Tiêu sạch hàng chục triệu đồng để biếu bố mẹ tiêu Tết

Minh Thơ (26 tuổi, Hà Nội) đã dành 20 triệu đồng tiền mặt để biếu bố mẹ trong dịp Tết Nguyên đán từ cách đây 2-3 năm. Hiện, cô đang làm nhân viên văn phòng và có nghề tay trái là sáng tạo nội dung.

Minh Thơ cho hay: “Số tiền 20 triệu đồng chắc cũng vừa vặn để bố mẹ mình sắm sửa cho 1 cái Tết đầy đủ đối với gia đình. Phụ huynh không yêu cầu con phải đưa bao nhiêu nhưng mình muốn tranh thủ lúc chưa lấy chồng chi tiêu còn thoải mái thì hỗ trợ bố mẹ một chút dịp Tết đến”.

Trước khi Tết đến khoảng 2-3 tháng, Minh Thơ đã có sự chuẩn bị tài chính để không gặp áp lực tiền nong vào những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, do có 2 nguồn thu nhập song song nên vào dịp Tết, cô cũng thoải mái hơn trong chi tiêu. Được biết, bên cạnh công việc văn phòng thì Minh Thơ còn có nghề tay trái là sáng tạo nội dung.

“Kinh tế khó khăn khiến thu nhập của mình bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, mình nghĩ Tết cả năm mới có 1 lần, ăn Tết sung túc để lấy may mong 1 năm mới đầy đủ viên mãn”, cô chia sẻ.

Minh Thơ (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh tiền biếu bố mẹ, Minh Thơ cũng có nhiều khoản cần chi tiêu khác. Cô dự tính dùng 5 triệu đồng để đút bao lì xì. Giống như bao gia đình khác, Minh Thơ và người thân có thói quen lì xì cho ông bà và trẻ nhỏ. Cô thường tặng người lớn 100 ngàn đồng, trẻ nhỏ 50 ngàn đồng - “một con số không nhiều nhưng tạm gọi là lấy may" với Minh Thơ.

Ngoài tiền lì xì, cô sẽ dành 3 triệu đồng để mua sắm cho bản thân (làm tóc, làm nail, mua 1-2 bộ quần áo mới) và 2 triệu tiền ăn tất niên. Cuối năm là thời điểm Minh Thơ thường gặp gỡ các nhóm bạn và đồng nghiệp, mỗi bữa tốn trung bình khoảng 300 - 500 ngàn đồng.

Một trường hợp khác, T.H (31 tuổi, Hà Nội) đã dự tính biếu bố mẹ tiền mặt là 10 triệu đồng, thêm quà và lì xì tốn thêm khoảng 2-3 triệu đồng. T.H đang làm nhân viên văn phòng ngành Marketing. Ngoài ra, cô còn nhận công việc freelancer bên ngoài như đầu tư, viết content, dịch sách và designer thuê. 

Mọi năm, khi vẫn độc thân và sống cùng nhà với bố mẹ, T.H thường tặng phụ huynh tiền mặt lên đến 20 - 40 triệu đồng, chưa tính quà cáp. Tuy nhiên, do vừa mới lấy chồng nên số tiền này đã phải chia ra để biếu Tết cho gia đình hai bên. 

Cùng hoàn cảnh, Phạm Chi (25 tuổi, TP.HCM) dự tính dành khoảng 25 triệu đồng để biếu bố mẹ và tặng em trai tai nghe điện thoại 3-4 triệu đồng trong dịp Tết.

“Trộm vía năm nay công việc văn phòng của mình không bị ảnh hưởng, bản thân còn kiếm thêm được nghề tay trái nên có thu nhập dư dả. Số tiền biếu bố mẹ này cũng chiếm khoảng 1/4 tài khoản tiết kiệm của mình. Nên sau khi chi tiêu cho Tết, các dự định khác của bản thân cũng không ảnh hưởng quá nhiều", Phạm Chi cho hay.

 
Ảnh minh hoạ

Làm sao để giảm bớt áp lực tài chính trong dịp Tết?

Trong một thời gian ngắn phải chi hàng chục triệu cho những ngày cuối năm sẽ ít nhiều tạo áp lực tài chính và khiến người trẻ cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn các quyết định chi tiêu. Minh Thơ là một trong số đó.

Cô đưa ra lời khuyên: “Với mình Tết chắc chắn là quãng thời gian gây áp lực tài chính với mọi người, không nhiều thì ít. Để cải thiện điều đó, mọi người nên có kế hoạch chuẩn bị tài chính cho Tết trước ít nhất khoảng 2-3 tháng, hoặc thậm trí mỗi tháng để riêng 1 khoản luôn. Chứ nếu chỉ phó mặc cho thưởng Tết thì nhỡ công ty không làm ăn được, cuối năm cắt hoặc giảm thưởng lúc đó sẽ rất bị động”.

Ngược lại với Minh Thơ, T.H lại không quá áp lực và lo nghĩ tiền nong ngày Tết, dù cô đã kết hôn nên các chi tiêu trong những ngày này chắc chắn tăng lên so với thời còn độc thân. Nguyên nhân một phần bởi cả hai vợ chồng đều duy trì lối sống tối giản và tiết kiệm. Thêm nữa, gia đình nội ngoại chu đáo và không đòi hỏi họ phải mua sắm hay biếu quà cáp quá nhiều trong những ngày này.

Ảnh minh hoạ

Còn về phía Phạm Chi, cô quan niệm đã đi làm nhiều năm và biết cách quản lý tài chính chính nên phần nào áp lực chi tiêu Tết cũng giảm xuống.Tiền tiêu Tết của Phạm Chi được rút từ tài khoản tiết kiệm hàng tháng - cũng chính là dòng tiền nhàn rỗi, không cần dùng đến, không cần tiêu xài ngay. Tài khoản tiết kiệm này chiếm 30% thu nhập hàng tháng. 

Số thu nhập còn lại được cô phân bổ vào 3 khoản khác là chi tiêu cơ bản (tiền dành cho sinh hoạt hàng tháng), chi tiêu khẩn cấp (tiền dùng cho trường hợp ốm đau, bệnh tật, đi đám cưới và đám ma), đầu tư (tiền dùng để mua bảo hiểm và cổ phiếu). Thu nhập phân bổ vào khoản chi tiêu cơ bản, chi tiêu khẩn cấp và đầu tư lần lượt là 30% - 10% - 30%.

Phạm Chi quan niệm: Tết nhất chỉ là một dịp phát sinh thêm trong năm. Nếu biết chuẩn bị tài chính tốt, những ngày này bạn sẽ không mang tâm lý áp lực và sợ những ngày cuối năm.

Dành 25 triệu đồng để biếu bố mẹ là một khoản chi lớn với người trẻ. Đó cũng là con số cần cân nhắc với Phạm Chi. Song cô cho biết, đây là khoản chi xứng đáng và một khi đã bỏ ra thì sẽ không tiếc tiền.

“Mình vẫn còn độc thân nên muốn dành tặng phụ huynh nhiều nhất có thể. Thêm nữa, mình đi làm xa nhà, mỗi năm chỉ về có 1 lần, bố mẹ còn đang nuôi em trai ăn học nên với tư cách chị lớn, mình cũng muốn đóng góp một ít. Mình quan niệm: Trong những ngày nay, chi tiêu dành cho mình có thể giảm nhưng bố mẹ thì không", Phạm Chi bày tỏ.