Theo thông tin từ Tuổi Trẻ, ngày 8/5, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM) cho biết vừa cấp cứu đột quỵ thành công cho một người đàn ông bị đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch kịp “giờ vàng”.

Bệnh nhân là ông N.T.L. (49 tuổi, quận Bình Thạnh), được người nhà đưa đến cấp cứu trong tình trạng tê yếu nửa người trái, sức cơ yếu và thờ ơ nhẹ khi tiếp xúc, nói đớ.

Kết quả chẩn đoán ông L. bị đột quỵ cấp, có nguy cơ tiến triển đột quỵ nặng hơn trong đêm hoặc ngày mai, đây là cơn nhồi máu não cấp (giờ thứ 4, loại trừ xuất huyết não).

Nắng nóng làm tăng nguy cơ sốc nhiệt dẫn đến đột quỵ - Ảnh minh họa: Internet

Trước đó, ông L. thường đi lấy hàng cho vợ bán ngoài chợ vào lúc giữa trưa. Khi về nhà ông thường đi lại vài vòng và bật quạt thoáng nhẹ.

Nhưng hôm đó trời nắng nóng quá, ông vừa về nhà lúc 13h trưa, liền bật quạt số lớn và bật luôn điều hòa để nằm nghỉ ngơi.

Vài phút sau, ông thấy chóng mặt, đau đầu, đo huyết áp chỉ số 150/100 mmHg. Ông liền ngậm thuốc huyết áp dưới lưỡi.

Sau đó ông thấy miệng bên trái bị tê và méo lệch sang một bên, nửa người bên trái tê yếu, ông nhờ người thân đưa đi cấp cứu.

Vì sao nắng nóng gây sốc nhiệt và đột quỵ?

Vào mùa hè ghi nhận số lượng người bệnh nhập viện cấp cứu tăng cao gấp 3 lần so với các thời điểm còn lại. Trong số đó, các trường hợp sốc nhiệt và đột quỵ não, rối loạn điện giải, viêm phổi chiếm đa số.

Nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, bài tiết nhiều mồ hôi từ đó gây mất nước. Nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu dễ bị kết dính và lưu thông kém. Hậu quả làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu. Từ đó, tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.

Khi bị sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng, người bệnh sẽ có những biểu hiện ban đầu điển hình như: mặt đỏ, môi, da khô, mạch nhanh, thở nhanh, đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, hoa mắt, khó thở, thở gấp,… Sau đó có thể xuất hiện tình trạng trụy mạch, sốt cao (từ 39 – 40 độ C), hôn mê…

Mùa hè ghi nhận số lượng người bệnh nhập viện cấp cứu tăng cao gấp 3 lần so với các thời điểm còn lại - Ảnh minh họa: Internet

Làm gì khi bị sốc nhiệt và đột quỵ do nắng nóng?

Đa phần, sốc nhiệt do nắng nóng có thể tự khỏi sau khi người bệnh được nghỉ ngơi, uống đủ nước. Tuy nhiên ở một số đối tượng có sẵn bệnh nền về tim mạch, huyết áp, người có sức đề kháng yếu thì sốc nhiệt do thời tiết nắng nóng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

Trong khi đó, đột quỵ xảy ra bất ngờ nếu không được nhận biết và cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như liệt người, tê yếu chân tay, méo miệng, khó nói, rối loạn ngôn ngữ, thậm chí tàn phế vĩnh viễn hoặc tử vong.