Khoa học tâm lý đã chứng minh: Không phải ai sinh ra cũng hung hãn, lưu manh, mà thói hung hăng ở đa số người trẻ là do ảnh hưởng, tập nhiễm từ môi trường xung quanh.

Cũng phải thừa nhận, kiểu tính khí (khí chất) phần nào cũng do di truyền, có người nóng tính, người trầm tính, người hoạt tính, người ưu tư,... Nhưng điều đó sẽ không thể quyết định tính hung hãn của con người. Hung hăng không phải là bản tính khó đổi, mà hoàn toàn có thể giáo dục làm thay đổi nếu như được tiến hành tác động một cách bài bản, có hệ thống.

Ảnh minh họa

Ngoài ảnh hưởng từ game, môi trường xã hội, thì phần lớn những người có khuynh hướng bạo lực thường bắt nguồn từ chính cách ứng xử của các thành viên trong gia đình. Trong đó, có hai kiểu gia đình dễ sản sinh ra những đứa con "máu lạnh":

Một gia đình thiếu tình thương

Theo các chuyên gia tâm lý, gia đình luôn giữ vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người. Vì vậy, nếu một đứa trẻ sống trong một gia đình thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống, gia đình không hòa thuận, cha mẹ sống buông thả, rượu chè, cờ bạc… sẽ tác động xấu đến nhận thức và hành động.

Gia đình thiếu tình yêu thương không thể dành cho con sự quan tâm, hỗ trợ đầy đủ, khiến con mất tự tin và bắt đầu nghi ngờ bản thân. Bởi vì từ nhỏ đã không nhận được đủ tình yêu thương và sự bảo vệ nên trẻ không biết cách yêu thương người khác, thường trả lời nhát gừng, xa cách. Trong mắt người khác, chúng là đứa trẻ lạnh lùng, xa cách.

Nhưng thực ra, trong lòng chúng có tình yêu, muốn quan tâm đến người khác nhưng lại không biết phải làm sao, những thiếu hụt thời thơ ấu khiến chúng không thể đối xử với người bình thường.

Những dấu ấn ấy trở thành những tác động khá tiêu cực lên đời sống tâm lý và đã dẫn đến những hệ lụy. Khi không được trang bị nền tảng về văn hóa ứng xử, người lớn cũng có thể chông chênh khi thực hiện hành vi, huống hồ với thanh, thiếu niên chưa có kinh nghiệm sống, hành vi càng dễ lệch lạc hơn.

Một nghiên cứu cho thấy, 70% trẻ vị thành niên phạm pháp đều thiếu sự giáo dục từ gia đình. Ngoài ra thì những tội phạm trẻ tuổi đa phần tới từ hoàn cảnh gia đình phức tạp, thiếu sự quan tâm. Sự bất lực trong giáo dục, vô tâm từ gia đình đa phần đã khiến những đứa trẻ phạm sai lầm lớn nhất trong đời: tự tay cắt đứt đi sợi dây máu mủ, tình thân.

Một gia đình có cha mẹ bạo lực

Chuyên gia tâm lý cho hay, bạo lực thường có mầm mống từ gia đình. Một đứa trẻ thường phải nhận hình thức kỷ luật nghiêm khắc từ phụ huynh theo kiểu "thương cho roi cho vọt" kèm lời giáo huấn hà khắc thường bị định hướng rằng mình có lỗi phải bị đòn và dễ chấp nhận bị người khác bạo hành với lý do tương tự. Đặc biệt, khi trẻ bị đánh lại không được phép la khóc hoặc bỏ chạy hiểu rằng phải nhận hết hình phạt mới được "trả giá" còn không sẽ đánh đau hơn, nhiều hơn.

Việc đánh đập vô tình gieo vào đầu con suy nghĩ có thể giải quyết vấn đề bằng bạo lực. Mâu thuẫn với người nào, nếu lượng đủ sức nó sẽ có phản xạ đánh người đó. Điều này chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng bạo lực học đường. Ngay cả những đứa trẻ chưa từng bị người thân đánh mắng nhưng thường xuyên chứng kiến việc "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" để giải quyết mâu thuẫn cũng ngộ nhận chỉ bạo lực mới giải quyết được.

Nghiên cứu cho thấy rằng hành vi của cha mẹ với nhau có ảnh hưởng mạnh mẽ với trẻ. Cha mẹ có hành vi bắt nạt rất có thể sẽ nuôi dạy những đứa trẻ bị bắt nạt. Những bậc cha mẹ hống hách, thích kiểm soát và gây hấn ở nhà có thể sẽ truyền cho con cái họ những hành vi này. Cha mẹ là những người đầu tiên có ảnh hưởng chính đến con mình.

Trong suốt những năm phát triển, trẻ em dành phần lớn thời gian dưới ảnh hưởng nặng nề của cha mẹ. Chúng tiếp thu các mẫu hành vi từ cha mẹ một cách có ý thức hoặc vô thức. Trẻ có xu hướng bạo lực khi lớn lên khi chúng từng là nạn nhân của bắt nạt hoặc thường xuyên chứng kiến hành vi bạo lực.