Trong kho tàng ẩm thực Việt Nam, những món ăn với thịt gà vô cùng đa dạng và phong phú. Có thể kể đến một vài món như gà kho sả ớt, gà luộc chấm muối tiêu chanh, gà chiên nước mắm, lẩu gà lá giang, cháo gà, gà nướng muối ớt... Trong đó món lẩu gà lá giang khá được ưa chuộng và xuất hiện phổ biến trong các buổi liên hoan hay bữa cơm gia đình vào những dịp cuối tuần, nghỉ lễ.

Lẩu gà lá giang vốn là một món ăn nổi tiếng của vùng đất Nam Bộ. Với hương vị thơm ngon, hấp dẫn, không biết tự bao giờ món lẩu gà lá giang đã có mặt trên khắp mọi miền đất nước. Vị ngọt thanh của thịt gà, chua dịu của lá giang, cay nồng của ớt, xả,... đã tạo nên sức hút không thể chối từ, khiến bất cứ thực khách nào cũng phải xuýt xoa khi thưởng thức.

Hơn nữa món ăn này còn chứa nhiều chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe. Bởi nguyên liệu chính là thịt gà và lá giang đều rất bổ dưỡng và chứa nhiều vitamin, dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.

Không chỉ thanh mát, giải nhiệt, lẩu gà lá giang còn có tác dụng phòng một số bệnh thường gặp như thiếu máu, tim mạch, tăng huyết áp,... Đặc biệt hàm lượng protein dồi dào có trong thịt gà rất tốt cho não bộ, giúp cải thiện trí nhớ cũng như tinh thần trở nên phấn chấn hơn,...

Còn chần chừ gì nữa mà không vào bếp thực hiện ngay cách nấu lẩu gà lá giang ngon mà đơn giản trong bài viết dưới đây. Đảm bảo bạn sẽ thành công ngay cả lần đầu tiên thực hiện.

1. Nguyên liệu nấu lẩu gà lá giang

Các nguyên liệu chính

- 1 con gà mái tơ khoảng 1,5kg

- 300gr lá giang

Nguyên liệu chính cho cách nấu lẩu gà lá giang là thịt gà và lá giang. Ảnh minh họa: Internet

Các gia vị nấu lẩu gà lá giang

- 2 củ sả

- 1 củ gừng

- 1 quả ớt sừng

- 1 ít lá ngò gai

- 1 vài củ hành tím

- 1 củ tỏi

- Hạt nêm, nước mắm ngon, muối, đường, tiêu xay, dầu ăn

Nguyên liệu ăn kèm lẩu

- Bún tươi

- Các loại rau dùng để ăn kèm lẩu: rau muống chẻ, giá đỗ, bắp chuối bào, rau nhút, kèo nèo,... (có thể chọn tùy theo sở thích của gia đình bạn)

Chuẩn bị các nguyên liệu và gia vị cần thiết để nấu lẩu gà lá giang. Ảnh minh họa: Internet

2. Cách ướp gà nấu lẩu lá giang và sơ chế nguyên liệu

Cách ướp gà nấu lẩu đúng chuẩn

Gà làm sạch, rửa lại với nước. Bạn dùng một ít muối trộn với gừng giã nhuyễn chà xát lên khắp mình gà. Cách này sẽ giúp gà sạch hơn và khử đi mùi hôi. Sau đó bạn rửa sạch gà lần nữa và để ráo.

Dùng dao chặt gà thành miếng vừa ăn, không nên chặt miếng quá nhỏ vì khi nấu gà sẽ co lại dễ bị vụn.

Ướp thịt gà đã chặt với 1 thìa cà phê muối, 2 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa cà phê đường, 1/2 thìa cà phê tiêu xay. Ướp trong vòng 20-30 phút để cho gà thấm đều gia vị.

Dùng dao chặt gà thành miếng vừa ăn, ướp cùng các gia vị cho thấm đều. Ảnh minh họa: Internet

Sơ chế các nguyên liệu nấu lẩu

- Lá giang: chọn những lá còn xanh tươi, không bị úa vàng hay sâu héo. Sau đó nhặt lá, rửa sạch và để ráo nước.

- Sả: bóc bỏ lớp vỏ cứng, rửa sạch và đập dập.

- Gừng: bỏ vỏ, rửa sạch.

- Ớt: rửa sạch, bỏ cuống, thái lát.

- Ngò gai: nhặt bỏ lá vàng, bị sâu, rửa sạch, để ráo rồi thái nhỏ.

- Hành tím: lột vỏ, băm nhuyễn.

- Tỏi: lột vỏ, bằm nhuyễn.

- Các loại rau ăn kèm lẩu bạn chọn lá tươi ngon, bỏ các phần già. Rửa sạch, ngâm nước muối loãng khoảng 15-20 phút rồi vớt ra để ráo, bày ra rổ hay đĩa lớn.

3. Hướng dẫn các bước nấu lẩu gà lá giang

Chỉ với 4 bước đơn giản với cách nấu lẩu gà lá giang dưới đây, bạn sẽ có thể tự tin làm món lẩu ngon đúng điệu cho gia đình thưởng thức:

Bước 1: Bắc chảo lên bếp cho nóng, cho một ít dầu ăn vào. Khi dầu sôi thì bỏ 1/2 chỗ tỏi bằm nhuyễn vào phi thơm. Khi tỏi chuyển vàng thì bạn múc ra bát để riêng.

Tiếp tục cho thêm ít dầu ăn vào đun sôi rồi cho hành tím và tỏi băm nhuyễn vào phi thơm. Sau đó cho gà đã ướp sẵn gia vị vào xào cho đến khi gà săn lại.

Bước 2: Bắc nồi nấu lẩu lên bếp, cho khoảng 1,5l nước vào, cho sả đập dập vào đun sôi. Sau đó trút phần gà đã xào ở trên vào nấu chín. Để lửa nhỏ liu riu và nêm nếm gia vị cho vừa ăn.

Hướng dẫn các bước nấu lẩu gà lá giang. Ảnh minh họa: Internet

Bước 3: Khi gà đã chín mềm, bạn hớt sạch bọt trong nồi, cho lá giang vào đảo đều. Sau đó cho phần tỏi đã phi thơm, ớt xắt vào. Chú ý với cách nấu lẩu gà lá giang, bạn nên bạn vò nát lá giang trước khi cho vào nồi lẩu và chỉ nên dùng khoảng 1/2 phần lá giang. Phần còn lại để dùng chung với các loại rau khi nhúng lẩu để món lẩu không bị quá chua.

Sau khi thịt gà chín mềm, bạn cho phần tỏi đã phi thơm, ớt xắt vào. Ảnh minh họa: Internet

Bước 4: Trình bày và thưởng thức

Dọn lẩu ra thưởng thức cùng bún tươi và các loại rau ăn kèm. Thêm một chén nước mắm nhỏ xắt thêm vài lát ớt dùng để chấm thịt gà.

4. Yêu cầu thành phẩm của món lẩu gà lá giang

Món lẩu gà lá giang có hương thơm đặc trưng, vị chua chua của lá giang, ngọt thanh của thịt gà và nước lẩu, cay cay của ớt, sả, tiêu. Thịt gà phải săn chắc, dai, vị béo và đậm đà gia vị. Lá giang không quá chín, có hương thơm nhè nhẹ cùng vị chua chua đặc trưng làm kích thích vị giác.

 Món lẩu gà lá giang có hương thơm đặc trưng, vị ngon hấp dẫn. Ảnh minh họa: Internet

5. Những lưu ý với cách nấu lẩu gà lá giang

Tùy vào khẩu vị của từng gia đình mà bạn nêm nếm, gia giảm gia vị phù hợp. Chẳng hạn như độ cay của ớt, ngọt của đường để tạo độ cay và vị ngọt của nước lẩu.

Lá giang có đặc điểm càng nấu sẽ càng chua nên khi nấu bạn không nên cho quá nhiều. Có thể điều chỉnh lượng lá giang sao cho nước lẩu có vị chua thanh vừa phải.

Món lẩu gà lá giang có vị chua nên bạn tránh dùng nồi nhôm để nấu. Chất chua trong lẩu có khả năng ăn mòn nhôm, khiến nồng độ nhôm trong nước lẩu tăng. Điều này có thể gây ra tình trạng ngộ độc nhôm. Vì vậy, thay vì bạn dùng nồi nhôm cho cách nấu lẩu gà lá giang, hãy sử dụng nồi inox hay tráng men để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Thêm một mẹo nho nhỏ cho cách nấu lẩu gà lá giang thơm ngon, đậm đà là bạn thêm một củ hành khô vào nồi nước lẩu. Điều này sẽ giúp cho nước lẩu thơm và ngon hơn nhiều.

Bên cạnh thịt gà mái tơ, bạn có thể chọn các loại gà khác để nấu lẩu gà lá giang như gà ác, gà ri vì thịt của chúng đều rất ngon, ngọt và bổ dưỡng.

Món lẩu gà lá giang hấp dẫn cho những bữa cơm gia đình thêm thú vị. Ảnh minh họa: Internet

Lẩu gà lá giang đúng chuẩn Nam Bộ thường dùng kèm với bùn tươi. Tuy nhiên bạn có thể thay thế bún bằng mì hay bún gạo khô nếu thích. Ngoài ra, món này còn ăn kèm với cơm cũng rất ngon. Đặc biệt là những ngày se se lạnh, cả nhà cùng quây quần chuyện trò, thưởng thức nồi lẩu thơm lừng, ngon ngọt, ấm nóng thì còn gì tuyệt vời hơn.

Bên cạnh cách nấu lẩu gà lá giang, bạn có thể thử cách nấu lẩu gà lá giang măng chua cũng vô cùng hấp dẫn và thơm ngon khó cưỡng. Hãy theo dõi thường xuyên phunusuckhoe.vn và cập nhật thêm nhiều món ngon, bổ dưỡng để cuối tuần vào bếp trổ tài và chiêu đãi cả gia đình.