Thời gian vừa qua, trên cả nước đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ thảm án xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm khiến nhiều người bất an, lo sợ bởi mức độ nghiêm trọng của tội ác, sự tàn độc của hung thủ.

Gần đây nhất, công an đã khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với Phan Thanh Hoàng (19 tuổi, ở huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) về tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Hoàng là nghi phạm sát hại bạn gái cũ và chém "tình địch" trọng thương tại tiệm làm tóc ở TP. Bắc Ninh. Điều đáng nói, trước khi gây án, nam thanh niên này còn viết status với nội dung vĩnh biệt người thân rồi đăng lên Facebook

Sau khi chém bạn gái cũ và tình địch, nghi phạm Phan Thanh Hoàng ở lại hiện trường chờ công an đến bắt giữ.

Ông La Văn Thái (chuyên gia nghiên cứu tâm lý tội phạm) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ án giết người man rợ thương tâm nhưng gốc rễ của vấn đề xã hội này chính là giáo dục, là thực trạng tha hóa, xuống cấp về đạo đức trong xã hội, một bộ phận người dân đặc biệt là giới trẻ hiện nay ngày càng buông lỏng lối sống, mất niềm tin và phương hướng nên dễ dàng bị kích động…

"Văn hóa sĩ diện của người Việt với hành động bạo lực có mối liên hệ mật thiết với nhau. Sĩ diện thậm chí sĩ diện hão khiến họ không chịu đựng được khi cho rằng mình bị xúc phạm hoặc chỉ vì chuyện nhỏ nhặt trong mâu thuẫn tình cảm dẫn đến phản ứng gay gắt tức thì", ông Thái nói.

Vị chuyên gia cũng bày tỏ sự bức xúc khi nhiều người chứng kiến hành vi bạo lực song vẫn thờ ơ, quay clip, chụp ảnh đăng tải lên mạng xã hội. Đây là hành động hết sức vô cảm, xuất phát từ tâm lý "vô can, né tránh" hoặc sợ hãi khi chứng kiến tội ác.

Dường như sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội đã cuốn một bộ phận giới trẻ vào lối sống ảo, quyền lực ảo, tiếp tay cho những hành động bạo lực, kích động.

Vụ án mạng ở Bắc Ninh diễn ra ngay trong một căn nhà tại mặt đường lớn, nhiều người thản nhiên đứng xem và quay lại sự việc để đăng tải lên mạng xã hội.

Ông La Văn Thái nhắc lại "vấn nạn" lệch lạc trong suy nghĩ, lối sống bộc lộ trong đời sống xã hội hiện nay. Đây là một vấn nạn cần được báo động, cảnh báo để có phương án phòng ngừa, ngăn chặn.

"Trong vụ án mạng ở Bắc Ninh, hung thủ chuẩn bị sẵn tâm lý giết người và còn đăng tải nội dung vĩnh biệt lên Facebook quả là hành vi đáng sợ, cho thấy nhận thức lệch lạc của đối tượng này.

Đây là tính ích kỷ cao độ, thiếu lòng bao dung, độ lượng, thiếu tính nhẫn nại và coi thường tính mạng của người khác đã khiến đối tượng lựa chọn cách giải quyết là tước đoạt tính mạng của 2 nạn nhân để thỏa mãn cái tôi ích kỷ. Hành vi của đối tượng sẽ được xác định là có tính chất côn đồ, vì lý do nhỏ nhặt, ích kỷ mà thực hiện hành vi phạm tội.

Đối tượng coi trọng cảm xúc của mình, đề cao danh dự bản thân mình cũng như của cha mẹ, gia đình mình mà xem nhẹ danh dự, thậm chí xem nhẹ tính mạng của người khác, coi thường pháp luật... Đây là biểu hiện đáng lo ngại trong một bộ phận giới trẻ hiện nay", ông La Văn Thái nhấn mạnh.

Ớn lạnh với dòng trạng thái "mạng đổi mạng" trước khi Phan Thanh Hoàng sát hại bạn gái cũ và tình địch.

Theo ông Thái, để giảm thiểu những vụ án đau lòng như thế này thì vấn đề đầu tiên là cần phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mọi công dân. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi nóng nảy, mất bình tĩnh, sử dụng không khí để giải quyết mâu thuẫn.

Còn về lâu dài thì cần phải đổi mới phương pháp giáo dục, đề cao giáo dục đạo đức, xây dựng những chuẩn mực đạo đức xã hội để con người giàu lòng nhân ái, biết yêu thương đồng loại, biết sẻ chia, hy sinh và giảm bớt cái tôi ích kỷ cá nhân.

"Các cấp chính quyền cơ sở cũng như gia đình cần phải có phương án tuyên truyền, giáo dục, chấn chỉnh về lối sống, tư tưởng trong các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân. Những vụ án xảy ra thời gian qua chính là bài học cảnh tỉnh với mọi người, nhìn hậu quả đã diễn ra mà phòng tránh", vị chuyên gia nghiên cứu tâm lý tội phạm chia sẻ thêm.