóm dân số này có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do chế độ ăn của họ thiếu protein động vật, họ có thể khắc phục bằng cách ăn nhiều rau lá xanh đậm hoặc bổ sung chất diệp lục dạng lỏng.

Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tạp chí Điều chỉnh sinh học và Tác nhân cân bằng nội môi tiết lộ rằng việc sử dụng chất diệp lục trên bệnh nhân chạy thận nhân tạo giúp cải thiện số lượng huyết sắc tố và hematocrit (chỉ số tế bào hồng cầu trong máu). Nhóm bệnh nhân này cũng có sự gia tăng dự trữ sắt trong máu.

Hỗ trợ giảm cân

Bài viết trên Báo Tiền phong cho biết, một nghiên cứu được công bố năm 2014 về chứng thèm ăn cho thấy nếu thêm nước diệp lục vào chế độ ăn hàng ngày sẽ giảm cân nhiều hơn trong vòng 12 tuần.

Những người uống nước diệp lục dễ giảm cân hơn nhóm không uống thường xuyên. Uống nước diệp lục cũng giảm cảm giác thèm thức ăn nhanh và giảm hàm lượng LDL-cholesterol.

Một nghiên cứu khác của nhóm tác giả này được công bố vào năm 2013 cho thấy nước diệp lục tạo cảm giác no “giả”. Họ đã thêm nướcdiệp lục vào chế độ ăn giàu cacbohydrat của 20 phụ nữ thừa cân. Kết quả là nước diệp lục đã ức chế cảm giác thèm ăn và tăng tiết hoóc-môn CCK - giúp chuyển hóa các chất béo và protein trong chế độ ăn.

Diệp lục hiện được bán ở rất nhiều cửa hàng thuốc. (Ảnh minh hoạ)

Tác dụng phụ khi sử dụng chất diệp lục

Về cơ bản, diệp lục là hợp chất tự nhiên tương đối an toàn đối với cơ thể. Một số trường hợp dùng diệp lục (rất hiếm) có thể gặp các tác dụng phụ như:

- Vấn đề về tiêu hóa: đi ngoài phân màu đen, xanh lá cây hoặc vàng nên dễ nhầm với xuất huyết đường tiêu hóa; tiêu chảy.

- Bôi chất diệp lục lên da có thể gây ngứa rát.

Cách sử dụng diệp lục

Diệp lục hiện được bán ở rất nhiều cửa hàng thuốc, thực phẩm tự nhiên, thực phẩm sức khỏe,... Do là thực phẩm bổ sung nên diệp lục được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như: thuốc xịt, thuốc mỡ, viên nang,... Khuyến cáo từ Đại học bang Oregon cho biết, liều trung bình của chất diệp lục bổ sung nên trong khoảng 100 - 300mg mỗi ngày, chia thành 3 lần.

Nguồn bổ sung diệp lục tốt nhất nên sử dụng là các loại thực phẩm tươi xanh như: đậu xanh, mùi tây, rau bina, lúa mì, đậu Hà Lan, tỏi tây,... Các nhà khoa học của Đại học bang Oregon cũng cho biết, trong mỗi chén rau bina sống có tới khoảng 24mg diệp lục, mỗi cốc rau mùi tây có chứa khoảng 19 mg. Ngoài ra, măng tây hay bông cải xanh tuy bên ngoài màu xanh nhưng bên trong lại có màu trắng nên hàm lượng diệp lục tương đối nhỏ.

Ai không nên dùng diệp lục?

Diệp lục mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và rất hiếm khi gây ra tác dụng phụ. Mặt khác loại chất này cũng không kén người dùng. Tuy nhiên, như đã nói đến ở trên, các chuyên gia y tế cũng chưa chứng minh được nước diệp lục khi dùng cho người đang cho con bú và thai phụ có gây ra ảnh hưởng gì không nên tốt nhất, để đảm bảo an toàn thì nhóm đối tượng này không nên dùng diệp lục.

Ngoài ra, hoạt chất diệp lục vẫn có phản ứng với một số các thành phần có trong thuốc kê đơn. Vì thế, nếu đang dùng một số loại thuốc như: thuốc kháng sinh, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamin, thuốc điều trị cholesterol, thuốc huyết áp,... thì trong thời gian dùng thuốc không nên bổ sung chế phẩm có thành phần diệp lục.

Những nội dung được chia sẻ trên đây hy vọng sẽ hữu ích đối với bạn đọc trong quá trình tìm hiểu về công dụng và cách sử dụng nước diệp lục.