Hướng dẫn cách tắm nắng cho trẻ sơ sinh: Đặc biệt lưu ý trẻ bị vàng da
Tắm nắng cho trẻ sơ sinh để làm gì?
Tắm nắng giúp trẻ hấp thu được nguồn ánh nắng mặt trời, sản sinh đủ vitamin D, giúp hạn chế tình trạng còi xương, cải thiện chứng vàng da sơ sinh. Ngoài ra, tắm nắng cho trẻ còn giúp điều trị chứng hăm tã vì ánh nắng mặt trời có tác dụng diệt khuẩn.
Vitamin D rất quan trọng đối với sự hấp thu canxi, hỗ trợ tăng trưởng và phát triển bình thường, giúp duy trì sức khỏe xương của trẻ. Việc thiếu hụt vitamin D ở trẻ sơ sinh gây ra rất nhiều vấn đề nghiêm trọng như: gây kích ứng, khó chịu và có nguy cơ nhiễm trùng. Sự thiếu hụt vitamin D nghiêm trọng còn có thể gây ra chứng còi xương, dẫn đến các dị tật về xương (nhất là ở chân).
Vào những năm 1940 – 1970, tỷ lệ ung thư da bắt đầu tăng cao. Viện Da liễu Hoa Kỳ khuyến cáo mọi người thay vì tắm nắng để hấp thu vitamin D từ ánh sáng mặt trời thì hãy bổ sung vitamin từ chế độ ăn hàng ngày. Bên cạnh đó, để điều trị chứng vàng da ở trẻ sơ sinh, các cơ sở y tế áp dụng phương pháp chiếu đèn mà không khuyến khích bố mẹ cho trẻ tắm nắng.
Tuy nhiên hiện nay, có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc cho trẻ sơ sinh tắm nắng 30 phút mỗi ngày sẽ giúp trẻ có đủ lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể. Việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mỗi ngày còn giúp ích cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Hướng dẫn cách tắm nắng cho trẻ sơ sinh
1. Cách tắm nắng cho trẻ sơ sinh vào mùa hè
Vào mùa hè, trời nắng sớm, mặt trời chói chang và gay gắt, mẹ nên tranh thủ cho bé tắm nắng sớm để tránh tác hại của tia cực tím lên làn da non nớt của trẻ và nắng nóng khiến bé bị nóng, khó chịu. Thời gian lý tưởng cho bé tắm nắng vào mùa hè là khoảng từ 6 – 8 giờ sáng, buổi chiều từ 16 – 17 giờ.
Mẹ nên chọn nơi tắm nắng yên tĩnh, sạch sẽ, thoáng mát, tránh ánh nắng chiếu thẳng vào mắt bé. Vào những ngày nắng nóng quá oi bức, mẹ nên hạn chế cho bé tắm nắng nhằm giảm thiểu nguy cơ mất nước khi bé yêu bị đổ mồ hôi quá nhiều.
2. Cách tắm nắng cho trẻ sơ sinh vào mùa đông
Mùa đông, trời lạnh hơn vào buổi sáng nên mẹ thường hạn chế cho bé yêu ra ngoài vì sợ bé sẽ bị cảm lạnh, viêm hô hấp… Ngoài ra, việc bé mặc quá nhiều quần áo ấm cũng khiến làn da của trẻ ít có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, hệ quả là bé có nguy cơ thiếu vitamin D trong mùa đông.
Trời mùa đông mặt trời lên muộn song ánh nắng lại yếu. Do đó, mẹ nên đợi đến khi trời ấm hơn mới cho bé ra tắm nắng, thường là khoảng 8 giờ 30 đến 9 giờ, buổi chiều từ 16 đến 17 giờ. Vào những ngày thời tiết quá lạnh, trời nhiều gió, mẹ không nên cho bé tắm nắng để đảm bảo sức khỏe.
3. Cách tắm nắng cho trẻ sơ sinh bị vàng da
Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh là bệnh khá phổ biến, thường xuất hiện khoảng 72 giờ sau sinh. Đây là thời điểm hồng cầu trong cơ thể trẻ bị phá hủy để thay thế bằng hồng cầu trưởng thành, tình trạng này vô tình làm phóng thích chất Bilirubin – một loại chất mang sắc tố vàng, nếu mức Bilirubin quá cao sẽ khiến làn da của trẻ sơ sinh chuyển sang màu vàng.
Vàng da có 2 loại gồm vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Trẻ sơ sinh bị vàng da bệnh lý nguy hiểm hơn nhiều so với bệnh vàng da sinh lý.
Vàng da sinh lý là hiện tượng vàng da phổ biến nhất, thường xuất hiện khoảng 1 tuần đầu khi trẻ sinh đủ tháng và khoảng 2 tuần đối với trẻ sơ sinh thiếu tháng. Bệnh chỉ thường kéo dài 2 – 3 ngày sau sinh là sẽ tự khỏi và không đi kèm bất cứ dấu hiệu nào khác, mẹ chỉ cần áp dụng cách tắm nắng cho trẻ sơ sinh bị vàng da vài lần là được.
Vàng da bệnh lý chiếm khoảng 2 – 5% trên tổng số trẻ sơ sinh bị vàng da, việc áp dụng cách tắm nắng cho trẻ sơ sinh sẽ không có tác dụng trong trường hợp này, nếu không được điều trị kịp thời sẽ khiến trẻ bị nhiễm độc thần kinh, thậm chí là tử vong.
Ngày đầu tiên: mẹ cho bé mặc quần áo như bình thường rồi đưa bé ra nắng, sau đó từ từ kéo nhẹ áo bé xuống để ánh nắng chiếu vào phần bụng và phần lưng. Sau đó kéo áo lại bình thường và kéo quần xuống để tắm nắng tiếp. Trong những ngày đầu, mẹ chỉ nên cho trẻ tắm khoảng 5 – 10 phút để bé tập làm quen với ánh nắng mặt trời. Trong 3 ngày tiếp theo: lặp lại quy trình giống ngày đầu tiên.
Trong 10 ngày tiếp theo: mẹ không mặc quần áo cho bé nữa, chỉ mặc một chiếc quần ngắn hoặc mặc tã để che vùng kín, che mắt bé lại bằng tay hoặc kính và bắt đầu tắm nắng cho bé. Lúc này, mẹ có thể cho trẻ tắm từ 15 – 20 phút để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Thời gian tắm nắng
Đối với trẻ sơ sinh vừa chào đời vài ngày thì mẹ chỉ nên cho trẻ tắm nắng khoảng 5 – 10 phút, bởi làn da của trẻ vốn rất mỏng manh, rất dễ bị tổn thương. Sau đó vài ngày khi trẻ đã quen thì mẹ có thể tăng thời gian lên khoảng 15 – 20 phút.
Lưu ý khi tắm nắng cho trẻ sơ sinh
- Khi bé yêu khoảng 7 – 10 ngày tuổi đã có thể cho bé tắm nắng.
- Thời điểm và thời gian không tắm nắng cho trẻ: Khoảng thời gian từ 10 – 16 giờ, tia cực tím hoạt động mạnh gây tác động xấu lên da. Thời gian tắm nắng cho trẻ không quá 20 phút/lần.
- Khi cho trẻ tắm nắng, mẹ nên cởi hết quần áo của trẻ, lấy mũ che gáy, mắt và vùng sinh dục của bé nhằm tránh tác động của tia UV đến các bộ phận này.
- Khi bé tắm nắng, mẹ hãy trò chuyện với bé, massage, vuốt ve để bé cảm thấy thoải mái. Nếu bé có nhu cầu bú mẹ trong khi tắm nắng và hai mẹ con không ở nơi công cộng thì mẹ cũng có thể cho bé bú.
- Tăng dần thời gian tắm nắng từ từ, lúc đầu chỉ nên cho bé tắm nắng chỉ vài ba phút, sau tăng dần lên 5 – 10 phút rồi 20 phút để cho bé làm quen và không quấy khóc.
- Ngoài ra, việc tắm nắng cho trẻ sơ sinh cũng cần lưu ý đến yếu tố địa lý, vùng miền. Vùng nhiều nắng, thời gian tắm nắng cho trẻ ít hơn. Ví dụ: vào thời điểm là tháng 2, thời gian tắm nắng của trẻ sơ sinh ở TP. HCM ít hơn so trẻ ở miền Bắc.
- Không tắm nắng cho trẻ qua cửa kính, vì kính đã cản ánh nắng mặt trời nên trẻ không hấp thu được vitamin D.
- Trẻ có làn da sậm màu cần tắm nắng lâu hơn trẻ có làn da sáng.
- Sau khi tắm nắng, mẹ nên cho bé bú để bù lại lượng nước đã mất vì có thể bé bị đổ mồ hôi khi tắm nắng.
- Nếu sau khi tắm nắng, da bé nổi mẩn đỏ hoặc có bất kỳ dấu hiệu khác thường nào, mẹ nên dừng việc tắm nắng lại để theo dõi và đưa bé đến bác sĩ để khám nếu sau một vài ngày tình trạng da bé không thuyên giảm.
Sau khi biết cách tắm nắng cho trẻ sơ sinh, chắc hẳn các bà mẹ đã tự tin hơn trong các bước chăm sóc bé yêu của mình.
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.