Thông tin trên được Đại tá Lê Quang Hào, Trưởng phòng Phòng chống thiên tai (Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Quốc phòng), đưa ra tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thành bão ở ven biển miền Trung, sáng 18/10. 

Liên quan vụ hai tàu cá ở Quảng Nam bị chìm, Đại tá Lê Quang Hào cho biết, tính đến hết ngày 17/10, lực lượng chức năng đã cứu được 78 ngư dân, vớt được 2 thi thể, 13 người còn lại vẫn mất tích.

Đại tá Lê Quang Hào thông tin về tình hình cứu nạn cứu hộ 13 ngư dân ở Quảng Nam mất tích sau sự cố chìm tàu (Ảnh: Mẫn Nhi).

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Hải quân điều 3 tàu và một tàu của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển 8802 cùng các lực lượng, trang thiết bị y tế cơ động đến hiện trường tìm kiếm cứu nạn ngư dân. Đồng thời tại hiện trường có 9 tàu đang tìm kiếm cứu nạn. 

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, trong những năm gần đây, các sự cố về tàu thuyền xảy ra nhiều nhất khi có áp thấp nhiệt đới. Có thời điểm, thống kê cho thấy 5 tàu bị đắm chỉ trong vòng một tuần.

Theo ông Tiến, nguyên nhân chính là người dân chủ quan vì cho rằng trong áp thấp nhiệt đới vẫn có thể tiếp tục đánh bắt cá. Thực tế trong áp thấp thường có vùng xoáy cục bộ. 

"Khi điều khiển tàu và có sự cố xảy ra, các chủ tàu thường quay đầu ngay về hướng gối sóng nhưng nếu xử lý không đúng, tàu có thể gặp áp lực nước lớn đột ngột làm gãy chân vịt, hộp số và khiến tàu lật ngang ngay khi cơn sóng tiếp theo ập đến. Những việc này diễn ra rất nhanh, chỉ trong một phút", ông Tiến nói. 

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, nêu nguyên nhân Đà Nẵng ngập nặng.

Nhắc đến tình trạng ngập úng nghiêm trọng ở Đà Nẵng trong những ngày qua, lãnh đạo Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai cho biết có hai nguyên nhân là nước ở khu công nghiệp tràn sang và nước ngập ở sân bay tràn xuống khu đô thị. Trong khi đó, thượng nguồn vẫn không có nước. 

Theo ông Tiến, hậu quả của ngập lụt đô thị gây ra rất nặng nề, có gia đình kinh doanh đồ điện, xe máy bị nước tràn vào làm ngập hết kho hàng. Dù vậy, sau khi đi kiểm tra, ông nhận thấy nhiều người dân đã không thực hiện hướng dẫn công tác ứng phó với ngập lụt đô thị, không kê đồ đạc lên cao. 

Người dân Đà Nẵng ngán ngẩm vì ngập lụt nặng nề (Ảnh: Hoài Sơn).

"100% gia đình không có ai thực hiện. Chúng ta phải nâng cao nhận thức của người dân bằng cách tuyên truyền kỹ năng ứng phó ngập lụt trong đô thị, chứ kể cả Bí thư Tỉnh ủy có đi ra bơm nước đi nữa thì lúc đó đã ngập rồi. Người dân vẫn phải chủ động", ông Nguyễn Văn Tiến nhận định. 

Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới sắp mạnh thành bão (Ảnh: VNDMS).

Báo cáo tại cuộc họp, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết áp thấp nhiệt đới trên vùng biển miền Trung đang duy trì sức gió cấp 7, giật cấp 9. Trong ngày 18/10, hình thái này khả năng mạnh thành bão mạnh nhất cấp 8-9. 

Theo ông Lâm, vùng mưa do bão tập trung ở trên biển. Trong hôm nay, mưa tiếp diễn ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, rồi dịch dần ra khu vực Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ. 

Những ngày tới, hoàn lưu bão có thể gây mưa cho khu vực Đông Bắc Bộ nhưng chủ yếu mưa vừa. Lượng mưa 100mm cũng có thể xuất hiện nhưng không xảy ra trên diện rộng. 

Theo đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, thống kê của các đơn vị đến 6h sáng 18/10, còn gần 200 tàu nằm trong vùng nguy hiểm. Cơ quan thường trực của Bộ Tư lệnh sẽ tiếp tục theo dõi và kêu gọi tàu thuyền di chuyển đến khu vực an toàn.