Tối ngày 22/8, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận một trường hợp trẻ 6 tuổi bị hóc dị vật.

Người nhà chia sẻ, trong lúc chơi pikachu bé đã đưa đồ chơi vào miệng ngậm và không may nuốt vào. Bé than đau ngực và được đưa đến bệnh viện địa phương, sau đó chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 2. Bé được chẩn đoán theo dõi dị vật kẹt thực quản.

Bác sĩ Võ Hoàng Khoa, khoa Tiêu hóa của bệnh viện đã tiến hành nội soi cấp cứu ngay trong đêm cho bệnh nhân. Bác sĩ cho biết, đây là món đồ chơi Pikachu bằng nhựa, có kích thước 2x2,5x1cm, bị kẹt ở 1/3 giữa thực quản. Hình thù đồ chơi có sừng dài dễ đâm thủng thực quản và gây khó khăn trong quá trình xử trí. Sau khi pikachu được lấy ra, sức khỏe của bé đã ổn định.

Pikacu đồ chơi bị kẹt trong thực quản bệnh nhi 6 tuổi. (Ảnh: BVCC)

Cách đây ít ngày, bệnh viện này cũng tiếp nhận một trường hợp bé gái 7 tuổi bị hóc nhẫn vàng đường kính 2cm trong thực quản.

Ngày 21/8 vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cũng đã tiếp nhận nam bệnh nhi N.H.K.A. (6 tháng tuổi, ngụ ở Bình Chánh, TP.HCM). Bé nhập viện trong tình trạng bứt rứt, khó thở, quấy khóc, miệng nhiều đàm nhớt.

Người nhà bệnh nhi cho biết, đây là kim băng "phong thủy, tâm linh" dân gian truyền miệng, được đeo vào người trẻ nhỏ với mong muốn trẻ ăn ngon, ngủ ngon. Tuy nhiên, không may bé bứt kim băng trên áo và bỏ vào miệng. Cha mẹ đã đưa bé đi cấp cứu ngay sau khi xảy ra sự việc 1 tiếng.

Theo BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, trẻ nhập viện trong tình trạng thở mệt, ho sặc sụa, nhiều đàm nhớt mũi miệng, quấy khóc liên tục. Các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu thở oxy, hút đàm nhớt mũi miệng, thiết lập đường truyền, chụp X-quang ngực bụng cho bé.

Dị vật là chiếc kim băng sắc nhọn được phát hiện qua nội soi và lấy ra thành công (Ảnh: BVCC).

Kết quả chụp X-quang ngực thẳng nghiêng phát hiện dị vật hình kim băng (1,5 x1cm) mắc tại khu vực dạ dày bệnh nhi ở tư thế bật ra, mũi kim nhọn nguy cơ đâm thủng ruột.

Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn với các chuyên khoa tiêu hóa, gây mê hồi sức, hô hấp, tai mũi họng và quyết định nội soi tiêu hóa khẩn dưới sự phối hợp hỗ trợ của các chuyên khoa.

Kết quả nội soi tiêu hóa ghi nhận kim băng nằm vùng hang vị của dạ dày và được gắp ra theo cách an toàn nhất. Trẻ được tiếp tục điều trị tại khoa tiêu hóa, điều trị thuốc bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa, theo dõi tình trạng xuất huyết và biến chứng tổn thương ruột, thủng ruột.

TS.BS Hà Văn Thiệu, Quyền điều hành khoa Tiêu hóa nhận định, trẻ nuốt dị vật đang có chiều hướng gia tăng. Khoa liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp như: bé nuốt vật dụng (chìa khóa, phần muỗng nhựa bị bể,…); đồ chơi; pin đồ chơi; trang sức của người lớn, hầu hết đều có kích thước nhỏ.

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh nên quản lý đồ chơi của trẻ và các vật dụng có kích thước nhỏ. Nếu phát hiện con trẻ nuốt dị vật, cần bình tĩnh xử trí. Tuyệt đối không dùng tay móc dị vật hoặc dùng nước để đẩy dị vật xuống dạ dày. Bởi những hành động này vô tình sẽ đẩy dị vật vào sâu, gây nguy hiểm đến tính mạng. Phụ huynh nên nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa.