Người phụ nữ 40 tuổi quê Nam Định vào khám tại khoa Tiết niệu dưới, Trung tâm Tiết niệu và Nam khoa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội). 

Chị kể đã đặt vòng tránh thai 7 năm trước. Trước khi vào viện một tháng, bệnh nhân đã đi khám ở phòng khám tư nhân, được thông báo "không thấy vòng tránh thai". Về nhà, bệnh nhân xuất hiện đau tức nhẹ vùng bụng dưới, âm ỉ, liên tục. 

Khoảng một tuần trước vào viện, chị xuất hiện tiểu buốt, tiểu rắt, đi khám tại Bệnh viện 108, được nội soi, phát hiện dị vật trong bàng quang là chiếc vòng tránh thai hình T có bám sỏi ở đầu phía trong lòng bàng quang.

Hình ảnh dị vật nằm trong bàng quang, một phần xuyên thành bàng quang ra tổ chức phần mềm xung quanh. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ nhận định dị vật trong bàng quang bàng quang là vòng tránh thai lạc chỗ. Bệnh nhân được nội soi bàng quang, dùng năng lượng laser tán vụn sỏi bám vòng tránh thai và gắp dị vật ra ngoài. Sau 45 phút, sỏi bám dị vật đã được tán vụn hoàn toàn, dị vật được gắp ra ngoài.

"Dị vật bàng quang là bệnh rất hiếm gặp, đặc biệt đây là trường hợp vòng tránh thai di chuyển vào trong lòng bàng quang thì càng hiếm hơn", các bác sĩ nhận định.

Sau 3 ngày, bệnh nhân đã ổn định, ăn uống sinh hoạt bình thường, các triệu chứng đau, tiểu máu, tiểu buốt đã hết, bệnh nhân ra viện và hẹn tái khám định kỳ.

Niệu đạo và bàng quang là cơ quan rỗng nên đôi khi có dị vật do tình cờ hoặc cố ý, nguyên nhân có thể do sự cố y khoa, bệnh nhân tự đặt vật lạ vào niệu đạo trong trường hợp thỏa mãn tình dục hoặc do bệnh nhân có bệnh lý tâm thần. 

Dị vật bàng quang lâu ngày sẽ gây bám sỏi xung quanh, viêm đường tiết niệu và có thể dẫn đến các bệnh lí nặng hơn như hình thành ổ áp-xe hoặc nhiễm khuẩn huyết.