Hiến tạng con trai cứu 6 người, bà mẹ Lâm Đồng bị xa lánh
“Con tôi còn sống mãi”
Giữa sân trải đầy nắng vàng, bà Vũ Thị Mừng (62 tuổi, ngụ xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) chậm rãi phơi những trái cà phê chín đỏ. Chốc chốc, bà lại đưa mắt, nhìn về phía di ảnh của người con trai vắn số.
Bà nói: “Thời điểm tôi ký tên đồng ý hiến tạng nó, Trần Vũ Minh Quang trở thành người đầu tiên hiến đa tạng ở tỉnh Lâm Đồng. Quang cũng là trường hợp người hiến nhiều phần nội tạng, cứu sống được nhiều người nhất tại Việt Nam. Đã gần 6 năm rồi mà mỗi lần nhắc lại, nước mắt tôi cứ trào ra”.
Thế rồi bà kể, năm 2015, “tai họa đua nhau” ập xuống gia đình bà. Chồng vừa mất được 7 tháng, bà lại bàng hoàng nhận tin con trai lớn gặp nạn nơi quê người. Giữa cái lạnh run người của núi rừng Tây Nguyên, bà vớ vội cái áo, gọi con chở mình bằng xe máy xuống Bình Dương.
“6h sáng, tôi đến bệnh viện Bình Dương. Bác sĩ dẫn tôi vào gặp nó. Nó nằm bất động, hôn mê sâu. Tôi nhào tới, nắm đôi bàn tay lạnh ngắt của nó gào khóc. Có lẽ nó vẫn cảm nhận được tôi, nước mắt nó tuôn ra khóe mắt”, bà Mừng kể trong nước mắt.
Bà xin chuyển con lên bệnh viện Chợ Rẫy với hy vọng có thể níu với sự sống cho con. Thế nhưng, phép màu đã không xảy ra. Bác sĩ ngậm ngùi thông báo với bà, Quang chết não, không thể qua khỏi. Mất con, bà đổ sụp, úp mặt vào 2 tay khóc rưng rức.
Bà kể: “Thế rồi bác sỹ và nhân viên của đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người bệnh viện Chợ Rẫy đến gặp tôi chia buồn. Họ vận động tôi ký tên hiến tạng Quang để cứu sống người khác. Tôi bần thần như người mất hồn, không nói được gì cả”.
Khi định thần lại, bà mới bắt đầu suy nghĩ về những điều các bác sĩ nói. Bà nói, lúc vào thăm Quang, cơ thể anh vẫn ấm, hồng hào như đang ngủ. Bất giác bà nghĩ đến người thân của các bệnh nhân hiểm nghèo, chờ được ghép tạng.
“Họ cũng sẽ như tôi, đau đớn nhìn người thân mình ra đi trong bất lực nếu con em họ không có tạng để ghép. Ai lại không ham sống, tại sao tôi không tạo điều kiện cho họ. Nếu hiến xác Quang, dù con tôi đã mất, nhưng một phần cơ thể của nó sẽ vẫn sống ở đâu đó trên cõi đời này. Như vậy, con tôi còn sống mãi”, bà chia sẻ.
Bà thông báo ý định hiến xác con, các em của Quang không đồng ý. Một số người bên nội Quang cũng kịch liệt phản đối. Bà kể: “Họ nói từ xưa đến nay, chết phải toàn thây. Giờ nó đang lành lặn như thế sao lại đem nó đi cho người ta mổ xẻ”.
Người đời xa lánh, nói xấu đủ điều
Cuối cùng, quyết định đầy nhân đạo của bà cũng được gia đình thấu hiểu, cảm thông. Người thân Quang đồng ý với quyết định hiến xác con của bà Mừng. Thế mà khi được thông báo đến gặp con lần cuối trước khi con lên bàn mổ, bà lại rơi vào tình trạng hoảng loạn tinh thần.
Bà chạy lòng vòng trong bệnh viện để tìm con dù trước đó, bà đã ở nhiều ngày trong căn phòng con bà nằm. Bà cứ chạy như người không hồn cho đến khi có người dẫn đến gặp mặt con lần cuối.
“Khi gặp được Quang, tôi vẫn thấy nó như đang ngủ. Tôi biết bác sĩ đã dùng thuốc, nhưng không hiểu sao lúc đó tôi lại không chấp nhận được việc con tôi đã chết. Tôi không muốn hiến xác con. Nội tâm tôi đấu tranh kịch liệt cùng nhiều nỗi đau xằng xé”, bà Mừng kể thêm.
Cuối cùng, bà cũng vượt qua những nỗi đau, ký tên đồng ý hiến tạng đứa con trai vắn số. Bà bùi ngùi nhận thông báo của bệnh viện là tim, gan của anh Quang vượt hơn 2.000km từ bệnh viện Chợ Rẫy đến bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cứu sống 2 bệnh nhân.
Hai giác mạc, hai quả thận cũng được cấy ghép cho các bệnh nhân ở TP.HCM. Tất cả người nhận đều hồi phục sức khỏe rất nhanh. Đến lúc này, tâm hồn bà bỗng nhiên nhẹ nhõm. Bà vui vì quyết định của mình đã cứu được nhiều người.
Bà Mừng chia sẻ: “Sau khi Quang cho tạng, tôi hỏa thiêu cháu rồi lấy tro cốt về gửi trong chùa. Tôi không thực hiện lễ tang, không mai táng cháu. Tôi luôn nghĩ Quang còn sống và sống trong cơ thể của một người nào đó ở cõi đời này”.
Thế nhưng, khi trở về nhà, việc hiến xác con cứu 6 người lại khiến bà đau đớn. Không thấu hiểu hành động đầy nhân văn của bà, người dân địa phương cho rằng, vì hoàn cảnh khó khăn, bà nhẫn tâm bán nội tạng con để sống.
“Đi đâu họ cũng xầm xì nói tôi là người tàn nhẫn, bán nội tạng con để lấy tiền ăn. Có người nói, tôi không thương con, làm trái với truyền thống chết phải toàn thây, không ma chay cho đủ lễ, làm như thế con tôi không siêu thoát… Không ít người xa lánh, thậm chí ghét bỏ tôi”, bà Mừng kể.
Suốt những năm đầu hiến xác con, bà Mừng không dám ra khỏi nhà vì bị hàng xóm nói xấu đủ điều. (Ảnh: Nguyễn Sơn). |
Bà nói, 3 - 4 năm đầu sau khi bà hiến tạng đứa con vắn số, bà sống trong nước mắt. Bà đau đớn vì bị hàm oan, mang tiếng sống trên xác con. Ra đường, bà mệt mỏi với những ánh mắt soi mói, cái cười khinh bỉ, lời bàn tán xầm xì…
Bà chia sẻ: “Tôi cố giải thích nhưng càng nói họ càng không tin. Cái suy nghĩ cổ hũ chết phải toàn thây còn bám rất chắc trong tư duy người dân. Sau này, khi báo đài thông tin về thủ tục hiến tạng, người ta mới tin tôi không bán xác con và hiểu hơn việc làm của tôi. Bây giờ, không còn nhiều người hiểu lầm tôi nữa”.
Ghi nhận việc làm nhân văn của bà Mừng, ngày 13/11, trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã đến thăm hỏi gia đình bà. Tại đây, ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế - Khoa học và Đào tạo trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người thay mặt trung tâm và những người được hiến tạng gửi lời cảm ơn gia đình bà.
Gặp lại "con" trong cư thể người khác |
Bà Vũ Thị Mừng cho biết, cách đây không lâu, bà gặp 2 trong số 6 người được ghép tạng từ con trai bà. “Tôi gặp bác nhận gan và cháu nhận tim của Quang. Bác nhận gan vẫn thường cùng gia đình từ Bắc vào Nam thăm gia đình tôi”. “Trong một dịp đặc biệt, tôi có ra Bắc và được gặp cháu nhận tim. Cháu ấy nói mình là trụ cột của gia đình với 3 đứa con nhỏ. Nếu không có tim của Quang, có lẽ cháu đã không qua khỏi. Lúc này ôm tôi, tôi cảm nhận như được gặp lại con trong cơ thể người khác. Hạnh phúc lắm”. |
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...