Học sinh Hà Nội ngộ độc do nhiễm khuẩn tụ cầu vàng: Chuyên gia nói gì?
Đây là một loại vi khuẩn có thể sinh sôi nhanh và tạo ra độc tố khi thực phẩm không được bảo quản đúng cách. Chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng nguy cơ ngộ độc do tụ cầu gây ra, người dân cần tuân theo quy tắc sơ chế và chế biến thực phẩm an toàn.
Vi khuẩn tụ cầu vàng nguy hiểm ra sao?
Sở Y tế Hà Nội cho biết, xác định nguyên nhân khiến 72 học sinh trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân) nhập viện là do vi khuẩn tụ cầu vàng có trong món thịt gà. Cơ quan chuyên môn lưu ý, quận Thanh Xuân tiếp tục rà soát lại nguyên nhân vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà từ khâu vận chuyển hay trong quá trình chế biến. Từ đó, chấn chỉnh không để xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm (ATTP) như trên.
Tụ cầu vàng là vi khuẩn hình cầu, tụ thành từng cụm như chùm nho, không di động. Chúng phân bố rộng rãi trong tự nhiên, thường ký sinh trên da và niêm mạc. Thực phẩm giàu chất đạm, chất béo như: thịt gia súc, gia cầm, cá hoặc thực phẩm có hàm lượng nước cao, nhiều tinh bột và nhiệt độ bảo quản không đảm bảo thường dễ bị nhiễm tụ cầu vàng.
Đề cập đến vấn đề vi khuẩn tụ cầu vàng nguy hiểm ra sao, PGS.TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho hay, trong chủng vi khuẩn tụ cầu, phổ biến nhất là tụ cầu vàng. Mọi người đều có thể bị ngộ độc khi ăn phải những thức ăn bị nhiễm tụ cầu vàng.
Thức ăn khi bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng sẽ gây ra ngộ độc. Khi con người bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng chủ yếu nguy hiểm là do độc tố của vi khuẩn này. Độc tố này khi vào cơ thể làm cho toàn bộ hệ thống tiêu hóa bị tê liệt, ảnh hưởng đến chức năng thần kinh.
Theo PGS.TS Trần Đáng, biểu hiện của việc ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn tụ cầu vàng gồm: đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, suy nhược thần kinh, chóng mặt, nhức đầu… Những triệu chứng này thường xuất hiện trong vòng 2- 4 giờ, chậm nhất đến 12 giờ.
Các bệnh nhân bị ngộ độc do vi khuẩn tụ cầu vàng, với trường hợp nặng nếu không được điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng, có thể dẫn đến tử vong.
Những thực phẩm dễ bị nhiễm tụ cầu vàng nhất là: Sữa, thịt băm, thịt gia súc, gia cầm, tất cả chất đạm (có thể chế biến nấu nướng), … Khi những thực phẩm này nếu không được bảo quản hoặc bảo quản không đúng cách, để bị ôi thiu dễ nhiễm tụ cầu vàng.
Đặc biệt, PGS.TS Trần Đáng cảnh báo, tụ cầu vàng còn tồn tại rất nhiều trong cơ thể con người. Loại vi khuẩn này thường ẩn nấp trong mũi, miệng, mắt, tay, nách… Do đó, nguy cơ dễ nhiễm vào trong các loại thực phẩm.
“Do đó, khi chế biến, chia thực phẩm, mỗi người dân phải giữ gìn vệ sinh đảm bảo an toàn thực phẩm, đeo găng tay, khẩu trang, mặc quần áo bảo hộ. Người tiêu dùng khi mua thực phẩm phải chọn cẩn thận, bảo quản để thực phẩm không bị ôi thiu, ô nhiễm. Dụng cụ chế biến thực phẩm cũng phải được giữ vệ sinh sạch sẽ” - PGS.TS Trần Đáng khuyến cáo.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra ở bất cứ món ăn nào, thậm chí, cả trong nước uống.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, quá trình lựa chọn thực phẩm dù rất tốt, tươi sống, đảm bảo ATTP nhưng vẫn có thể nhiễm vi khuẩn từ nhà bếp tới bàn ăn.
Trong trường hợp các học sinh bị nhiễm tụ cầu thời kỳ ủ bệnh thường ngắn từ 30 phút đến 6 giờ. Triệu chứng là đột ngột đau bụng dữ dội và nôn nhiều, thường xuất hiện sớm trước khi bị tiêu chảy.
Một số trường hợp không bị tiêu chảy, không sốt hoặc sốt rất nhẹ. Biểu hiện nặng nhất có thể mất nước nhiều dẫn đến trụy tim mạch, thường gặp ở trẻ nhỏ và người già yếu, người có miễn dịch kém.
Để hạn chế ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể trong trường học, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, mỗi người cần thực hiện các điều kiện quy định chặt chẽ về an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống như: nguồn nguyên liệu, cơ sở chế biến, bảo quản thực phẩm.
Phụ huynh cũng cần tăng cường giám sát chuỗi thực phẩm, quy trình chế biến bởi đây là quyền lợi, giúp đảm bảo an toàn cho con.
Cách phòng nhiễm khuẩn tụ cầu vàng
Theo Bộ Y tế, tụ cầu vàng tên khoa học là Staphylcocs aureus, có đường kính là khoảng 0.8-1 micromet. Loại vi khuẩn này thường tập trung như chùm nho. Khi vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể qua các lỗ hở như một vết cắt hoặc phát ban, nó có thể gây ra nhiễm trùng sâu bên trong, rất nguy hiểm.
Vi khuẩn tụ cầu vàng thường cư trú trên da nhưng ít gây bệnh. Nhưng nếu có các vết xước, mụn trên người, kèm theo vệ sinh cá nhân không tốt, cơ thể có sức đề kháng yếu thì vi khuẩn tụ cầu dễ dàng xâm nhập gây các bệnh nguy hiểm.
Tụ cầu vàng gây ra các tổn thương ngoài da như: chốc lở, viêm nang lông, các loại mụn nhọt, loét da. Thậm chí, có khi tạo nên các ổ áp xe nằm ngay dưới da gây đau đớn, sốt, sưng nề sung huyết làm đỏ cả một vùng da.
Khi nhiễm vào máu, tụ cầu cũng có thể gây nên các bệnh nặng như: áp xe phổi, viêm tủy xương, viêm nội tâm mạc hoặc gây viêm màng não mủ... Bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh và cũng có nguy cơ cao gây nhiễm khuẩn huyết.
Khi bị tụ cầu vàng, bác sĩ sẽ điều trị bằng cách cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, ngày này do việc sử dụng kháng sinh tùy tiện, không theo chỉ định đã gây nên tình trạng kháng kháng sinh khiến cho việc điều trị các nhiễm trùng gây nên bởi tụ cầu vàng trở nên khó khăn.
Tụ cầu vàng có khả năng kháng nhiều loại kháng sinh trong đó có kháng sinh nhóm penicillin bao gồm: methicillin, penicillin, amoxicillin và oxacillin.
Tụ cầu vàng thậm chí còn được coi là một loại “siêu vi khuẩn” do hiện nay nó đã trở nên đề kháng với rất nhiều loại kháng sinh mà trước kia có thể sử dụng để tiêu diệt nó trong các bệnh viện, trung tâm y tế…
Theo Viện Y học ứng dụng Việt Nam, mọi người đều có thể bị ngộ độc khi ăn phải những thức ăn bị nhiễm tụ cầu vàng. Những thực phẩm dễ bị nhiễm tụ cầu vàng nhất là: Trứng, thịt gia súc, gia cầm, salad (có trứng, cá ngừ, thịt gà, khoai tây, mỳ ống), các loại bánh nướng có kem, các sản phẩm từ sữa…
Nguồn lây nhiễm tụ cầu vàng có thể do dụng cụ nấu nướng, chế biến thực phẩm không bảo đảm vệ sinh hay do quá trình lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm kém chất lượng.
Do đó, Viện Y học ứng dụng Việt Nam khuyến cáo, khi bị nhiễm khuẩn trên da cần bao phủ vùng da đó bằng băng gạc sạch, khô. Giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay theo hướng dẫn, tránh tiếp xúc gần với người mắc bênh, cần làm sạch các vết xước, vết cắt và vết thương trên da để giảm thiểu nguy cơ tụ cầu vàng xâm nhập qua những vết thương hở này.
Người dân cần tuân theo những quy tắc sơ chế và chế biện thực phẩm an toàn để phòng nguy cơ ngộ độc do tụ cầu gây ra. Rửa tay kỹ với xà phòng và nước trước khi chế biến thực phẩm. Nếu có vết thương, nhiễm trùng da, hay nhiễm trùng tại mắt, mũi, không nên chuẩn bị thức ăn cho người khác.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân cần làm sạch và tiệt trùng nhà bếp và khu vực ăn uống. Khi nấu, đảm bảo nhiệt độ cao trên 60 độ C và bảo quản thực phẩm lạnh dưới 4 độ C. Những thực phẩm cần giữ lạnh cần được đưa vào tủ lạnh càng sớm càng tốt.
Bảo quản thực phẩm đã nấu chín trong các hộp đựng nông, rộng và cho vào tủ lạnh trong vòng 2 giờ (hoặc 1 giờ nếu nhiệt độ bên ngoài nóng hơn 32˚C). Không chuẩn bị thức ăn nếu bạn bị tiêu chảy hoặc nôn mửa. Đeo găng tay khi chế biến thức ăn nếu bạn có vết thương hoặc nhiễm trùng trên tay hoặc cổ tay.
5 lý do bạn nên bổ sung rau hẹ vào thực đơn hằng ngày
Rau hẹ là loại rau gia vị quen thuộc với nhiều người, không chỉ ngon miệng mà rau hẹ còn...
Những loại quả ngon tưởng ‘lành’ nhưng cực hại cho dạ dày nếu ăn sai giờ, đặc biệt có loại...
Trái cây là nguồn cung cấp vitamin dồi dào cho cơ thể, nhưng khi ăn bạn nên có sự chọn...
Điều gì sẽ xảy ra đối với sức khỏe nếu mỗi ngày ăn một quả ổi?
Ổi là loại trái cây phổ biến, có thể sử dụng trong thực đơn hàng ngày. Vậy điều gì sẽ...
Bánh mì: Món ăn ngon của mọi người nhưng có tác hại khó lường nếu ăn sai cách
Bánh mì ngon, bổ, rẻ là sự lựa chọn tuyệt vời của nhiều người cho bữa sáng bận rộn. Thế...