Mệt mỏi khám phát hiện ung thư gan 

Ông Nguyễn Văn C. (70 tuổi, quê Hải Dương) đến bệnh viện khám vì gần 2 tháng nay ông luôn có cảm giác chướng bụng, người mệt mỏi, chán ăn, tiểu màu vàng sẫm, da xạm.

Ông C. tự mua thuốc uống nhưng không đỡ. Bác sĩ khám cho ông C. và làm xét nghiệm. Kết quả chỉ số men gan tăng bất thường, chỉ số AFP tăng cao. Siêu âm ở gan phải có u kèm theo hình ảnh xơ gan.

Ông C. được chỉ định chụp CT scan và kết quả u gan. Bác sĩ nghi ngờ nên kết luận theo dõi ung thư biểu mô tế bào gan kèm theo di căn phổi. Ông C. cũng dương tính với vi rút viêm gan B. Theo lời ông, con trai cũng bị viêm gan B và đã điều trị cách đây cả chục năm. Còn bản thân ông C. chưa đi khám bệnh bao giờ nên cũng không biết mình bị viêm gan vi rút B.

PGS Trịnh Thị Ngọc chia sẻ về bệnh ung thư gan - Ảnh BVCC 

Theo PGS Trịnh Thị Ngọc, Nguyên Phó trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ung thư gan đang trở thành gánh nặng ở Việt Nam. Theo PGS Ngọc, Việt Nam có tỷ lệ người nhiễm vi rút viêm gan B cao nhất khu vực với khoảng 10-15% dân số, tương đương khoảng 10 triệu người nhiễm vi rút này. Song nguy hiểm là hầu hết không biết mình bị nhiễm. Viêm gan vi rút phát triển âm thầm và phá huỷ lá gan. Những người mang vi rút có nguy cơ ung thư gan.

PGS Ngọc gặp rất nhiều bệnh nhân bị viêm gan vi rút vài năm trước và nghĩ mình đã điều trị khỏi bệnh. Khi đi khám lại thì gan đã bị xơ hoá và có u trong gan. Chính vì tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan cao nên tỷ lệ ung thư gan ở Việt Nam cũng xếp vào hàng cao ở thế giới.

Theo thống kê của Tổ chức ung thư thế giới Glocoban, ung thư gan là bệnh ung thư đứng đầu ở nước ta. Trên bản đồ ung thư thế giới, tỉ lệ mắc của Việt Nam, tỉ lệ tử vong do ung thư gan ở nước ta tương đối lớn, đứng thứ 3 thế giới chỉ sau Mông Cổ và Lào.

Dấu hiệu của ung thư gan

Theo PGS Ngọc, so với các bệnh ung thư khác, bệnh ung thư gan thường được xem là ung thư tử thần vì 80% bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn muộn. Giai đoạn muộn bác sĩ không thể can thiệp giúp bệnh nhân mà chỉ điều trị giảm đau, tránh biến chứng cho người bệnh.

Theo trang Cancer.org, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với ung thư gan ở giai đoạn sớm là 31%. Nếu ung thư gan lan rộng đến các mô xung quanh hoặc các bộ phận hay hạch bạch huyết trong khu vực, tỷ lệ sống sót chỉ còn 11%. Khi ung thư di căn tới các bộ phận khác trong cơ thể, tỷ lệ sống 5 năm chỉ còn 3%.

Viêm gan vi rút thủ phạm gây ra ung thư gan - Ảnh minh họa: Internet

Ung thư gan diễn biến thầm lặng, không có triệu chứng điển hình nên người bệnh thường chủ quan bỏ qua các triệu chứng. Khi có dấu hiệu đi khám thì bệnh đã muộn. Chính vì thế, PGS Ngọc khuyến cáo khi người bệnh có các triệu chứng dưới đây cần đến các cơ sở khám ngay vì có thể đây là dấu hiệu ung thư gan.

  • Đau vùng bụng trên bên phải (đau có thể lan tới lưng và vai)
  • Bụng chướng do dịch ứ trong ổ bụng
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Mệt mỏi, ăn uống kém
  • Vàng mắt vàng da, tiểu vàng
  • Phân nhạt màu

PGS Ngọc nhấn mạnh nếu phát hiện ung thư gan ở giai đoạn sớm người bệnh có cơ hội điều trị và giảm chi phí trong quá trình điều trị.

Để phát hiện dấu hiệu ung thư gan, người bệnh chỉ cần siêu âm gan, xét nghiệm, chụp CT scan, chụp MRI, sinh thiết tế bào học.

Những người có nguy cơ ung thư gan thường có tiền sử bị viêm gan tự miễn hoặc trong gia đình có người bị bệnh lý ung thư gan, những người bị xơ gan, viêm gan vi rút B, C mạn tính, người nghiện rượu hoặc uống rượu thường xuyên, người thừa cân, béo phì, người có tiền sử tim mạch, tiểu đường.

Những người trên PGS Ngọc khuyến cáo nên thực hiện khám sức khoẻ định kỳ và cần tầm soát ung thư gan để sàng lọc sớm bệnh ung thư gan.

Phòng ung thư gan bằng cách điều trị triệt để viêm gan vi rút. Tiêm phòng vắc xin viêm gan vi rút cho trẻ sau 24 giờ sinh và tiêm các mũi tiêm theo khuyến nghị của Bộ Y tế. Những người có tiền sử viêm gan vi rút bắt buộc phải theo dõi thường xuyên.

Ngoài ra, hạn chế các thực phẩm không lành mạnh như rượu bia, thuốc lá, đồ ăn nhanh. Không ăn thực phẩm nấm mốc chứa aflotoxin vì loại độc tố này gây hại cho gan.