Nhiều giáo viên suy kiệt, căng thẳng vì học sinh cư xử không đúng mực. Ảnh: Shutterstock.

"Đi dạy nhiều năm, tôi gặp nhiều đứa trẻ xấu tính. Tôi gần như bị suy nhược thần kinh và rất căng thẳng. Nhiều lúc, tôi không muốn đến trường, tôi sợ phải vào lớp".

Đây là chia sẻ của cô Smith, giáo viên tại một trường trung học ở bang Florida (Mỹ). Cô giáo nói với CBS12 rằng 2024 có thể là năm cuối cô dạy học. Dù yêu thích việc dạy học, cô giáo vẫn cảm thấy bản thân cần được nghỉ ngơi, đồng thời cho biết hành vi thô lỗ của học sinh là một phần nguyên nhân khiến cô muốn nghỉ việc.

Học sinh ngày càng thô lỗ

Cũng thảo luận về vấn đề này, thầy Joe Dickerson tại bang Florida xác nhận ngày càng nhiều giáo viên nghỉ việc vì hành vi của học sinh. Thầy giáo nhận định trẻ em ngày nay khác thế hệ trước, các em được trao quyền nhiều hơn để hành động theo cách bản thân muốn.

Bác sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng Rachel Needle cũng nêu đều tương tự, nói rằng trẻ em ngày này rất khác, ngoài sức tưởng tượng của giáo viên.

"Tỷ lệ trầm cảm, lo lắng, rối loạn cảm xúc ở trẻ em ngày càng tăng. Tất cả điều đó đều có thể góp phần khiến học sinh có hành vi thô lỗ", bác sĩ Needle nói.

Điều đáng chú ý là số học sinh có hành vi không đúng mực với giáo viên ngày càng tăng. CBS12 nói rằng mức độ tôn trọng và lịch sự của học sinh dành cho giáo viên đang ở mức thấp nhất mọi thời đại, và tinh thần của các nhân viên trường học cũng như vậy.

Cô giáo Cindy Bhebe là một trường hợp bị xuống dốc tinh thần vì học sinh. Cô nói bản thân phát ngán khi chứng kiến cảnh học sinh phấn khích khoe về những chiến tích đánh nhau được ghi lại trên điện thoại.

30 năm dạy học, cô giáo phải giải quyết vô số trận đánh nhau của học sinh. Các em gây gổ, giáo viên gọi cảnh sát, cảnh sát bắt giữ học sinh..., cô Bhebe nói điều đó không giải quyết vấn đề vì học sinh vẫn sẽ thô lỗ và cư xử theo cách cũ, còn giáo viên thì ngày càng mệt mỏi.

Điện thoại di động là yếu tố ảnh hưởng đến hành vi của trẻ ở trường học. Ảnh: Freepik.

Di động là yếu tố gây ảnh hưởng

Học sinh cư xử thô lỗ có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng các nhà giáo dục đều có chung một quan điểm rằng điện thoại di động cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng.

Lý do là thời gian trẻ sử dụng điện thoại tăng, tương tác mạng xã hội tăng, từ đó khiến khả năng mất tập trung giảm đáng kể. Kết quả, trẻ khó thích nghi với các lớp học truyền thống.

Ở hạt Palm Beach, bang Florida, trẻ không được dùng điện thoại trong lớp học, trừ khi giáo viên cho phép sử dụng với mục đích giáo dục. Dù là lệnh cấm, học sinh vẫn phớt lờ và dùng điện thoại hàng ngày.

Thầy Dickerson nói rằng học sinh của ông dùng điện thoại cả ngày. Nếu không kiểm soát, học sinh sẽ mất tập trung, chỉ chìm đắm trong điện thoại và không làm gì khác. "Việc bắt học sinh ngừng dùng điện thoại là một cuộc chiến", ông nói.

Bà Smith cũng nói rằng học sinh của bà quá lệ thuộc vào điện thoại. Các em thà không làm gì, còn hơn là từ bỏ việc dùng điện thoại.

Theo đó, cả hai giáo viên đều đề xuất trường học nên cấm trẻ mang điện thoại tới lớp, hoặc phải cất ở một khu vực khác để trẻ không thể sử dụng trong giờ học.

Không muốn mất đi những giáo viên giỏi, ngành giáo dục bang Florida tìm nhiều cách để giải quyết căng thẳng của giáo viên, đồng thời dạy trẻ về việc sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm.

Tuy nhiên, các giáo viên nói rằng những giải pháp này không mang lại hiệu quả vì trẻ thực sự nghiện điện thoại. Nếu yêu cầu các em cất thiết bị điện tử, mọi rắc rối có thể xảy ra trong lớp học, từ việc trẻ mất tập trung học bài, cho đến những cơn giận dữ, bùng nổ kéo dài trong suốt buổi học.

"Tôi rất tiếc khi ghi nhận những câu chuyện như vậy. Tôi cũng từng là giáo viên, chuyện đó khiến tôi cảm thấy rất đau lòng. Vì vậy, tôi khuyến khích giáo viên liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ giải quyết", vị đại diện chia sẻ.

Tin liên quan