Ảnh minh hoạ

HÔN NHÂN CẦN NHỮNG LỜI KHEN

Đừng hà tiện lời khen với bạn đời

Còn chưa kể, nhiều người vợ chỉ thấy chồng mình tệ, nhiều người chồng luôn không vừa mắt với vợ. Những lời khen vì thế biến mất dần và thay vào đó chỉ rặt những lời chê, sự thất vọng, chán chường nhau. Hai con người trong cuộc hôn nhân đó theo năm tháng mà mòn ruỗng, nhạt nhẽo, xấu xí, xù xì trong mắt nhau lúc nào không hay.

"Tôi chẳng hà tiện gì lời khen đâu nhưng chồng tôi chẳng có gì đáng để khen"- nhiều người vợ nói thế với tôi. Và đáp lại, nhiều người chồng cũng bảo tôi rằng: "Khen vợ á? Hâm à? Cô ta bình thường là tôi mừng rồi, có gì để khen?". Kỳ lạ chưa? Một cuộc hôn nhân mà bạn đang phải sống chung với thứ chẳng có gì đáng khen mà bạn vẫn gọi đó là cuộc hôn nhân ư?

Đúng là sau hôn nhân, quá nhiều sự thay đổi đã khiến mối quan hệ giữa hai con người từng muốn sống chết có nhau đã thành sống chết với nhau. Chúng ta coi sự tốt đẹp của đối phương là thứ tự nhiên mà phải thế. Chúng ta chỉ thấy thứ khiến chúng ta không hài lòng. Chúng ta đòi hỏi nhau phải như mình muốn, mình nghĩ thì mới là đúng. Chúng ta cũng mặc định rằng "hôn nhân là nấm mồ tình yêu" và sống với nhau trong cái nhà mồ đó. Là bởi quá nhiều nỗ lực không được ghi nhận, quá nhiều cố gắng không được đối phương nhìn ra, quá nhiều ước muốn che khuất đi thực tại thứ ta đang có, làm mù loà ta lúc nào không hay.

Thậm chí, có những người vợ được chồng khen là nghĩ ngay rằng chồng làm gì có lỗi. Chồng khen mình dẻo quẹo thế có khi cũng đi khen gái ngoài kia như vậy. Rồi nổi cơn tam bành hay ấm ức triền miên. Có những người chồng được vợ khen thì tinh tướng thật, cứ nghĩ "mình là vua mà tuyển thêm 3000 cung tần mỹ nữ thê thiếp". Nên nhiều người vợ sợ khen chồng, nhiều người chồng hà tiện lời khen vợ.

Cho nhau những lời khen 

Không phải là tặng nhau, mà là cho nhau. Tặng sẽ là khách khí, Cho là một hoạt động bình thường. Hãy biến việc khen nhau như một hoạt động bình thường đi, được không? Muốn vậy, bạn cần phải hiểu giá trị của lời khen tác động thế nào với người nhận.

Lời khen có tác động tâm lý vô cùng lớn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra việc được khen hàng ngày suốt cả tuần sẽ giúp tâm lý của người nhận vui vẻ suốt cả tuần. Việc chúng ta cho nhau lời khen một cách thường xuyên như vậy chính là tạo ra cảm giác thoải mái, dễ chịu và hạnh phúc cho bạn đời của mình. Chẳng phải đó cũng là mong muốn của hai người đang yêu nhau đó sao? Trừ phi bạn đã hết yêu họ.

Một nghiên cứu khác cho thấy lời khen khi nhân viên đạt thành tích có tác dụng tương đương với cảm xúc khi họ được nhận lương. Trong hôn nhân, lời khen có thể giải phóng những năng lượng tích cực tương đương một cuộc ân ái vợ chồng. Lời khen cũng có tác động thúc đẩy… mua hàng. Chúng ta nhiều khi mua một chiếc váy chỉ vì nhân viên bán hàng xuýt xoa rằng chúng ta mặc nó rất đẹp, rất hợp. Và chúng ta soi gương thấy… đúng thật. Vậy nên, nếu như bạn dành lời khen cho bạn đời cũng chính là bạn thúc đẩy bạn đời thấy họ tốt hơn và họ cũng sẽ thấy họ tốt lên như thế.

Lời khen là sự ghi nhận với những gì bạn đời của bạn đã làm. Và nó có tác động thúc đẩy bạn đời của bạn có xu hướng tiếp tục làm điều đó nhiều hơn nữa trong tương lai.

Cho nhau lời khen đi! Bạn sẽ nhận lại một người bạn đời đúng như những lời bạn khen.

Những lời khen giúp chữa lành hôn nhân 

Nếu bạn biết, sự thất vọng của bạn đời bắt nguồn từ việc họ đã vô cùng nỗ lực nhưng không được ghi nhận thì hẳn bạn sẽ hiểu lời khen cũng chính là sự ghi nhận những gì bạn đời đã làm cho cuộc hôn nhân này.

Nếu bạn biết, hôn nhân là một hành trình mà hai người phải đồng hành cùng nhau, bạn sẽ hiểu lời khen của bạn không khác gì việc nắm chặt tay người bạn đời của mình để cùng nhau đi.

Nếu bạn biết, bạn đời của mình cũng vất vả thế nào, bạn sẽ hiểu lời khen từ bạn như một chiếc ôm tiếp sức cho bạn đời của mình.

Nếu bạn biết, ai trong chúng ta cũng cần động lực để bước tới, thì lời khen kia chính là một dòng năng lượng tốt vô cùng.

Cho đi lời khen nhưng cũng nên học cách đón nhận lời khen. Bởi cách chúng ta đón nhận lời khen chính là cách chúng ta tự chữa lành bản thân mình. Rằng bạn đã làm tốt rồi, đừng bắt bản thân phải cố quá nữa. Đón nhận một lời khen không phải là bằng những câu nói tưởng chừng khiêm tốn (kiểu "ôi, em có đến mức thế đâu"). Nếu bạn không học cách đón nhận lời khen, bạn đã bất công với chính mình.

Để bạn đời chịu khen mình, hãy khen bạn đời trước. Hãy bắt đầu từ việc để tâm đến những gì bạn đời đã làm, đang làm, thậm chí là sẽ làm. Một câu "Em tin anh sẽ làm được" cũng tương đương với một lời khen. Một câu: "Vợ anh chọn là chuẩn rồi" cũng khiến vợ bạn ấm lòng. Chúng ta có để tâm tới bạn đời, chúng ta mới nhận ra bạn đời của chúng ta thực sự có nhiều thứ để khen lắm.

Những lời khen giả tạo chỉ có ở ngoài kia, còn trong một cuộc hôn nhân, chẳng người chồng nào, người vợ nào cần phải giả tạo với bạn đời của họ cả. Nếu có thì đó chỉ là những lời khen vụng. Tôi vẫn luôn tin về bản chất nếu như cuộc hôn nhân của bạn bắt đầu bằng sự thật lòng thì mọi lời khen cũng vì thế mà thật miệng.

Hãy tặng bạn đời của mình những lời khen. Bằng lòng biết ơn người đã cùng bạn bước vào năm 2024 này. Nếu bạn biết, năm 2023 có hàng ngàn cuộc ly hôn và trong đó không có hai bạn. Vậy thì tại sao lại tiếc một lời khen?

5 hành vi hủy hoại tình yêu trong thầm lặng

Giới chuyên gia khuyên bạn nên tham khảo những cách phổ biến nhất mà mọi người phá hủy mối quan hệ của họ để tránh vướng vào tình huống tương tự.

Bỏ mặc giao tiếp

Giao tiếp là chìa khóa cho một mối quan hệ lành mạnh, nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta ưu tiên việc kết nối thực sự với đối tác của mình?

Trong thời đại công nghệ phát triển, bạn rất dễ bị lạc vào những mối quan hệ phi thực tế. Mỗi khi ra ngoài, hãy thử nhìn xung quanh xem có bao nhiêu cặp đôi hoặc nhóm bạn đang ngồi cùng nhau và tất cả chỉ đăm đăm nhìn vào điện thoại của mình.

Bạn rất dễ bị lạc lối trong sự xáo trộn và bộn bề của cuộc sống hàng ngày, nhưng bạn phải ưu tiên việc giao tiếp và trò chuyện thực sự với nhau.

Giao tiếp thậm chí còn đóng một vai trò quan trọng hơn khi xung đột nảy sinh, điều này chắc chắn sẽ xảy ra ngay cả trong những mối quan hệ bền chặt nhất.

Thật khó để có những cuộc trò chuyện vì chúng mang đến đủ loại cảm giác khó chịu mà chúng ta không muốn cảm nhận nhưng nếu bạn không nói về nó, thì vấn đề sẽ dai dẳng và sự oán giận sẽ bắt đầu hình thành.

Giao tiếp lành mạnh có thể gặp khó khăn nếu bạn lớn lên trong một gia đình thường xuyên tranh cãi, mâu thuẫn.

Bạn có thể nhận thấy, mình trở nên phòng thủ quá mức, trở thành rào cản hoặc tự khép kín bản thân, bạn loại bỏ đối phương hoặc bạn trở nên cực kỳ hiếu chiến.

Tất cả những điều này đều là những cơ chế đối phó không lành mạnh được kích hoạt bởi một tình huống kích động và một cuộc tranh cãi đơn giản.

Khi bạn cảm thấy những hàng rào phòng thủ đó tăng lên, hãy cố gắng bình tĩnh để suy xét mọi việc. Nhận thức là bước đầu tiên để bạn kết nối trở lại với đối tác. Chỉ cần nhận thức được những điểm yếu của bạn và nỗ lực củng cố những kỹ năng giao tiếp đó, tổn thương sẽ được chữa lành.

Thiếu sự đồng cảm

Đây là một điều khó khăn vì chúng ta rất dễ bị cuốn vào trải nghiệm của chính mình về mối quan hệ. Thật dễ dàng để cảm thấy như chúng ta là nạn nhân và điều đó thật không công bằng.

Bạn nghĩ mình đúng còn anh ấy sai và bạn đang làm mọi thứ trong mối quan hệ này mà không nhận lại được gì. Bạn có thể cảm thấy như vậy trong lúc nóng nảy, nhưng điều quan trọng là bạn phải lùi lại và nhìn đối tác của mình bằng con mắt đồng cảm hơn.

Điều này không có nghĩa rằng tổn thương của bạn là không có giá trị, nhưng điều đó sẽ khiến bạn không thể đổ lỗi hoàn toàn cho anh ấy, anh ấy sẽ chỉ phòng thủ và cuộc trò chuyện sẽ không đi đến đâu.

Khi bạn không thể nhìn thấy quan điểm của anh ấy, thì anh ấy sẽ không cảm thấy được lắng nghe. Điều này tạo ra khoảng cách giữa hai người, và càng có khoảng cách thì càng ít sự thân mật.

Sa đà vào việc chỉ trích

Chúng ta ghét bị chỉ trích nhưng đôi khi không thể không làm điều đó với đối tác của mình.

Những lời chỉ trích không thúc đẩy anh ấy thay đổi mà thay vào đó khiến anh ấy bực bội, khó chịu và thậm chí ít có khả năng làm theo ý bạn.

Nếu bạn chỉ trích quá nhiều, hãy nhìn sâu hơn vào nguồn gốc của điều đó. Thông thường, điều chúng ta chỉ trích nhất ở người khác cũng chính là điều chúng ta chỉ trích nhất ở bản thân. Hãy xem điều gì đang thực sự làm phiền bạn.

Có thể bạn đang chỉ trích cách anh ấy gấp đồ nhưng thực sự, bạn chỉ cảm thấy mất kiểm soát trong cuộc sống của mình, như thể chẳng có điều gì ổn cả.

Có thể bạn không cảm thấy được lắng nghe. Có thể bạn cảm thấy oán giận anh ấy vì không đáp ứng được những nhu cầu nhất định và cuối cùng, điều đó biểu hiện dưới dạng chỉ trích.

Đôi khi chúng ta cũng có những lời phê bình xác đáng và bạn có thể nêu vấn đề lên, chỉ cần đảm bảo rằng bạn đang làm việc đó một cách tôn trọng và nhân ái.

Không tin tưởng

Trong tình yêu, lòng tin là tất cả. Nếu bạn không thể tin tưởng anh ấy và anh ấy không thể tin tưởng bạn, thì mối quan hệ này tồn tại vì mục đích gì?

Không tôn trọng

Sự khinh thường là một trong những yếu tố hàng đầu dẫn đến sự đổ vỡ trong mối quan hệ.

Chế nhạo đối tác của bạn và mỉa mai chứ không phải theo cách vui tươi cũng là dấu hiệu của sự khinh thường.

Sự khinh thường có thể là kết quả của sự oán giận không được kiểm soát trong một thời gian dài.

Oán giận là liều thuốc độc cho một mối quan hệ. Một khi nó đã xâm nhập, nó sẽ mưng mủ và chẳng bao lâu sau, bạn không thể tìm thấy bất kỳ phẩm chất tích cực nào về đối tác của mình nữa.

Nếu bạn không thể tôn trọng anh ấy, bạn cần phải tự hỏi tại sao. Bạn có thực sự nghĩ rằng anh ấy chỉ là một tên ngốc?

Nếu vậy tại sao bạn lại ở bên anh ấy? Hay bạn chỉ đang cố gắng bảo vệ bản thân hoặc tự hủy hoại bản thân? Hay bạn tức giận vì những chuyện đã xảy ra với anh ấy trong quá khứ mà bạn chưa bao giờ giải quyết?

Dưới đây là 10 vấn đề của mối quan hệ dự báo ngoại tình.

Thiếu sự thân mật về mặt cảm xúc

Sự gần gũi về mặt tình cảm mang đến cho mọi mối quan hệ cảm giác kết nối và thấu hiểu sâu sắc giữa vợ và chồng. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí trị liệu Tình dục và Hôn nhân năm 2020 của Dylan Selterman và cộng sự cho thấy việc thiếu thân mật tình cảm là một dấu hiệu cảnh báo không chung thủy. Khi các cá nhân cảm thấy mất kết nối cảm xúc với đối tác, họ có thể tìm kiếm sự kết nối đó ở nơi khác.

 

 

 

Không thỏa mãn về tình dục

Không thỏa mãn tình dục là một yếu tố chính khác có thể dẫn đến ngoại tình. Nghiên cứu trên tạp chí Lưu trữ hành vi tình dục năm 2023 cũng của Dylan Selterman và cộng sự báo cáo rằng những cá nhân không hài lòng với đời sống chăn gối có nhiều khả năng lừa dối hơn. Sự không hài lòng này có thể xuất phát từ sự không phù hợp về ham muốn, sở thích hoặc thiếu vắng chuyện chăn gối.

Vô tâm và thiếu tôn trọng

Cảm giác bị bỏ rơi hoặc không được đánh giá cao có thể dẫn đến sự oán giận và khoảng cách tình cảm. Theo một nghiên cứu trên Bản tin tâm lý xã hội và tính cách năm 2023 của các nhà tâm lý ở Ấn Độ, những người không cảm thấy được bạn đời coi trọng có nhiều khả năng không chung thủy. Họ tìm kiếm sự xác nhận và đánh giá cao ở nơi khác.

Giao tiếp kém

Giao tiếp hiệu quả rất quan trọng trong việc duy trì một mối quan hệ lành mạnh. Một nghiên cứu từ Tạp chí Giao tiếp năm 2023 của hai nhà tâm lý Jayda P. Felder và Laura V. Machiacho, Đại học Syracuse (Mỹ) thấy rằng giao tiếp kém có thể dẫn đến hiểu lầm, xung đột không thể giải quyết và cảm giác bị cô lập. Tất cả đều có thể góp phần làm tăng khả năng lừa dối.

Xung đột và tranh cãi

Xung đột liên tục và những tranh cãi không được giải quyết có thể làm xói mòn nền tảng của một mối quan hệ. Nghiên cứu trên Tạp chí Hôn nhân và Gia đình năm 2023 của hai nhà tâm lý người Canada, chỉ ra rằng những cặp thường xuyên xảy ra xung đột, không giải quyết được có thể dễ ngoại tình hơn các cặp biết cách hòa giải.

Lạm dụng tình cảm hoặc thể chất

Lạm dụng, dù là về mặt tinh thần hay thể chất, có thể hủy hoại lòng tin và sự an toàn của một mối quan hệ. Nạn nhân bị lạm dụng có thể tìm kiếm sự an ủi hoặc cảm giác được trao quyền ở bên ngoài, theo một ấn phẩm của Hiệp hội Tâm lý Mỹ.

Xa cách

Vợ chồng không sống cùng nhau vì lý do nào đó, đôi khi có thể dẫn đến lừa dối. Nghiên cứu cho thấy sự vắng mặt của bạn đời trong thời gian càng kéo dài càng có thể dẫn đến sự cô đơn và cám dỗ tìm kiếm bạn đồng hành ở nơi khác.

Chuyển tiếp cuộc sống và căng thẳng

Những chuyển đổi lớn trong cuộc sống, chẳng hạn như sinh con, công việc mới hoặc tài chính, có thể khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng vô cùng. Những yếu tố này có thể làm xao lãng mối quan hệ, khiến các cá nhân tìm kiếm sự thoải mái hoặc trốn thoát bằng sự không chung thủy.

Sự nhàm chán và khao khát mới lạ

Nghiên cứu của các nhà tâm lý tại Đại học Avenue, Mỹ giải thích một số cá nhân có thể lừa dối như một cách để phá vỡ sự đơn điệu của một mối quan hệ lâu dài, để trải nghiệm tình dục hoặc tìm cảm xúc mới.

Lòng tự trọng thấp và sự bất an

Những người có lòng tự trọng thấp hoặc bất an có thể lừa dối như một cách để tìm kiếm sự công nhận và nâng cao giá trị bản thân. Nghiên cứu trên Tạp chí Tâm lý Gia đình năm 2014 của V. Michelle Russell và cộng sự cho thấy những cá nhân này có thể ngoại tình để bản thân được khao khát, hấp dẫn hoặc xứng đáng.

NẶNG HƠN CẢ TỘI NGOẠI TÌNH

"Chồng rất tốt nhưng em rất tiếc"

Q., một phụ nữ 28 tuổi, lấy chồng được 4 năm và đang có một bé trai 3 tuổi gửi thư tâm sự với tôi: "Ai cũng nói rằng em no cơm rửng mỡ. Có chồng tốt vậy mà lại đòi ly dị. Chồng em 32 tuổi, trưởng phòng một tập đoàn lớn, lương tháng cả trăm triệu đồng, yêu con vô đối, không thuốc lá, rượu, bia. Chẳng ngoại tình gái gú. Chưa bao giờ bạo lực với vợ. Tiền lương kiếm được luôn mang về đưa vợ giữ. Có chồng như thế hàng tỷ phụ nữ mơ.

Thế mà em "dám" đòi ly dị. Bố mẹ em cũng muốn tăng xông với em khi em nói em sẽ ly dị chồng. Ai cũng cho rằng em ích kỷ. Nhưng nói thật, em không thấy hạnh phúc. Em đã rất cố gắng rồi nhưng em không làm được".

Bức tâm thư của Q. dài lắm. Cô kể tôi nghe về chuyện mỗi lần quan hệ với chồng, cô đều cảm thấy đau rát và không thoải mái. Không phải bởi chồng cô thô bạo mà là bởi cô không có cảm xúc tình yêu với chồng. Đàn ông có thể quan hệ tình dục với phụ nữ không cần tình yêu nhưng phần lớn phụ nữ rất khó để quan hệ tình dục với người đàn ông mà họ không yêu. Và vấn đề lớn nhất trong mối quan hệ vợ chồng của Q. chính là tình yêu. Q không cảm nhận được tình yêu chồng dành cho mình.

Ngay cả tình dục cũng vậy. Anh quan hệ với vợ theo cách thoả mãn sinh lý của mình hơn là yêu thương thân thể của cô. Mỗi lần thoả mãn xong, anh đều lăn quay ra ngủ, mặc kệ vợ. Anh có thể đòi quan hệ bất cứ khi nào anh muốn, bất chấp mọi sự phản kháng của vợ, tâm trạng và cảm xúc của vợ.

Chuyện quan hệ tình dục chỉ là giọt nước tràn ly. Q kể: "Nhiều lúc em có cảm giác như em chỉ có giá trị sinh con, giữ tiền cho chồng chứ không phải là vợ anh ấy. Tiền anh ấy kiếm được đưa em, anh ấy đều ghi rõ, tỉ mỉ. Em tiêu đồng nào anh ấy cũng đòi em phải báo cáo. Có lần vui tay, em tiêu quá lên, anh ấy không mắng nhưng lại dằn vặt em ngày này qua tháng khác. Anh lôi chuyện nhà anh đã từng nghèo túng ra sao ngày xưa và nói rằng tiền kiếm được không dễ dàng thế nào. Chỉ nói thôi, không trách cứ việc em tiêu quá tay nhưng em cũng có lòng tự trọng của em mà. Con cái cũng vậy, anh một tay chăm sóc con, không cho em can thiệp. Mọi thứ liên quan đến con, anh đều kiểm soát hết. Anh luôn nói con trai anh mang họ của anh nên nó phải sống như cái họ của nó đang mang. Nó là người nối dõi tông đường của nhà anh, là cháu đích tôn của bố anh. Nhiều lúc em có cảm giác như mình là cái máy đẻ. May mà em đã sinh con trai cho anh chứ nếu sinh con gái có khi em lại phải sinh tiếp cho đến khi nào có con trai mới thôi mất".

Cũng như Q., nhiều phụ nữ đã cạn kiệt tình yêu với chồng mình. Với họ, việc chồng ngoại tình nhiều khi lại là giải thoát cho họ. Bởi thà chồng đi ngoại tình, họ mới có đủ lý do thuyết phục gia đình, bạn bè và chính bản thân mình về việc họ muốn ly dị.

Nên nhiều phụ nữ vẫn duy trì một cuộc hôn nhân không còn tình yêu như thế. Trở thành một cái bóng ngay trong chính cuộc hôn nhân tưởng chừng rất hào nhoáng.

Nội tình đáng sợ hơn ngoại tình

Vợ và vợ tốt

Vợ khiến chồng luôn thấy Sợ.

Vợ Tốt khiến chồng Nể.

 

 

 

Vợ khiến chồng cảm giác như mắc Nợ.

Vợ Tốt khiến chồng cứ muốn Vay. Vay thêm yêu thương. Vay thêm quấn quýt. Vay thêm gần gũi. Khách đi vay thì lúc nào chả phải dịu dàng với chủ.

 

 

 

Vợ khiến chồng cảm giác như đi Xin.

Vợ Tốt khiến chồng lúc nào cũng có cảm giác như được Nhận.

 

 

 

Vợ nhiều lúc khiến chồng muốn phát điên.

Vợ Tốt khiến chồng sướng phát điên.

 

 

 

Vợ khiến chồng muốn nâng thêm ly nữa với bạn bè.

Vợ Tốt khiến chồng muốn kết thúc ly này với bạn bè.

 

 

 

Vợ khiến chồng chán chả buồn lo.

Vợ Tốt khiến chồng lo mãi không thấy chán.

 

 

 

Vợ nhớ hết cả từng lỗi sai của chồng.

Vợ Tốt nhớ hết cả từng điểm tốt của chồng.

 

 

 

Vợ hay so sánh chồng với những người chồng khác.

Vợ Tốt hay bị các bà vợ khác lôi chồng cô ấy ra làm gương cho chồng họ.

 

 

 

Vợ Xấu Theo Năm Tháng.

Vợ Tốt là Vợ Đẹp Lên Mỗi Ngày.

 

 

 

Bài viết mang quan điểm cá nhân của tác giả. Không ám chỉ vợ ai và đặc biệt không ám chỉ vợ mình.

Đọc cho vui - Nghĩ được chút nào hay chút nấy!

Hoàng Anh Tú

"Có nằm trong chăn mới biết chăn có rận". Tôi ngày càng thấm thía câu nói đó khi chứng kiến nhiều cuộc hôn nhân rực rỡ lúc tóc xanh mà ly hôn khi tóc đã ngả màu. Là bởi khi tóc còn xanh, cả hai vợ chồng đều lăn ra kiếm tiền, chăm con, gây dựng cuộc sống mà bỏ qua, chép miệng, tặc lưỡi nhiều thứ. Để đến khi tiền bạc kiếm đủ rồi, con cái lớn khôn rồi, cuộc sống ổn thoả rồi họ mới bắt đầu nhận ra giữa họ chẳng còn tình yêu nữa. Là tình yêu đã chết lâu rồi. Chỉ vì quá bận rộn nên họ chẳng để ý tới thôi. Giờ rảnh hơn, họ bắt đầu thấy… cô đơn khi ở bên người bạn đời của mình. Như câu chuyện của V., một người chị vừa nghỉ hưu được 1 năm, tâm sự với tôi. Chị bảo: Hồi xưa thì 7h đã rời nhà, 8h tối mới về đến nhà, vợ chồng chỉ kịp hỏi han nhau vài câu rồi cơm nước, con cái đến díp mắt lại là đi ngủ. Chẳng nghĩ gì nhiều. Đến đi du lịch thì hai vợ chồng cũng mỗi người một chiếc máy tính vừa làm việc vừa cười đùa với con cái. Đặc biệt là khi có con, thời gian, tâm trí đặt cả vào con nên vợ chồng cái gì cũng xuề xoà cho qua hết. Được cái ông ấy nhà chị cũng là đàn ông có trách nhiệm gia đình nên hôn nhân đúng là cũng ổn thoả. Nhưng giờ nghỉ hưu, có nhiều thời gian bên nhau hơn, con cái đi học xa và lấy vợ lấy chồng hết mới thấy hai vợ chồng chẳng có gì để nói với nhau nữa. Những thứ chồng chị thích thì chị lại không thích. Những thứ chị thích thì chồng chị lại chê. Ban đầu còn cố để chiều nhau nhưng càng về sau càng không cố được nữa. Giờ mỗi người một việc, chả ai quan tâm đến ai nữa. Chị muốn ly hôn để được sống cho mình. Ông ấy cũng muốn ly hôn vì sống bên chị áp lực quá.

Nội tình đáng sợ hơn Ngoại tình. Là khi mà hai vợ chồng chẳng còn gì để nói với nhau. Hôn nhân ngày nào biết ngày đó vì chẳng có gì chia sẻ với nhau về tương lai nữa. Nghèo túng cả những hy vọng. Chẳng phải chờ đến lúc nghỉ hưu như chị V. kia để nhận ra đâu, nhiều cặp vợ chồng nhận ra điều đó khi họ với bạn đời của mình khi nhìn về tương lai 5 năm, 10 năm nữa, họ không thấy bạn đời trong kế hoạch cuộc đời của họ.

Sống với nhau như gạo sống rời rạc. Vì đều là những người tri thức nên nhiều khi họ vẫn tươi cười với nhau, đối xử với nhau như khách quý. Vì như gạo sống mà hạt gạo nào biết hạt gạo đó, họ chẳng giận nhau bao giờ, chẳng to tiếng cũng chẳng kỳ vọng, đòi hỏi gì ở nhau.

Lại có những cặp vợ chồng thì "chồng chúa vợ tôi" - đội vợ lên đầu. Là trong cuộc hôn nhân đó có 1 người là chủ - người còn lại là tôi tớ. Như câu chuyện của chị H., một viện trưởng tôi quen. Bởi chị là viện trưởng, dưới tay có hàng trăm "quân" nên về nhà chị cũng là người quyết định hướng gió, thay trời hành đạo.

Chồng răm rắp nghe theo. Cho đến một ngày khi chị nghỉ hưu, người chồng suốt 30 năm nghe vợ răm rắp đã quyết định ly hôn. Số tài sản kiếm được sau bao năm bị chia bốn phần. Hai con mỗi đứa một phần, chồng chị một phần. Chị chỉ còn 1 phần. Bị chồng ly hôn, lòng tự trọng của một viện trưởng khiến chị đồng ý không níu kéo và chấp nhận 1 phần dù toàn bộ tài sản kia đều do 1 tay chị kiếm được.

Chồng chị ráo hoảnh: "Tôi chịu cô suốt 30 năm rồi. Giờ là lúc tôi muốn được sống cho mình". Hoá ra, suốt 30 năm qua, chị chưa từng nhận ra cuộc hôn nhân này chưa bao giờ hạnh phúc.

Đừng để hôn nhân nguội lạnh

Cuối cùng, những gì tôi vừa kể với bạn, cũng chỉ để nhắc nhớ bạn rằng đừng nghĩ ngoại tình là lý do duy nhất huỷ diệt một cuộc hôn nhân. Người ta đến với nhau có một vạn lý do thì ly dị cũng có ngần đó lý do. Hôn nhân luôn là một hành trình dài và nhiều vất vả để nuôi lớn nó. Là nuôi lớn và cả nuôi giữ nữa.

Mà nhiều người cứ nghĩ theo năm tháng nó lớn rồi quên giữ. Là giữ lại lửa tình trong nhau. Người ta ngoại tình vì tình bên ngoài hấp dẫn họ. Vậy nên đừng quên nội tình là thứ tình ta hấp dẫn chính ta, hấp dẫn bạn đời của mình.