Shipper kiếm tiền triệu mỗi ngày vì nhu cầu tăng vọt

Đã gần 1 tháng kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các cơ quan, doanh nghiệp bắt đầu trở lại công việc thường nhật của mình. Tuy nhiên, đó cùng là thời điểm Việt Nam phải đối mặt với bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp nên nhiều biện pháp đã được đưa ra để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Điển hình rõ nhất là việc học sinh cả nước đã bắt đầu tuần thứ 4 liên tiếp nghỉ học, hay nhiều lễ hội dừng tổ chức, người lao động thay vì liên hoan đầu năm thì nay chỉ ngồi 1 chỗ, không dám ra ngoài vì lo dịch bệnh… Vì thế, những công ty làm dịch vụ chuyển phát nhanh, giao hàng tận nơi (shipper) “trúng quả đậm” trong những ngày đầu năm.

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, dịch vụ vận chuyển hàng hóa "lên ngôi".

Theo ghi nhận của chúng tôi, tất cả các mặt hàng từ đồ ăn nhanh, đến bưu phẩm, linh kiện, thậm chí là thiết bị điện tử, điện lạnh đều được người dân lựa chọn bằng việc đặt mua qua mạng rồi ship đến tận nhà. Trong đó, mặt hàng được nhiều người đặt nhất đó là thực phẩm và đồ ăn nhanh.

Có thâm niên chạy xe ôm công nghệ, kiêm nghề shipper gần 5 năm ở Hà Nội, anh Hoàng Công Khánh (ở Phú Thọ) chia sẻ, chưa năm nào dịch vụ giao hàng sau Tết Nguyên đán lại nhộn nhịp như năm nay. Thậm chí anh Khánh và nhóm đồng nghiệp của mình hoạt động hết công suất từ 7 giờ sáng đến 22 giờ đêm vẫn chưa hết việc.

“Mọi năm thời điểm này mọi người đi ăn hàng, ăn tiệm liên hoan hết nên chúng tôi đói dài cổ. Năm nay thì làm không hết việc, như tôi tạm tắt ứng dụng xe ôm chỉ bật chế độ chuyển hàng nhanh mà làm không hết việc”, anh Khánh cho biết.

Dân văn phòng và ở các tòa chung cư đa số đặt đồ ăn nhanh và các loại thực phẩm.

Nguyên nhân được anh Khánh đưa ra là do lo ngại dịch bệnh nên mọi người ngồi 1 chỗ đặt hàng rồi ship đến tận nơi. Khách hàng anh Khánh hay gặp nhất là nhân viên văn phòng và các gia đình có con nhỏ, mặt hàng mà nam shipper này chạy nhiều nhất là đồ ăn nhanh.

Tiết lộ về thu nhập của mình, anh Khánh cho biết cứ trung bình ngày nào cũng như 2-3 tuần sau Tết thì một tháng anh thu nhập khoảng 60 triệu (khoảng 2 triệu/ngày) là điều hoàn toàn nằm trong khả năng. Chỉ có điều thời gian làm việc khá dài, nên cũng cần phải phân bố cho hợp lý. Thời điểm hiện tại cá nhân anh Khánh chỉ nhận cuốc giao hàng dưới 3km trở xuống, vì đi xa rất mất thời gian.

Kiếm được tiền nhưng phải tự bảo vệ mình trước dịch bệnh

Tuổi đã ngoài 60 nên sức khỏe của chú Hoàng Văn Việt (quê Nam Định) không còn được như cánh trẻ, thế nhưng trong những ngày sau Tết Nguyên đán vừa làm xe ôm công nghệ, vừa giao nhận hàng hóa, chú Việt cũng có thu nhập gấp đôi so với trước đây, với mức 500-600.000 đồng/ngày.

Chú Việt cho biết dịch vụ chuyển hàng hóa đầu năm nay rất nhộn nhịp.

Theo chia sẻ của chú Việt, mặt hàng thịnh hành nhất hiện nay là thực phẩm và đồ bảo vệ cơ thể trước dịch bệnh như khẩu trang hoặc nước rửa tay sát khuẩn. “Khi tôi chạy xe ôm, rất nhiều người khi đặt thành công còn nhờ mua hộ cả nước sát khuẩn, khẩu trang. Họ chấp nhận trả thêm tiền công, tiền ship vì không muốn ra ngoài”, ông Việt cho hay.

Không chỉ các dịch vụ chuyển hàng tư nhân, các công ty nhà nước như đội ngũ bưu tá của Bưu điện Việt Nam trong những ngày này cũng tất bật hơn vì lượng bưu phẩm nhiều hơn trước khi có dịch. Dù vậy, để phục vụ người dân, các nhân viên giao hàng luôn sẵn sàng lên đường và phòng bệnh mỗi khi làm nhiệm vụ.

Khi chuyển phát nhanh, các nhân viên phải tự bảo vệ và nâng cao ý thức phòng bệnh COVID-19.

Theo chia sẻ của những người làm nghề shipper, dù đây đang là thời điểm làm ăn được nhưng tự mình phải biết bảo vệ bản thân, bởi nghề này “làm dâu trăm họ”, tiếp xúc với rất nhiều người. Cách bảo vệ cơ thể mà các shipper hay áp dụng nhất đó là đeo khẩu trang, rửa tay sau khi giao hàng, đeo kính bảo vệ và giao dịch qua điện thoại, tránh tiếp xúc gần.

“Khi đi giao hàng mình không đeo khẩu trang người nhận hàng họ cũng e dè không muốn nhận. Với đang thời kỳ dịch bệnh như hiện nay, mình phải bảo vệ bản thân trước, lo được sức khỏe bản thân thì mới kiếm tiền được”, anh Hoàng Công Khánh cho hay.