Tuy nhiên, điều mà người dùng điện thắc mắc là tại sao EVN lại tính gộp 2 tháng mà không tách lẻ từng tháng ra. Bởi khi gộp 2 tháng, với cách tính giá điện lũy tiến như hiện nay, người dùng đương nhiên phải trả tiền điện tháng 2 ở bậc cao nhất. Hóa đơn tiền điện vì thế cũng sẽ tăng cao hơn bình thường. "Đây là cách tính không sòng phẳng, trục lợi từ người tiêu dùng của ngành điện", anh Nguyễn Vũ bức xúc nói.
"Nếu đặt quyền lợi của người dân lên trên sự dễ dàng trong quản lý, họ đã tách riêng 2 tháng để người dân không bị thiệt thòi. Với công tơ điện tử, công nghệ quản lý hiện nay, việc tách riêng ra 2 tháng không có gì khó khăn. Tôi đề nghị EVN Hà Nội tính lại tiền điện cho người dân. Tách 2 tháng ra, tháng nào tính tháng nấy, chúng tôi không có nhu cầu tính gộp. Số tiền bị thu quá lên sẽ trừ cho tháng tiếp theo. Người dân không có lý do gì để phải chịu gộp 2 tháng, chịu tiền điện tính theo bậc thang lũy tiến. Việc quản lý là của EVN, họ cần phải tính toán sao cho hợp lý, đặt quyền lợi của người dân lên trên", anh Vũ nêu quan điểm.
Hiện nay, bậc 1 biểu giá điện sinh hoạt mới cho kWh 0-50 là 1.806 đồng/kWh; bậc 2 cho kWh 51-100 là 1.866 đồng/kWh; bậc 3 cho kWh 101-200 là 2.167 đồng/kWh; bậc 4 cho kWh 201-300 là 2.729 đồng/kWh; bậc 5 cho kWh 301-400 đồng/kWh là 3.050 đồng/kWh; bậc 6 cho kWh 401 trở lên là 3.151 đồng/kWh.
Đề nghị Hội Bảo vệ Người tiêu dùng vào cuộc
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, theo thông thường, khách mua hàng càng nhiều thì càng được giảm giá, duy chỉ có ngành điện là khách sử dụng càng nhiều thì càng chịu giá cao. Mà giá tính bậc thang nên việc gộp 2 tháng để tính tiền 1 lần gây lo lắng hay hiểu nhầm là điều khó tránh khỏi.
"Giờ ngành điện bảo rằng dù gộp 2 tháng tính 1 lần, nhưng số tiền phải đóng so với việc đóng 2 lần 2 tháng vẫn không đổi, không tăng, trong khi khách hàng cho rằng số tiền mình thực nộp lại bị đội lên. Kiểu "sư nói sư phải, vãi nói vãi hay" này cần phải được làm rõ, trên cơ sở hóa đơn và tính toán cụ thể. Trong trường hợp phần đông khách hàng phản ánh số tiền điện bị tính sai, và cách tính toán, cách giải thích từ phía ngành điện không thỏa đáng, thì có thể cần tới sự vào cuộc của thanh tra. Như thế, mọi chuyện sẽ rõ ràng", ông Long nói.
"Với tư cách cá nhân, người tiêu dùng, tôi cũng đề nghị Hội bảo vệ người Tiêu dùng Việt Nam cần lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của người dân Việt Nam", anh Q. bày tỏ mong muốn.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc hóa đơn tiền điện tăng lên do tính gộp 2 tháng là đúng, nhưng phải làm rõ nếu gộp như vậy thì cách tính bậc thang như thế nào? EVN Hà Nội cho rằng khi khối lượng tiêu thụ điện lên thì sẽ tăng mức tiêu thụ từng bậc lên để người dùng không thiệt, nhưng họ lại không có thống kê chi tiết nào về tính riêng tiền điện 2 tháng so với phương án tính gộp thì con số khác nhau thế nào.
"Phải tính riêng ra rồi cộng lại mới sòng phẳng. Một số người tính thử ở hộ gia đình thông thường thì chênh lệch tăng lên khoảng 100 nghìn đồng khi gộp 2 tháng làm 1. Số tiền này không phải lớn, nhưng với 2,8 triệu hộ dân ở TP Hà Nội lại là con số rất lớn. Quan điểm của tôi, 1 đồng của dân tính sai, cũng phải tính lại. Cần xem lại việc tính gộp này có được cho phép không, cấp nào có thẩm quyền? Vấn đề ở đây là công khai, minh bạch, đừng để người tiêu dùng phải chịu thiệt, đừng để doanh nghiệp chịu thiệt", chuyên gia Vũ Vinh Phú nói.
Theo chuyên gia, tới đây cần phải làm rõ cách tính gộp này có đúng hay không. Chỉ cần chênh lệnh 1-2 đồng cũng phải thu hồi và trả lại cho người dân. Các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, thanh tra điện, kiểm toán phải vào cuộc làm rõ. Nếu có sai phạm thì phải trả lại người dân và rút kinh nghiệm cho lần sau. Cách tính giá điện không ai phản đối, quan trọng nhất là rõ ràng, minh bạch với người tiêu dùng và doanh nghiệp.