Hội chứng những ngày... 'bùng nổ'
Tuy nhiên, sau khi đi khám và được trị liệu về tâm lý, họ đã rất bất ngờ vì nguyên nhân vô cùng đơn giản.
Dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý nguy hiểm
Trung bình mỗi ngày, chỉ riêng thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm - Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - khám khoảng 50 ca liên quan tới sản phụ khoa. Trong số đó, có 5-7 trường hợp gặp phải các vấn đề về tâm lý và thực thể do hội chứng tiền kinh. Điều đáng nói, đa số các bệnh nhân này trước đó từng đi khám ở các chuyên khoa như nội tiêu hóa, tầm soát đái tháo đường, tăng huyết áp, thậm chí phải điều trị cả tâm lý, tâm thần nhưng không hiệu quả.
Vừa qua, bác sĩ Thắm đã điều trị cho ba trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề nhất do hội chứng tiền kinh gây ra, mỗi trường hợp có các biểu hiện hoàn toàn khác nhau. Cả ba người đều tưởng mình bị bệnh lý mạn tính nào đó chứ không ngờ nguyên nhân lại đến từ chu kỳ “đèn đỏ”.
Trường hợp thứ nhất là chị P.T.M.T. (35 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM). Trước khi tìm đến bác sĩ Thắm, chị T. đã đi tầm soát tiểu đường, tăng huyết áp nhưng các chỉ số đều trong giới hạn bình thường. Chị T. kể, khoảng nửa năm nay, tháng nào chị cũng có các triệu chứng như: mặt và mắt sưng húp, tay chân giữ nước, đầu các ngón chân tê bì, nhức đầu, hồi hộp. Điều đáng nói, các dấu hiệu trên không kéo dài liên tục, chỉ xuất hiện khoảng mươi ngày rồi hết. “Bệnh nhân rất hoang mang khi tìm không ra nguyên nhân. Chị C. tin chắc cơ thể mình đang mắc một bệnh gì đó bởi chị cảm nhận rõ ràng sự thay đổi bất thường đang diễn ra bên trong”, bác sĩ Thắm kể.
Trường hợp thứ hai là chị N.T.V. (31 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM). Chị V. cho biết, sau khi sinh con đầu lòng, trước mỗi kỳ kinh, chị bị tiêu chảy cả tuần. Bà mẹ một con vô cùng lo lắng, bởi điều này chưa từng xảy ra trước đây.
Không những đau bụng tiêu chảy, chị V. còn khổ sở vì đi tiểu nhiều lần. Chị lên mạng tìm kiếm thông tin thì thấy mình có các dấu hiệu ban đầu của bệnh ung thư ruột, thậm chí có khả năng bị sa sinh dục. Sau khi khám nội tiêu hóa, làm cả nội soi tiêu hóa mà vẫn không phát hiện điều gì bất thường, chị đi khám sản phụ khoa để tầm soát bệnh lý sa sinh dục và được bác sĩ kết luận đó chỉ là hội chứng tiền kinh.
Trường hợp thứ ba khiến bác sĩ Thắm vô cùng ấn tượng vì cả hai vợ chồng cùng xin được tư vấn. Người đặt vấn đề nhờ bác sĩ hỗ trợ chính là người chồng.
Trước mỗi chu kỳ kinh nguyệt khoảng một tuần, tâm tính người vợ thay đổi chóng mặt. Cô ấy khó chịu về mọi thứ, cáu bẳn với chồng con, sẵn sàng gây hấn với mọi người. Sau mỗi lần như thế, chính bản thân người vợ cũng cảm thấy mình không điều khiển được cảm xúc. Cô đi khám tâm lý nhưng được bác sĩ yêu cầu nên phối hợp cả khám sản phụ khoa để được điều trị kết hợp.
Điều trị tâm lý kết hợp bổ sung nội tiết
Hội chứng tiền kinh ở những phụ nữ trẻ chưa chồng hay gặp là các cơn đau bụng dưới, trằn và nặng bụng. Nhiều phụ nữ có gia đình than thở về các triệu chứng của hội chứng tiền kinh sau khi sinh con (do lúc đó hoạt động của buồng trứng chưa ổn định dẫn tới sự bất thường về nội tiết tố).
Tất cả phụ nữ trước mỗi kỳ kinh nguyệt đều bị sụt giảm nội tiết estrogen đột ngột. Sự sụt giảm nội tiết này có tác dụng làm tử cung co thắt và bong tróc lớp nội mạc tử cung rồi xuất ra ngoài gọi là hiện tượng kinh nguyệt.
Một số phụ nữ quá nhạy cảm sẽ bị các rối loạn về tâm lý và thực thể trước khi có kinh nguyệt từ một tuần đến mười ngày, gọi là hội chứng tiền kinh. Các triệu chứng này sẽ hết khi xuất hiện kinh nguyệt. Khi sắp có kinh nguyệt, một số chị em lại bị tiêu chảy, đi tiểu nhiều lần vì estrogen sụt giảm làm co thắt các cơ trơn, tác động luôn cả vào cơ ruột và đường niệu.
Đôi khi sự sụt giảm nội tiết còn khiến chị em có cảm giác phù nề. Những phụ nữ thay đổi tâm tính, trở nên cáu bẳn còn do stress quá mức trong cuộc sống, công việc nên nhân cơ hội này “bùng nổ” khiến chồng con trở thành nơi trút giận.
Để khống chế hội chứng tiền kinh, bác sĩ Thắm khuyên người chồng nên chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống với vợ, bởi thời gian này người vợ rất dễ trở nên yếu đuối, xuống tinh thần.
Nếu thấy trước mỗi kỳ kinh thường xuất hiện các dấu hiệu ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe, chất lượng sống cũng như không khí gia đình, chị em nên đi khám sản phụ khoa để được điều trị. Bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung thuốc nội tiết tố theo liệu trình từ 3 đến 6 tháng. Hầu hết các bệnh nhân sau khi được điều trị đều không còn cảm thấy khó chịu trước kỳ “đèn đỏ”.
Bên cạnh đó, với những ai có biểu hiện phù nề, sưng húp mắt, mặt hãy hạn chế ăn mặn và thức ăn nhiều dầu mỡ. Chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, uống nhiều nước cũng giúp giảm bớt dấu hiệu phù nề.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....