2 lọ thuốc được nhập từ Thái Lan để điều trị cho 2 bệnh nhân bị ngộ độc pate Minh Chay tại Bệnh viện Bạch Mai.

Sáng 31/8, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, 2 ca bệnh nặng do ăn pate Minh Chay đang điều trị tại bệnh viện này là một cặp vợ chồng (chồng 70 tuổi, vợ 68 tuổi).

Sản phẩm pate Minh Chay do vợ chồng bệnh nhân mua hàng online. Từ đầu tháng 7, vợ chồng ông đã ăn hết một lọ pate Minh Chay nhưng chưa có biểu hiện lạ. Đến gần hết hộp thứ hai, họ bắt đầu đau họng, sụp mi, khó nuốt, yếu tay chân và khó thở.

Ngày 18/8, vợ chồng ông nhập viện với biểu hiện liệt lan tỏa: liệt từ vùng đầu mặt cổ, liệt lan xuống tới tay chân, liệt cả 2 bên. Đây là những biểu hiện liệt phổ biến, đặc trưng của ngộ độc do vi khuẩn C. Botulinum gây ra.

Hiện nay, người chồng trong tình trạng nặng, dù đã qua cơn nguy kịch. Bệnh nhân liệt hoàn toàn, không thể thở được và phải phụ thuộc vào máy thở. Riêng người vợ cũng bị liệt cơ, không tự ngồi dậy được, không tự ăn và luôn có nguy cơ bị sặc, viêm phổi.

Liên quan đến việc điều trị, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ: Thuốc điều trị ngộ độc Botulinum được xem là “thuốc mồ côi”, do bệnh không xuất hiện nhiều, số lượng thất thường nên các doanh nghiệp không sản xuất một cách phổ biến.

Tại Việt Nam, hiện không có loại thuốc điều trị này. Do đó, ngay sau khi xuất hiện 2 ca bệnh nặng, Bệnh viện Bạch Mai phải liên hệ với các cơ quan y tế để có thuốc giải độc. Cụ thể, Bệnh viện Bạch Mai đã làm việc với Bộ Y tế, các trung tâm chống độc tại Thái Lan, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Thái Lan, Việt Nam.

“Đầu tiên, chúng tôi rất băn khoăn vì không biết sẽ lấy thuốc theo nguồn nào. Nếu lấy được thuốc về thì ai sẽ là người chi trả? Tuy nhiên, với sự phối hợp chặt chẽ, gấp rút giữa các bên, sau hơn 10 ngày, thuốc đã về tới Việt Nam” - bác sĩ Nguyên trăn trở.

Ngày 29/8, hai lọ thuốc giải độc từ Thái Lan được gửi về Việt Nam qua đường hàng không và sử dụng luôn trong ngày cho 2 bệnh nhân.

Theo bác sĩ Trung Nguyên, giá bán của mỗi lọ thuốc này lên tới 8.000 USD. Về việc chi trả tiền thuốc, bác sĩ Trung Nguyên cho biết, bệnh nhân được miễn phí do WHO đã chi trả. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung tâm Chống độc cũng vô cùng trăn trở nếu tiếp tục phát hiện ca bệnh thì nguồn thuốc quý hiếm ở đâu ra?

“Chúng tôi rất mong Nhà nước sẽ có một kho hàng thuốc hiếm để có thể điều phối cho các bệnh viện trên cả nước khi cần thiết, bởi với số lượng thuốc ít, các bệnh viện cũng rất khó khăn trong việc nhập khẩu” - bác sĩ Nguyên cho hay.

Pate Minh Chay được một bệnh nhân tới khám tại Bệnh viện Bạch Mai mang theo.

Bệnh viện Bạch Mai đang xét nghiệm cho 4 bệnh nhân sau khi ăn pate Minh Chay 

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên thông tin, Bệnh viện Bạch Mai hiện tiếp nhận thêm 4 bệnh nhân tới khám và đang làm xét nghiệm do ăn thực phẩm pate Minh Chay. Trong đó, bệnh nhân nữ đã có biểu hiện yếu cơ, sụp mi nhưng chưa xác định rõ nguyên nhân.

Trước đó, bệnh nhân đã đi tới một số cơ sở y tế điều trị, sau khi nghe thông tin về pate Minh Chay có độc tố nên đã tới Bệnh viện Bạch Mai để thăm khám lại.