Đặc điểm sinh lý của hệ thống nước mắt

Nước mắt của người bình thường được tiết ra liên tục từ tuyến nước mắt với tốc độ khoảng 1 microlit (µl) trong 1 phút, tạo ra một màng nước mắt bao phủ toàn bộ bề mặt của giác mạc và kết mạc.

Màng nước mắt này có tác dụng bảo vệ mắt chống nhiễm khuẩn, giữ cho mắt không bị khô và được chứa ở túi cùng kết mạc khoảng 20µl-30µl. Dịch nước mắt thừa ở túi cùng kết mạc được rút vào túi nước mắt qua các ống tiểu quản nhờ áp suất âm ở túi nước mắt.

Khi chớp mắt, túi nước mắt bị ép và nước mắt được bơm vào ống mũi lệ đổ vào khoang miệng khoảng 2µl mỗi lần chớp mắt. Nước mắt là một dịch nước trong suốt có pH khoảng 7,4, có chứa các chất điện giải như Na+, K+, Ca+, Cl, HCO3.

Cấu tạo của mắt - Ảnh minh họa: Internet

Khi nhỏ một giọt thuốc vào vùng trước giác mạc, phần thừa ngoài sức chứa của mắt sẽ trào ra má, phần còn lại được tháo vào ống mũi lệ và quá trình này tiếp diễn cho đến khi thể tích dịch nước mắt trở lại bình thường, làm cho liều thuốc đã nhỏ bị mất đi đáng kể.

Hơn nữa, khi thể tích nước mắt đã trở lại bình thường thì sự tiết nước mắt vẫn tiếp diễn, nước mắt tiết ra tiếp tục pha loãng lượng thuốc còn lại, làm giảm nồng độ dược chất, làm giảm tốc độ và mức độ khuếch tán dược chất qua giác mạc.

Tác động của hệ thống nước mắt càng bất lợi khi thuốc nhỏ mắt có pH càng khác 7,4 và được đệm bằng các hệ đệm có dung lượng đệm cao vượt quá khả năng tự điều chỉnh của nước mắt.

Thuốc sẽ gây kích ứng mạnh ở mắt, mắt buộc phải phản xạ lại bằng cách tăng tiết nước mắt. Nước mắt tiết ra càng nhiều nồng độ dược chất càng bị pha loãng, quá trình khuếch tán dược chất qua giác mạc càng giảm do nồng độ giảm.

Nước mắt tiết ra càng nhiều, liều thuốc đã nhỏ càng bị trôi rửa nhanh chóng, thời gian tiếp xúc của thuốc với niêm mạc càng ngắn, dược chất càng ít được hấp thu.

Những việc nên và không nên làm khi sử dụng thuốc nhỏ mắt

Theo Bác sĩ Trần Thị Thùy Trang, bệnh viện Mắt Hà Nội, thuốc nhỏ mắt cần phải dùng đúng theo chỉ định và cần lưu ý cách sử dụng của thuốc như sau:

Nên làm:

- Rửa sạch tay với xà phòng và nước trước khi nhỏ mắt.

- Kiểm tra hạn sử dụng của thuốc nhỏ mắt.

- Sau khi mở lọ thuốc, ghi lên lọ ngày bạn mở nắp thuốc vì thuốc nhỏ mắt nên được sử dụng trong vòng 1 tháng sau khi mở.

 

Dùng thuốc nhỏ mắt theo đúng chỉ định của bác sĩ - Ảnh minh họa: Internet

- Nghiêng đầu về phía sau và nhẹ nhàng kéo mi dưới, nhỏ 1 đến 2 giọt thuốc.

- Sau khi nhỏ thuốc, day mũi, khe mắt để thuốc không xuống họng qua đường mũi.

- Sau khi nhỏ thuốc, nhắm mắt trong 10 giây, sau đó mở mắt và bắt đầu chớp mắt đến khi nhìn lại bình thường.

- Giữ 5 – 10 phút trước khi nhỏ loại thuốc thứ 2 để tránh rửa trôi thuốc trước đó.

- Dùng đúng liều chỉ định của bác sĩ.

Không nên làm:

- Không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt khi mắt bị đỏ.

- Khi nhỏ mắt không để đầu lọ thuốc chạm vào mắt.

- Không nhỏ thuốc lên tròng đen của mắt.

- Không nhỏ thuốc khi dùng kính áp tròng.

- Không nhỏ hai loại thuốc nhỏ mắt cùng lúc.