Chiều 10/8, Bộ Y tế họp khẩn với lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cùng bệnh viện tâm thần ở Hà Nội, liên quan đến vụ án làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần cho nghi phạm để trốn tránh pháp luật.

Đại diện Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, ngày 12/6 hai cán bộ bệnh viện gồm Phó khoa Tâm thần người cao tuổi và kỹ thuật viên Trưởng khoa Dinh dưỡng đã bị cơ quan điều tra bắt. Hai người này bị cảnh sát điều tra theo hướng đã làm giả hồ sơ bệnh án cho nhiều người giúp nghi phạm lọt lưới pháp luật. Bệnh viện đã tạm hoãn hợp đồng làm việc 3 tháng đối với cả hai cán bộ. 

Ngày 9/8, Công an Hà Nội thông báo khởi tố hai bị can. Theo cơ quan điều tra, một số nghi phạm bị bắt đã cung cấp bệnh án tâm thần nhằm tránh bị truy tố, xét xử, trong đó có một bệnh án là giả. Bệnh án này do một bệnh viện tâm thần ở Hà Nội cấp. Để có bệnh án kết luận "Tâm thần phân liệt thể hoang tưởng", nghi phạm khai đã chi 85 triệu đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, giám định pháp y tâm thần là một trong những hoạt động bổ trợ tư pháp. Kết luận giám định pháp y tâm thần là chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Kết luận giám định đúng đắn giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, không để oan người vô tội... Vì thế, Thứ trưởng Tiến đề nghị xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm pháp luật.

Hiện có nhiều tội phạm mua, làm giả giấy xác nhận bị bệnh, giả bệnh tâm thần nhằm đối phó với cơ quan pháp luật. Vì thế, Bộ Y tế yêu cầu các bác sĩ, giám định viên pháp y, pháp y tâm thần "không để vật chất hoặc các mối quan hệ cá nhân làm ảnh hưởng đến kết luận giám định". Những trường hợp khó kết luận, cần tổ chức hội chẩn để đưa ra kết luận đúng đắn, chính xác.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị liên quan, các bệnh viện tâm thần rà soát quy trình, thủ tục chuyên môn liên quan đến chẩn đoán, giám định bệnh án tâm thần.