Tại một báo cáo về vấn đề dân số và phát triển mới đây, GS Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội khoá XV, chỉ ra thực tế cho thấy các nước từ trước khi trở thành nước thu nhập cao đã mất khả năng tái tạo đủ dân số cho đất nước mình.

Bài học từ các nước khuyến khích sinh con

Sau khi trở thành nước thu nhập cao hàng chục năm, các nước này vẫn không có khả năng đưa tổng tỉ suất sinh trở lại mức tổng tỉ suất sinh thay thế.

Cụ thể, tổng tỉ suất sinh bình quân của 38 nước thu nhập cao hiện là 1,47, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 của tổng tỉ suất sinh thay thế. Thời gian bình quân tổng tỉ suất sinh dưới 2,1 của các nước này là 40 năm.

“38/42 nước thu nhập cao hiện nay sẽ đối diện nguy cơ tự tiêu vong (mất 60% dân số so với khi dân số lớn nhất)”, báo cáo nêu rõ.

GS Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội thảo góp ý, hoàn thiện chính sách trong dự án Luật Dân số hồi tháng 8-2024. Ảnh: TT

Theo báo cáo của GS Nguyễn Thiện Nhân, dân số Nhật Bản năm 2010 là 128 triệu người, nước này dự báo năm 2100 chỉ còn 50 triệu người (giảm 61%), năm 2200 còn 10 triệu (giảm 92%) và năm 3000 chỉ còn 62 người Nhật Bản.

Đối với Hàn Quốc, dân số năm 2020 của nước này là 51,8 triệu người, dự báo năm 2100 còn 20 triệu người, năm 2200 chỉ còn 3 triệu người và năm 2750 không còn người Hàn Quốc nào.

Trong khi đó, dân số Trung Quốc năm 2021 là hơn 1,4 tỉ người, dự báo năm 2100 còn 525 triệu người.

“Các chính sách nhằm khuyến khích kết hôn và sinh con 33 năm qua ở Nhật Bản và 18 năm qua ở Hàn Quốc đã thất bại, dù đã chi hàng chục tỉ USD mỗi năm” - GS Nguyễn Thiện Nhân nêu trong báo cáo.

Theo GS Nhân, nguyên nhân của tình trạng trên là do việc ban hành các chính sách quá chậm và không đủ nguồn lực để đảo ngược sự suy giảm của tổng tỉ suất sinh.

Cụ thể, ở Nhật Bản, khi ban hành chương trình khuyến khích kết hôn và sinh con năm 1990 thì tổng tỉ suất sinh đã ở mức rất thấp (còn 1,54).

Còn ở Hàn Quốc, đến khi tổng tỉ suất sinh giảm xuống còn 1,13 (cực thấp so với mức thay thế 2,1) thì chính phủ nước này mới ban hành chương trình khuyến khích kết hôn và sinh con vào năm 2006.

Tốc độ tăng dân số tại Việt Nam năm 2022 là 0,98% và năm 2023 là 0,84%. Ảnh minh hoạ: TP

Để tránh nguy cơ thiếu hụt trầm trọng dân số

Từ những dữ liệu trên và dự báo dân số của Việt Nam năm 3000, GS Nguyễn Thiện Nhân nhận định Việt Nam đang trong quá trình chuyển từ nước thu nhập trung bình lên nước thu nhập cao vào năm 2045.

Trong khi tổng tỉ suất sinh năm 2023 là 1,96 (thấp dưới tổng tỉ suất sinh kinh tế 2,1) sẽ đối diện nguy cơ thiếu hụt trầm trọng dân số vào năm 2210 khi dân số giảm từ 107 triệu (dự báo năm 2050) còn 43 triệu (mất 60% dân số).

Như vậy nước ta đang đối diện với nguy cơ trước khi trở thành nước thu nhập cao, chúng ta đã mất khả năng tái tạo đầy đủ con người cho đất nước và mất 60% dân số vào khoảng năm 2210 nếu không ban hành kịp thời, đồng bộ các chính sách phát triển kinh tế, xã hội và dân số có tính đột phá trong giai đoạn 2025-2045.

GS Nguyễn Thiện Nhân nêu trong báo cáo: “Cũng có một số người nói với tôi rằng chuyện dân số Việt Nam là chuyện sau hàng trăm năm nữa, để thế hệ sau đó họ giải quyết”.

Báo cáo của GS Nguyễn Thiện Nhân lấy dẫn chứng mức sinh năm 2020 của Hàn Quốc là 0,84, và năm 2023 là 0,72 - thấp nhất thế giới. Trong khi đó, tại Nhật Bản, mức sinh năm 2020 là 1,33 trẻ/phụ nữ.

Tháng 6-2024, Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia về nhân khẩu học với vấn đề cốt lõi nhất và nguy hiểm nhất là khủng hoảng nhân khẩu học do tỉ lệ sinh con thấp gây ra”.

Trước đó, tháng 7-2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã nói: “Không có người nhập cư, Hàn Quốc không có tương lai”.

Còn tại Nhật Bản, tháng 2-2023, phát biểu trước Hạ Viện, Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh: “Khủng hoảng lớn nhất của đất nước hiện nay là khủng hoảng dân số. Phải giải quyết bây giờ hoặc không bao giờ giải quyết được”.