Quan niệm ngày xưa thường cho rằng phụ nữ sau sinh nở phải kiêng khem kỹ, không được tắm rửa sớm, nếu tắm rửa và kỳ cọ kỹ gân sẽ nổi lên nhiều. Nhưng thực ra đây là một quan niệm sai lầm bởi thực tế có nhiều phụ nữ dù kiêng khem kỹ nhưng gân vẫn nổi như thường.

Khoa học đã chỉ rõ rằng, phụ nữ khi mang thai cân nặng tăng lên rất nhiều, cộng thêm sức nặng của thai nhi sẽ càng làm tăng áp lực lên tĩnh mạch ở chân, vì thế phụ nữ mang thai thường bị gân xanh nổi lên. Gân xanh ở đây chính là những tĩnh mạch bị giãn, có thể kèm theo những triệu chứng như chuột rút, thâm tím chân, nặng chân, nhức mỏi chân, phù chân... Đây là dấu hiệu của suy giãn tĩnh mạch.

Trước mắt để giảm suy giãn tĩnh mạch, giảm các khó chịu do bệnh gây ra, bạn có thể tập luyện tại nhà, lựa chọn chế độ ăn uống phù hợp, ngâm chân nước lạnh, đi tất nén... Tập luyện nên chọn các hình thức ít gắng sức, không tăng áp lực lên chân, do đó không nên tập các môn như tập aerobic, nâng tạ, chạy... Nên đi bộ, đạp xe, bơi lội, như thế sẽ giúp cho việc lưu hồi máu tĩnh mạch từ chân về tim được dễ dàng hơn, giảm các triệu chứng lâm sàng.

Điều cần thiết là phải giữ cho cổ chân được di động liên tục. Khi tập luyện cũng không nên nín thở vì nín thở làm tăng áp lực máu. Một số tư thế yoga cũng tốt cho bệnh suy giãn tĩnh mạch như tư thế hổ mang, tư thế trồng chuối, tư thế cây nến, cái cày... Về ăn uống, bạn nên chọn thực phẩm giàu chất xơ, giàu  vitamin C, E, rutin, flavonoid và uống nhiều nước rải đều trong ngày.