Bệnh nhi P.H.T đang được theo dõi sức khoẻ tại bệnh viện sau khi bị nghi ngộ độc nấm mọc trên xác nhộng ve sầu.

Trước đó, vào 0 giờ ngày 7/6, em P.H.T. được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc kém. Cùng thời điểm, bà N.T.T.N. (mẹ em P.H.T.) cũng nhập Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) cấp cứu nghi do ngộ độc nấm mọc trên xác nhộng ve sầu.

Người nhà bệnh nhân cho biết, khoảng 16 giờ ngày 6/6, bà N. chiên ấu trùng lạ có chiều dài khoảng 3 cm, thân giống ấu trùng ve sầu, nhiều tơ nấm màu trắng xám bọc bên ngoài, đầu có nấm dài khoảng 1 cm màu đỏ. Sau khi chiên dầu, bà N. ăn hai con nhộng, cháu T. ăn 5 con nhộng. Khoảng 1 tiếng sau, bà N. và con trai cảm thấy chóng mặt, đau bụng quặn, nôn ói nhiều lần, đi cầu phân lỏng, run tay chân, mệt mỏi… Sau đó, hai mẹ con đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Sau khi sơ cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, bà N. được chuyển viện lên Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị ngộ độc nấm mọc trên xác nhộng ve sầu. Các bác sĩ đã súc rửa dạ dày, truyền dịch cho bệnh nhân. Sức khỏe bà N. đã ổn định.

Cháu T. có thêm triệu chứng rung giật nhãn cầu, tiếp xúc chậm, được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Các bác sĩ đã truyền dịch để tăng cường thải chất độc trong cơ thể bệnh nhân. Do ngộ độc nấm không có thuốc giải, các bác sĩ tập trung điều trị triệu chứng. Bác sĩ Trần Lê Duy Cường, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, hiện em T. đã mở mắt, tiếp xúc chậm, vẫn còn lơ mơ, rung giật cơ và nhãn cầu.

Các bác sĩ khuyến cáo, hiện đang bước vào mùa mưa nên sẽ xuất hiện nhiều loại nấm. Người dân tuyệt đối không nên ăn các loại nấm không rõ nguồn gốc vì có nhiều loại nấm độc khi ăn vào sẽ dẫn đến tổn thương đa cơ quan, suy gan, suy thận, rối loạn nhịp tim, có nguy cơ tử vong.