Hai cán bộ dẫn hơn 40 người thoát trận lở núi
Chiều 1/11, năm ngày sau trận lở núi ở khu dân cư Mang Rin, thôn Mang He, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi, nhiều người dân về lại làng cũ. Ngôi làng bên núi chỉ còn lại bãi đất hoang tàn, nhiều nhà bị vùi lấp lộ ra những thanh gỗ, tấm chiếu... Một số nhà xiêu vẹo, chênh vênh bên dòng suối.
"Từ nhỏ đến giờ tôi chưa bao giờ thấy gió mạnh và sạt lở nhiều như vậy. Nếu không có trưởng thôn Liêu và cán bộ xã Trúc, chúng tôi không biết giờ ra sao", chị Đinh Văn Điền, 32 tuổi, nói khi điệu con nhỏ 6 tháng tuổi sau lưng.
Bão số 9 - Molave đổ bộ vào Quảng Ngãi, Quảng Nam ngày 28/10. Một ngày trước bão, anh Đinh Văn Trúc, 34 tuổi, cán bộ Văn phòng UBND xã Sơn Bua, nhà ở thôn Mang He, được lãnh đạo xã phân công về khu dân cư Mang Rin để vận động người dân di dời, và ở lại trong bão để làm cầu nối liên lạc với xã. Ngôi làng nằm cách trung tâm huyện hơn 13 km, địa hình đồi dốc hiểm trở.
Chiều 27/10, anh Trúc đã đưa vợ con đi theo mình đến trường mầm non ở khu dân cư Mang Rin để anh yên tâm làm nhiệm vụ, rồi cùng trưởng thôn Đinh Văn Liêu (37 tuổi) kêu gọi người dân đến điểm trường này.
Đến sáng hôm sau, bão bắt đầu thổi mạnh, hầu hết người dân đã đến trường trú tránh. Chỉ còn một cụ ông không chịu di dời, anh Trúc và anh Rin quyết định đến cõng cụ già khoảng 500 m đến điểm tập trung với bà con.
Lúc này, những thửa ruộng bậc thang bên đường đã biến thành thác nước. Dòng suối ngày thường nước chỉ rỉ rả nước thì nay chảy mạnh. Anh Liêu quan sát thấy nước ở suối đã đục ngầu, dự cảm rằng phía trên có núi lở.
12h, con đường nối khu dân cư với trung tâm xã nước đã ngập gần tới đầu gối, trường mầm non bị nước bao vây. Thấy không an toàn, anh Liêu và anh Trúc tìm nơi khác để cho mọi người trú ẩn.
Con đường nằm bên dòng suối, đằng xa là hai ngọn núi ở hai hướng. Anh Trúc đi ngược về ngọn núi phía Đông để tìm chỗ cao hơn. Đúng lúc đó, anh nghe nhiều tiếng nổ như bom. Biết núi phía Tây lở, anh chạy về trường mẫu giáo cùng anh Liêu dẫn hơn 40 người của 15 gia đình, trong đó có 25 em nhỏ, học sinh chạy thoát.
Chị Đinh Thị Điền có ba con nhỏ (5 tuổi, 2 tuổi, 6 tháng tuổi), phân công chồng và bà nội cõng hai đứa, còn chị điệu con 6 tháng tuổi trong gùi chạy theo sự hướng dẫn của hai cán bộ. "Nước lênh láng trên đường chạy, chúng tôi rất lo lắng, nhiều người già cũng không đi được mà phải nhờ thanh niên cõng", chị Điền nói.
Khi họ vừa chạy được đến một nhà dân ở sườn núi phía Đông, cách khu dân cư khoảng nửa km, thì đất đá và nước do núi lở cũng đã tràn xuống xói vào chân các nhà sàn. Thấy không an toàn, họ chạy thêm 200 m vào rừng keo. "Một cây keo gãy ngang, đổ nhánh xuống, rất may không trúng chúng tôi", anh Trúc kể.
Dưới mưa lạnh, hơn 40 người co ro trong gió bão. Không còn đường nào khác, trưởng thôn Liêu và cán bộ Trúc cả quyết, phải lội qua con đường nước chảy xiết thêm một đoạn 200 m nữa để lên những nhà sàn ở cao hơn trên sườn núi phía Đông. Một giờ sau cuộc tháo chạy, họ đã đến được nơi an toàn.
Nhìn xuống dưới, tất cả thấy làng mạc đã bị vùi lấp. Con suối Nóc vốn là dòng suối nhỏ thì nay nứt toác thành một dòng chảy rộng hơn 6 m, nước cuồn cuộn. "Lúc đó tôi lo nhất là mất con, người lớn thì sao cũng được", chị Đinh Thị Kim Thanh, 27 tuổi, cùng chồng dẫn hai con chạy sạt lở, chia sẻ.
Đến 15h30, khi cơn cuồng phong qua đi, lãnh đạo xã Sơn Bua và Công an huyện Sơn Tây mới tiếp cận được ngôi làng, đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
"Chúng tôi giữ liên lạc với anh Trúc và anh Liêu để báo tình hình về xã, sau khi bão qua, chúng tôi vận động người dân cho bà con ở ghép và ở nhà văn hóa", ông Đinh Văn Tôn, Chủ tịch xã Sơn Bua nói và cho biết, đã cấp cho mỗi hộ 50 kg gạo và nhu yếu phẩm trong lúc chờ dựng lại nhà mới.
Thượng tá Huỳnh Khắc Dũng, Trưởng công an huyện Sơn Tây cho biết, thông thường, khi trời mưa lớn, bão, người đồng bào ở huyện sẽ ở trong nhà. "Nếu không có anh Trúc vận động và phát hiện tiếng nổ do lở núi, anh Liêu dẫn bà con đi thì có lẽ vụ lở núi sẽ gây hậu quả nghiêm trọng", ông Dũng nói và cho biết, thiệt hại về tài sản của người dân không đáng kể vì chủ yếu là nhà sàn, sắp tới công an huyện sẽ hỗ trợ người dân dựng lại nhà.
Sau vụ sạt lở, anh Trúc tiếp tục dẫn các đoàn từ thiện về giúp người dân. Còn trưởng thôn Liêu, cao chưa đến một mét rưỡi, bước đi tập tễnh trên đôi chân bị tật từ nhỏ của mình về lại làng. Chỉ về ngôi nhà sàn xiêu vẹo bên dòng nước, anh nói. " Cha mẹ mình mất, kia là nhà mẹ vợ cho mình và ba con ở. Nhà mất rồi thì làm lại từ đầu thôi", anh Liêu lạc quan nói.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...