Theo điều tra bệnh sử, khoảng 2 tháng nay bệnh nhân có tham gia giết mổ chó cùng một số người trong thôn, 2 con chó đều khỏe mạnh được nuôi hơn 5 tháng trong thôn nhưng không được tiêm phòng.

Tuy nhiên, không xác định rõ bệnh nhân có bị chó cắn hay vết thương khi mổ chó. Bệnh nhân chưa tiêm phòng vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại.

Đến chiều 16-10, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau đầu, sốt, mệt mỏi, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, khó thở.

Ngày 18-10, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Mê Linh khám, được test cúm B dương tính. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có tình trạng kích thích, nói nhảm, không hợp tác.

Ngày 19-10, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai và đưa vào khoa Cấp cứu A9 trong tình trạng loạn thần, kích thích, sợ lạnh, sợ nước, được chẩn đoán nghi ngờ dại.

Các bác sĩ đã chuyển bệnh nhân vào điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.

Lúc này, tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng, kích thích vật vã, nôn khan nhiều, tim loạn nhịp, co thắt khi uống nước hoặc quạt gió.

Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm (nước bọt, dịch não tủy, mảnh sinh thiết da gáy) gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Đến 19g20 cùng ngày, bệnh nhân tử vong và được gia đình làm thủ tục đưa về quê mai táng. Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chỉ ra rằng, bệnh nhân dương tính virus dại.

Theo số liệu từ CDC Hà Nội, trong năm 2022, thành phố đã ghi nhận 2 ca mắc bệnh dại và đều tử vong. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2021, Hà Nội chỉ ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Để phòng chống bệnh dại, Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại định kỳ. Không thả rông chó mèo, phải rọ mõm chó mèo khi cho ra đường; không đùa nghịch, trêu chó mèo...

Trường hợp bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào da tổn thương hoặc niêm mạc cần rửa ngay vết thương bằng xà phòng, nước sạch, tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không tự chữa trị tại nhà hoặc dùng thuốc nam sau khi bị chó, mèo cắn.