Hà Nội: Thời tiết khắc nghiệt, bệnh nhân đột quỵ nhập viện tăng
Bệnh trở nặng vì thời tiết
Vốn có tiền sử đột quỵ, những ngày qua, khi không khí lạnh tràn về, dù đã hạn chế ra ngoài nhưng bệnh của ông T.Đ.H. (67 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) vẫn tái phát. Nằm tại Khoa Cấp cứu nội Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, tay chân ông co quắp, miệng méo xệch. Khó khăn lắm, con gái ông mới có thể đút được cho bố mình từng thìa cháo loãng.
“Trước đây, ông bị liệt nửa người dưới nhưng vẫn có thể giao tiếp, tự ăn cơm. Nhưng, lần đột quỵ thứ hai này, tình trạng bệnh nặng hơn, nguy cơ để lại di chứng rất cao” - con gái ông chia sẻ.
Dù trẻ tuổi nhưng anh H.Đ.M. (34 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng nhập viện vì đột quỵ. Trước đó, anh H. cùng một số đồng nghiệp chơi bóng bàn sau giờ làm việc tại cơ quan. Khi đang chơi, anh đột ngột bị yếu nửa người, khó nói nên được đưa đi cấp cứu. Tại Bệnh viện E, bệnh nhân được chẩn đoán tắc mạch máu não cấp. Do được đưa đến bệnh viện trong “thời gian vàng” sau 25 phút kể từ khi khởi phát triệu chứng nên bệnh nhân đã được chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối, tái tưới thông mạch máu não và dần hồi phục.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên - Khoa Cấp cứu Bệnh viện E - cho biết, thời tiết thay đổi thất thường những ngày qua khiến bệnh nhân tim mạch, đột quỵ gia tăng. Các chuyên gia lý giải, thời tiết lạnh làm co các mạch máu, làm tăng áp lực lên mạch máu dẫn đến tăng huyết áp, gây xuất huyết não. Ngoài ra, khi trời lạnh, cơ thể sản xuất nhiều hồng cầu lẫn tiểu cầu, làm cho máu vón cục và hình thành máu đông, dẫn đến đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu não. Một thống kê tại Việt Nam cho thấy, bệnh nhân đột quỵ tăng từ 15 - 20% vào mùa đông.
Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cũng cho thấy, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp trong những ngày lạnh tăng khoảng 20%. Điển hình như trường hợp của bệnh nhân N.T.K. (84 tuổi, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội). Vốn bị cao huyết áp nhưng thường quên uống thuốc, mới đây, ông phải nhập viện do đau đầu, chóng mặt, không thể đi lại. Bệnh nhân được chẩn đoán huyết áp tăng 200/120 và chỉ định uống thuốc hạ huyết áp khẩn cấp, nhập viện điều trị.
Những sai lầm “chết người” trong mùa lạnh
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thành Trung - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Hà Đông - nhấn mạnh, có nhiều sai lầm nguy hiểm mà người dân vẫn mắc phải trong việc giữ gìn sức khỏe mùa lạnh. Ông nói: “Nhiều người nghĩ rằng, uống trà nóng hay một số loại nước nóng khác trước khi ra ngoài có tác dụng giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên, thực tế các đồ uống này sẽ làm cho mạch máu mở rộng, khi ra ngoài trời lạnh, nhiệt độ cơ thể sẽ nhanh chóng giảm xuống, gây hại cho sức khỏe. Bởi vậy, thay vì uống nước nóng, bạn chỉ nên uống một cốc nước ấm”.
Bên cạnh đó, theo bác sĩ Nguyễn Thành Trung, một số người còn có suy nghĩ uống rượu để làm ấm cơ thể. Đây là sai lầm “chết người”, bởi uống rượu chỉ tạo cảm giác nóng, ấm nhất thời nhưng không làm tăng nhiệt độ cơ thể. Khi uống rượu, các mạch máu ngoại vi giãn ra. Việc tiếp xúc đột ngột với thời tiết lạnh khiến các mạch này co lại, từ đó có thể làm tăng huyết áp, thậm chí gây đột quỵ não. Trường hợp uống rượu ở ngoài thời tiết lạnh gây nhiều nguy cơ bệnh về hô hấp do vi khuẩn dễ dàng xâm nhập... Để giữ gìn sức khỏe, người dân cũng không nên tập thể dục ngoài trời lạnh, để bụng đói khi đi ra ngoài hay tắm nước lạnh, uống quá ít nước...
Liên quan tới bệnh đột quỵ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên khuyến cáo, với những người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường... nếu đột ngột nói khó, liệt nửa người, nhìn mờ một bên mắt, liệt nửa mặt… gia đình chủ động gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện sớm. Tuyệt đối không nên làm theo các mẹo chữa đột quỵ như chích nặn máu ở ngón tay, dái tai hay tùy tiện uống an cung ngưu hoàng hoàn... khiến bệnh nhân qua “thời gian vàng” điều trị. Việc càng trì hoãn điều trị sớm, trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết. “Thời gian càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy, thậm chí tử vong” - bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên lưu ý.
Bệnh cúm, hô hấp hoành hành
Đối với trẻ em, các bệnh cúm A, cúm B hay các bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp khác cũng đang hoành hành. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày trung bình có khoảng 100 trẻ mắc cúm, trong đó có những trường hợp nặng, có biến chứng được chỉ định nhập viện. Tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, bệnh nhi mắc các bệnh liên quan tới đường hô hấp tăng 140% so với trung bình năm, trong đó chủ yếu là cúm A, bệnh do vi rút hợp bào hô hấp RSV.
Các bác sĩ phân tích, thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi gây bệnh cúm và các bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính như viêm hô hấp trên, viêm mũi, viêm họng, viêm tai giữa, viêm phổi, các bệnh dị ứng đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng, hen suyễn... Để bảo vệ sức khỏe, gia đình cần giữ ấm cơ thể trẻ, hạn chế cho ra ngoài trời lạnh. Các bác sĩ cũng khuyến khích trẻ tiêm ngừa vắc xin phòng cúm hằng năm để làm giảm nguy cơ mắc và trở nặng.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...