1. Mụn trứng cá là gì?

Mụn trứng cá là một loại bệnh lý về da xuất hiện phổ biến ở các nước có khí hậu nóng ẩm. Bệnh thường gặp ở những người có làn da nhờn, những thanh thiếu niên đang có sự thay đổi hormone trong cơ thể. Trong các trường hợp bị mụn vừa và nặng, vùng da bị mụn sẽ ửng đỏ với sự phát triển của các nốt sần gây viêm nhiễm và hình thành mụn mủ. Khi kéo dài tình trạng mụn có thể dẫn đến để lại vết thâm và sẹo rất mất thẩm mỹ.

Mụn trứng cá là một loại bệnh lý về da thường xuất hiện nhiều ở những thanh thiếu niên thời kỳ dậy thì, những người có làn da nhờn - Ảnh minh họa: Internet

2. Các mức độ của mụn trứng cá

Mụn trứng cá có thể chia làm 3 mức độ nặng nhẹ khác nhau như mức độ nhẹ, mức độ trung bình và mức độ nặng.

Mức độ nhẹ: Thường chỉ có các mụn đầu trắng và mụn đầu đen, không có mụn sưng hay mụn viêm. Điều trị ở giai đoạn này khá dễ và không để lại vết thâm hay sẹo xấu.

Mức độ trung bình: Gồm các mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn có nhân, số lượng mụn nhiều và bắt đầu có xuất hiện các nốt sần đỏ.

Mức độ nặng: Số lượng các mụn viêm nhiều hơn kèm theo hiện tượng sưng tấy. Bên cạnh đó các nốt mụn sần đỏ và mụn mủ phát triển với mật độ dày đặc.

3. Nguyên nhân gây mụn

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hình thành mụn, có thể kể đến như sau:

Sự tăng tiết bã nhờn: Đây là nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng mụn ở da. Sự tăng tiết bã nhờn sẽ làm cho da bị thừa bã nhờn, tích tụ lại gây bít tắc lỗ chân lông.

Sự tăng tiết bã nhờn là nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng mụn ở da - Ảnh minh họa: Internet

Có nhiều nguyên nhân gây gia tăng tiết bã nhờn như sự thay đổi hormone, khí hậu, sử dụng thuốc Tây, di truyền.

Sự tăng sừng: Sừng là lớp biểu bì và các tế bào chết. Sự tăng sừng là hiện tượng lớp sừng dày lên khiến cho hoạt động của tuyến bã nhờn bị ứ đọng trên da. Hiện tượng này khiến cho các vách nang phình lên, gây ra hiện tượng mụn đầu trắng và mụn đầu đen.

Do vi khuẩn xâm nhập: Một số vi khuẩn sống trên da khi gặp bã nhờn ứ đọng sẽ phát triển nhanh chóng và thâm nhập vào các nang bị bịt kín dẫn đến hình thành các nốt sần, mụn mủ, mụn bọc hoặc mụn nang.

Do sự viêm nhiễm: Sự viêm nhiễm sẽ làm da bị ửng đỏ, viêm sưng bởi liên kết trong các tế bào da bị phá vỡ. Các chất béo, tế bào sừng, vi khuẩn và cách mảnh vỡ của tế bào sẽ được giải phóng lan sang các vùng da khác tạo thành vết viêm nhiễm rộng và sâu, hình thành mụn trứng cá, mụn bọc.

Sự thay đổi nội tiết tố: Sự gia tăng nội tiết tố có tên gọi là androgens ở người trong giai đoạn dậy thì sẽ khiến cho bã nhờn xuất hiện nhiều hơn mức cần thiết gây nên hiện tượng mụn trứng cá ở tuổi này.

Do gen di truyền: Ở những người có cha mẹ bị mụn trứng cá thì tỷ lệ con cái sinh ra bị mắc bệnh trứng cá cũng cao hơn. Tuy nhiên nếu có các biện pháp phòng ngừa thì sẽ hạn chế được tối đa tình trạng này.

Ở những người có cha mẹ bị mụn trứng cá thì tỷ lệ con cái sinh ra bị mắc bệnh trứng cá cũng cao hơn - Ảnh minh họa: Internet

Do thuốc: Một số loại thuốc tân dược khi sử dụng sẽ tác động vào gan, làm giảm khả năng thanh lọc và đào thải độc tố của cơ thể hoặc làm hệ miễn dịch của cơ thể xuất hiện phản ứng lại thuốc tạo ra các kháng thể và histamin gây nên mụn trên da.

Thói quen ăn uống và sinh hoạt không hợp lý: Ăn quá nhiều đường và chất bột, dùng quá nhiều sữa bò và các chế phẩm của nó, hút thuốc lá, trang điểm quá nhiều, không tẩy trang gây nên bít tắc lỗ chân lông, uống thiếu nước, thiếu ngủ, thức khuya, hay lo lắng suy nghĩ nhiều...

4. Các bước chăm sóc da mụn tại nhà

Bước 1: Làm sạch da

Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong các bước chăm sóc da mụn và đối với tất cả mọi loại da. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý một điều là da bị mụn thường là loại da nhạy cảm nên bạn cần làm sạch một cách nhẹ nhàng nhất có thể.

Chọn loại dung dịch tẩy trang phù hợp, chuyên dành cho da bị mụn để tẩy trang nếu bạn có makeup. Nên chọn loại nước tẩy trang dễ nhũ hóa để làm sạch da thật kỹ, giảm bớt tình trạng mụn. Sau đó dùng nước rửa mặt dạng bọt để dễ dàng lấy đi các bụi bẩn, dầu thừa và nước tẩy trang còn dư trên mặt.

Làm sạch da là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong các bước chăm sóc da mụn - Ảnh minh họa: Internet

Bước 2: Cân bằng

Bước cân bằng da sẽ giúp cung cấp độ ẩm đồng thời cân bằng độ PH cho da để giúp các sản phẩm đặc trị, dưỡng da phát huy tác dụng hiệu quả hơn.

Nên chọn những loại toner không cồn để hạn chế tình trạng kích ứng cho da bởi những làn da mụn thường khá nhạy cảm. Nếu muốn bạn có thể thêm một bước xịt khoáng để chăm sóc da một cách toàn diện hơn. Bạn nên chọn những loại xịt khoáng thuần túy, chứa nhiều khoáng sẽ có tác dụng kháng viêm và làm dịu da.

Bước 3: Đặc trị

Đây là bước quan trọng và không thể thiếu đối với làn da đang bị mụn. Bước này sẽ giúp cho tình trạng mụn đang hoành hành được giảm bớt lại đồng thời ngăn ngừa mụn lây nhiễm ra các vùng da xung quanh.

Với những loại mụn khác nhau sẽ có hướng điều trị khác nhau.

Đối với mụn đầu đen và mụn đầu trắng: Với hai loại mụn này thì đầu tiên là bạn phải lấy được nhân mụn ra khỏi da bằng cách nặn mụn. Bạn có thể dùng mặt nạ đất sét hay các sản phẩm chứa AHA, BHA để làm khô các cồi mụn, tẩy da chết. Nếu mụn đã trồi lên bạn có thể dùng tay để nặn hoặc các dụng cụ hỗ trợ, đến các spa để lấy mụn.

Đối với mụn sưng đỏ và mụn viêm: Dùng các sản phẩm đặc trị để chấm lên các vùng da bị mụn. Tùy từng mức độ nặng nhẹ khác nhau mà bạn sẽ lựa chọn loại sản phẩm đặc trị cho phù hợp. Cỏ thể kết hợp với các sản phẩm chứa AHA và BHA để tẩy tế bào chết, làm sạch lỗ chân lông.

Bước đặc trị sẽ giúp cho tình trạng mụn đang hoành hành được giảm bớt lại đồng thời ngăn ngừa mụn lây nhiễm ra các vùng da xung quanh - Ảnh minh họa: Internet

Lưu ý: Đối với những sản phẩm đặc trị mụn có chứa lưu huỳnh, benzoyl peroxide, tree oil thường hay làm khô da, làm da dễ bị bong tróc. Vì vậy bạn nên sử dụng bước này sau bước dưỡng ẩm da để khắc phục tình trạng này.

Bước 4: Dưỡng ẩm

Thường khi sử dụng các sản phẩm đặc trị mụn sẽ khiến da khô hơn, mất độ ẩm và dễ bị bong tróc. Dưỡng ẩm là bước cuối cùng trong các bước chăm sóc da mụn nhưng lại rất quan trọng để cung cấp độ ẩm, giúp da nhanh chóng phục hồi. Ở bước này bạn nên sử dụng những sản phẩm dịu nhẹ, có tính chất làm dịu da và không quá nhờn dính. Nên chọn những loại kem dưỡng ẩm không chứa hoặc chứa rất ít thành phần silicone.

Nếu không thích kem dưỡng bạn có thể lựa chọn dầu dưỡng ẩm. Nhớ là nên chọn loại dầu có chứa nhiều linoleic sẽ giúp chăm sóc da mụn tốt hơn, thấm nhanh và không gây nên tình trạng nhờn rít, rất thích hợp cho những làn da đang bị mụn.

Nên chọn dầu dưỡng ẩm thấm hút nhanh, ít nhờn rít cho làn da bị mụn - Ảnh minh họa: Internet

Trên đây là các bước chăm sóc da mụn vào buổi tối. Vào buổi sáng bạn chỉ cần thực hiện bước làm sạch bằng các loại sữa rửa mặt dịu nhẹ, sau đó thoa thêm một lớp kem chống nắng thích hợp cho da bị mụn là có thể bảo vệ được làn da suốt cả ngày mà không lo bị mụn.

Qua bài viết trên chúng ta có thể thấy, chăm sóc da mụn thì cũng không quá khó và cầu kỳ như bạn nghĩ. Chỉ cần chăm sóc đúng và đủ như các bước chăm sóc da mụn chúng tôi đã nêu trên, chắc chắn tình trạng mụn của bạn sẽ giảm nhanh chóng, đặc biệt là đối với những bạn mới bị mụn và tình trạng còn nhẹ.