Trao đổi với phóng viên VietNamNet, đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, qua vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương và Hà Nội, các cơ quan chức năng cần phải xử lý thật nghiêm những sai phạm để cảnh tỉnh, răn đen những đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan.

Sự việc đặc biệt nghiêm trọng

Chỉ hơn một tháng sau vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội khiến 3 chiến sĩ công an hy sinh, lại tiếp tục diễn ra vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương làm 32 người chết. Ông đánh giá thế nào về các vụ việc?

Trong thời gian ngắn, ở Hà Nội và Bình Dương diễn ra 2 vụ cháy quán karaoke gây hậu quả lớn về người. Tôi thấy đây là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, cần phải có giải pháp để ngăn ngừa những vụ việc tương tự có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với loại hình dịch vụ kinh doanh karaoke.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Vụ việc xảy ra ở Bình Dương và Hà Nội, theo ông trách nhiệm thuộc về ai, cần xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức có liên quan như thế nào để mang tính răn đe?

Đầu tiên là công tác phòng cháy chữa cháy ở các quán karaoke như thế nào để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Đây là vấn đề cần phải rút kinh nghiệm, đồng thời phải kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Việc để xảy ra cháy lớn ở quán karaoke ở Cầu Giấy (Hà Nội) và Bình Dương gây hậu quả nghiêm trọng về người như vậy, cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra xem có sai phạm trong phòng cháy chữa cháy hay không. Nếu phát hiện sai phạm ở các quán karaoke này thì phải khởi tố vụ án, bị can. 

Theo tôi, với vụ việc như vậy, cần phải xử lý thật nghiêm để cảnh tỉnh, răn đen những đơn vị, tổ chức, cá nhân khác. Làm như vậy để họ không dám, không làm những hành vi vi phạm pháp luật, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. 

Dư luận đang băn khoăn liệu có sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và cơ quan phòng chống cháy nổ hay không trong các vụ cháy quán karaoke vừa qua. Theo ông, trách nhiệm của chính quyền và đơn vị cấp phép an toàn cháy nổ cho cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke cụ thể ra sao trong các vụ việc vừa xảy ra?

Đương nhiên chủ cơ sở kinh doanh karaoke phải chịu trách nhiệm chính, nhưng cũng không thể đổ hết cho họ được. Chính quyền địa phương, đơn vị phòng chống cháy nổ liệu có thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý các đơn vị kinh doanh karaoke vi phạm hay không? Lúc cấp phép, quán karaoke đảm bảo an toàn cháy nổ, nhưng quá trình hoạt động của họ phát sinh nhiều bất cập liệu có được lực lượng chức năng phát hiện, xử lý kịp thời hay chưa?

Thực tế cho thấy khi cháy nổ, các quán karaoke gần như không tự chữa cháy được. Đến khi lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường thì đám cháy đã vượt tầm kiểm soát, gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là những vấn đề phải đặt ra, bởi phương tiện chữa cháy ở các quán karaoke có phù hợp với các vật liệu cách âm dễ cháy hay không và ngay cả những nhân viên phục vụ ở các quán karaoke liệu có được tập huấn về công tác phòng cháy chữa cháy chưa?

Vấn đề tôi băn khoăn nữa là lực lượng chức năng có thể cũng xuống kiểm tra về phòng cháy chữa cháy nhưng quá trình kiểm tra diễn ra thế nào hay kiểm tra rồi nhưng lại ‘phạt để cho tồn tại’ ...

Tôi cho rằng, trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, lực lượng cấp phép và đảm bảo phòng chống cháy nổ ở các cơ sở kinh doanh karaoke cũng không hề nhỏ.

Tôi đề nghị lực lượng chức năng cần làm rõ, tại sao tình trạng cháy quán karaoke thường xuyên xảy ra và hậu quả thường rất nặng nề mà chưa thấy rút ra được bài học kinh nghiệm.

Thu hồi giấy phép, đóng cửa quán karaoke vi phạm

Qua loạt hàng vụ cháy quán karaoke như vậy, theo ông quy trình cấp phép và giám sát hoạt động của các quán karaoke nên được thực hiện thế nào?

Karaoke là dịch vụ kinh doanh có điều kiện, trong đó điều kiện quan trọng nhất phải đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Do vậy, khi đảm bảo các điều kiện về phòng chống cháy nổ, cơ quan chức năng mới cấp giấy phép hoạt động.

Có lẽ, quy định của pháp luật về điều kiện để cấp giấy phép kinh doanh karaoke không có vấn đề gì, nhưng quy trình cấp giấy phép của lực lượng chức năng liệu đã chặt chẽ hay chưa. Đặc biệt, trong quá trình hoạt động của các quán karaoke có kiểm tra, giám sát thường xuyên hay không?

Đó mới là những vấn đề cần phải đặt ra, làm rõ.

Lực lượng cứu nạn cứu hộ tiếp cận các phòng bên trong quán karaoke ở Bình Dương (Ảnh: C.H).

Để ngăn ngừa những ‘thảm họa’ thương tâm này, theo ông tất các tỉnh thành trên cả nước nên làm gì trước mắt cũng như lâu dài?

Thủ tướng vừa yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ karaoke. Qua đó, kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.

Khi Thủ tướng đã có yêu cầu như vậy, thì vấn đề cấp thiết hiện nay là cơ quan chức năng phải kiểm tra tất cả các quán karaoke trên cả nước. Nếu phát hiện quán karaoke nào không đảm bảo, chính quyền địa phương phải thực hiện nghiêm theo yêu cầu của Thủ tướng, tức là kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động.

Đám cháy ở các quán karaoke thường lan rất nhanh và khó kiểm soát do tường cách âm làm bằng vật liệu dễ bắt lửa. Ngoài ra, các quán karaoke lại thường bị bít kín, gần như không lối thoát nếu cháy nổ xảy ra. Theo ông, cơ quan chức năng cần làm gì để xử lý những bất cập này?

Thực tế, nhiều người đến quán karaoke đã uống rượu bia, nêu nhiều khi họ không ý thức được việc cháy nổ ở đây gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào. Đến khi lửa bùng phát mạnh họ không biết chạy đi đâu.

Do vậy, vấn đề đảm bảo an toàn cháy nổ ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke là đặc biệt quan trọng. Từ những vụ cháy trước đó, ai cũng nhận ra bất cập của vật liệu cách âm tại các quán karaoke trong phòng chống cháy nổ.

Theo tôi, cơ quan chức năng phải ngồi lại bàn thảo với nhau, từ đó đưa qua các quyết định phù hợp với điều kiện thực tiễn và để đảm bảo an toàn cho người dân. Từ vụ cháy ở Bình Dương và Hà Nội vừa qua, có lẽ chúng ta phải đưa ra các quy định khắt khe hơn nữa về điều kiện phòng cháy, cũng như phòng ốc tại các quán karaoke.