Ca sĩ Vy Oanh, bà Nguyễn Phương Hằng. 

PV Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Xuân Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Ai có quyền tố giác tội phạm?

Một câu hỏi được dư luận quan tâm: Ông Nguyễn Quang Tuấn – con trai bà Phương Hằng có quyền tố giác ca sĩ Vy Oanh không?

-Việc xác định tư cách tố giác rất quan trọng, cần được minh định rõ ràng. Bởi căn cứ phát sinh quyền tố giác, quyền và nghĩa vụ của người tố giác với tư cách công dân hay tư cách người bị hại là hoàn toàn khác nhau.

Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (BLTTHS) định nghĩa "Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền". Có thể thấy, chủ thể có quyền tố giác tội phạm không bắt buộc phải là người có quyền và lợi ích bị xâm phạm một cách bất hợp pháp, mà bất kỳ cá nhân nào nếu phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm đều có quyền tố giác.

Hơn nữa, Điều luật mà ca sĩ Vy Oanh bị tố giác là Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015, không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại quy định tại Điều 155 BLTTHS. Do đó, ông Tuấn có quyền tố giác ca sĩ Vy Oanh với tư cách là công dân và phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật. PC02 CA TPHCM tiếp nhận Đơn tố giác là có căn cứ.

Tuy nhiên, xét về hình thức, việc tố giác tội phạm dưới hình thức Đơn tố giác, chủ thể tố giác phải là người bị hại hoặc người trực tiếp chứng kiến hành vi có dấu hiệu tội phạm. Ông Tuấn không phải là bị hại, không phải là người giám hộ của bà Nguyễn Phương Hằng, không phải người trực tiếp tham gia livestream cùng bà Hằng hay tham gia vào vụ việc... xét về hình thức, ông Tuấn chỉ có thể gửi đơn tố giác dưới hình thức tin báo tố giác.

Giấy triệu tập được ca sĩ Vy Oanh cung cấp nêu: “…để làm việc, liên quan đến đơn của ông Nguyễn Quang Tuấn tố giác bà về hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp cá nhân bà Nguyễn Phương Hằng”. Theo đó, được hiểu là ông Tuấn đang thực hiện việc tố giác nhân danh mẹ mình, chứ không phải bằng hình thức tin báo tố giác tội phạm với tư cách công dân.

Như vậy, vấn đề pháp lý được đặt ra không phải là công dân Tuấn hay bất kỳ người nào khác có quyền tố giác hay không, mà ông Tuấn có được quyền tố giác thay cho mẹ mình là bà Hằng hay không?

Hiện tại bà Hằng chưa từng có ý định hay hành động làm Đơn tố giác ca sĩ Vy Oanh về những hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bà như trong Đơn tố giác ông Tuấn nêu.

Thời điểm hiện tại, mặc dù bị tạm giam, nhưng chưa có Quyết định của toà án tuyên bố bà Hằng bị mất hay hạn chế năng lực hành vi dân sự. Bà Hằng là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định tại Điều 20 Bộ luật Dân sự 2015 và có toàn quyền tự mình tố giác nếu cho rằng có dấu hiệu tội phạm trong hành vi của ca sỹ Vy Oanh đối với mình.

Do đó, ông Tuấn dù là con hay bất kỳ người thân nào khác của bà Hằng cũng không có quyền “tố giác thay” bà Hằng. Hơn nữa, việc tố giác tội phạm là nội dung chịu sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hình sự và tố tụng hình sự. Bà Hằng cũng không thể uỷ quyền để ông Tuấn hay bất kỳ ai tố giác thay mình như trong quan hệ pháp luật dân sự.

Bên cạnh đó, theo nội dung Đơn tố giác, ông Tuấn tố giác vì cho rằng ca sĩ Vy Oanh đã xúc phạm đến uy tín, danh dự của mẹ mình (bà Hằng), mà danh dự, uy tín là những yếu tố thuộc về nhân thân của cá nhân bà Hằng, ông Tuấn không phải là bà Hằng, ông không thể bị tổn thương tinh thần thay cho bà Hằng được.

Như vậy, việc PC02 thụ lý, giải quyết tin báo tố giác tội phạm chỉ phù hợp khi ông Tuấn gửi đơn tố giác với tư cách là công dân Tuấn dưới hình thức tin báo tố giác tội phạm.

Tranh cãi tách, nhập vụ án/vụ việc để điều tra

Có quan điểm cho rằng, việc PC01 đang thụ lý giải quyết nhưng nay PC02 tiếp tục giải quyết theo một trình tự mới là để đảm bảo tính nhanh chóng, luật sư đánh giá sao về việc này?

Hiện BLTTHS không quy định một cách rõ ràng về điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện việc tách, nhập vụ việc/vụ án để điều tra trong trường hợp vụ việc đó, người tố giác và người bị tố giác đều thực hiện việc tố giác lẫn nhau, vì cho rằng bên kia đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu tội phạm, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Bởi vậy, việc tách hay nhập vụ án/vụ việc để điều tra, phụ thuộc vào ý chí chủ quan của những người tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc người tiến hành tố tụng được quyền tuỳ tiện tách, nhập vụ án/vụ việc. Bởi việc tách hay nhập vụ án/vụ việc phải đảm bảo nguyên tắc giải quyết vụ việc một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ như quy định điều kiện tách vụ án tại Khoản 2 Điều 170 BLTTHS . Muốn việc giải quyết vụ án tuân thủ tính toàn diện, khách quan, bắt buộc phải đảm bảo các thông tin, tình tiết, diễn biến vụ án phải liền mạch, thông suốt và đặc biệt phải tuân thủ tính logic.

Nội dung vụ án Nguyễn Phương Hằng cho thấy, bà Hằng từ ngày 16/5/2021 đến ngày 08/11/2021 đã thực hiện nhiều buổi livestream và đã có những phát ngôn về bí mật đời tư cá nhân, những nội dung gây ảnh hưởng đến uy tín, cá nhân của Nhà báo Hàn Ni, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Vy Oanh...việc này đã và đang được làm rõ trong quá trình điều tra. Việc những bị hại trong vụ án Nguyễn Phương Hằng phản ứng lại đối với những hành vi của bà Hằng trong khoảng thời gian trên (nếu có), về mức độ, tính chất của hành vi đã được PC01 lấy lời khai trong quá trình điều tra vụ án này.

Việc điều tra vụ này liên quan nhiều đến dữ liệu điện tử. Đây là loại tội phạm mới mà việc điều tra đòi hỏi phải thu thập, chuyển hoá rất nhiều các thông tin, dữ liệu…“PC01” đã có gần hai năm tiếp xúc, nghiên cứu, làm việc với hồ sơ “vụ án Nguyễn Phương Hằng”. Do đó, việc để điều tra viên, “PC02” có thể bắt nhịp được với quá trình tố tụng như thu thập thông tin, giám định, lưu trữ, chuyển hoá dữ liệu…sẽ gây mất rất nhiều thời gian so với “PC01”.

Việc “PC02” thụ lý giải quyết Đơn tố giác của ông Tuấn, ngoài những vấn đề bất cập về quyền tố giác như đã phân tích tại mục 1, còn khó đảm bảo tính logic khi giải quyết vụ án. Do đó, tách sự việc diễn biến trên ra hai vụ án (như đã thực hiện trong trường hợp Nhà báo Hàn Ni hay đang triển khai như cách vụ việc của Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Vy Oanh… sẽ không đảm bảo tính logic do thiếu dữ liệu, dẫn đến hệ quả có thể đưa ra quyết định một cách thiếu chính xác, thiếu thuyết phục nên chắc chắn không tránh khỏi sự phiến diện khi đưa ra kết luận cuối cùng.

Trong “vụ án Nguyễn Phương Hằng”, dù phạm vi khác tỉnh/thành, khác địa hạt nhưng sau khi CQCSĐT Công an tỉnh Bình Dương ban hành Kết luận điều tra, cũng đề xuất nhập vụ án bà Hằng bị tố giác ở Bình Dương vào vụ án do CQCSĐT Công an TPHCM đang thụ lý nhằm đảm bảo giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Trong khi ngay tại TPHCM lại “chẻ đôi” vụ việc để giải quyết như cách mà “PC01” và “PC02” đang làm là đi ngược lại hoàn toàn với nguyên tắc khách quan, toàn diện và đầy đủ đã nêu.

Như vậy, trong “vụ án Nguyễn Phương Hằng” việc tách ra là phi logic, rất có thể dẫn đến thiếu tính khách quan, toàn diện và đầy đủ. Do đó, để đảm những nguyên tắc cơ bản khi giải quyết một vụ án, CQCSĐT nên chỉ đạo “PC02” và “PC01” nhập vụ án làm một và giao cho “PC01” tiếp tục giải quyết.

Từ những diễn biến trên đã cho thấy, ca sĩ Vy Oanh có những băn khoăn, lo lắng nhất định về cách thức thụ lý, giải quyết Đơn tố giác của ông Tuấn như cách CQCSĐT đang thực hiện là có cơ sở.

Sử dụng "giấy triệu tập" với Vy Oanh có phù hợp?

Ca sĩ Vy Oanh cho rằng sử dụng "giấy triệu tập" là không đúng quy định pháp luật vì cô không phải tội phạm?

Tại Điểm d Khoản 1 Điều 37 BLTTHS quy định “…Điều tra viên có nhiệm vụ, quyền hạn:…d)…triệu tập và lấy lời khai…người bị tố giác…”. Có thể thấy Điều tra viên có quyền triệu tập người bị tố giác.

Điều luật này được kết cấu trong BLTTHS một cách gián tiếp, quy định này cũng rất khác biệt với quy định tại Điều 182 BLTTHS về triệu tập bị can. Tại Điều 182 quy định rất rõ về nội dung Giấy triệu tập, thủ tục tống đạt Giấy triệu tập, nghĩa vụ buộc phải có mặt theo Giấy triệu tập đối với bị can như khi triệu tập bị can, Điều tra viên phải gửi giấy triệu tập, Giấy triệu tập bị can được gửi cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị can làm việc, học tập, bị can phải có mặt theo giấy triệu tập …

Tuy nhiên, mọi công dân được Hiến pháp đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Đây là một quyền Hiến định được quy định tại Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp 2013. Đương nhiên với tư cách là một công dân, Nhà báo Hàn Ni, Đàm Vĩnh Hưng, Vy Oanh cũng được Hiến pháp bảo vệ. Bởi, họ và các bị hại còn lại trong “vụ án Nguyễn Phương Hằng” đang bị ông Tuấn tố giác.

Theo quy định của BLTTHS họ chỉ mới là những người bị tố giác và một người khi bị tố giác hoàn toàn chưa bị mất đi bất kỳ một quyền dân sự nào. Đặt giả thuyết, người bị tố giác trong trường hợp này, khi bị triệu tập mà không đến cơ quan để làm việc theo yêu cầu của Điều tra viên có thể bị dẫn giải, đây là việc áp dụng biện pháp cưỡng chế (sử dụng bạo lực) quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 127 BLTTHS , điều đó vô tình đã vi phạm quy định của Hiến pháp.

Về kỹ thuật lập pháp tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 xác định Hiến pháp là đạo luật gốc, có giá trị pháp lý cao nhất. Tại Điều 5 Luật Ban hành VBQPPL quy định về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật. Đối chiếu với quy định trên, việc triệu tập, cưỡng chế quy định tại Điều 37 BLTTHS về quyền của Điều tra viên đối với người bị tố giác là đi ngược lại với quyền hiến định về bất khả xâm phạm về thân thể. Trong trường hợp thực tiễn song song tồn tại các quy định đối lập, Hiến pháp phải được ưu tiên áp dụng và tuyệt đối tuân thủ.

Bên cạnh đó, việc tồn tại những quy định như tại Điều 37 BLTTHS là không tương thích với những quy định khác trong chính BLTTHS, đơn cử như Điểm l Khoản 1 Điều 4 BLTTHS định nghĩa “Dẫn giải là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế…người bị tố giác hoặc bị kiến nghị khởi tố đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử...” mà giai đoạn điều tra chỉ bắt đầu từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

Tuy nhiên, Điểm c Khoản 2 Điều 127 BLTTHS lại quy định về việc áp dụng biện pháp dẫn giải đối với người bị tố giác (chưa có Quyết định khởi tố vụ án). Như vậy, ngay trong các quy định của BLTTHS đã có sự chồng chéo, vì người bị tố giác không thể đến đại điểm điều tra được, nên về lâu về dài đây là một khiếm khuyết cần phải sớm được khắc phục.

Do vậy, để tránh việc tuỳ nghi trong hành xử của những người tiến hành tố tụng, về lâu về dài cần phải có nội dung điều chỉnh, phát triển làm rõ hơn hoặc có hướng dẫn lại, sửa đổi Thông tư 28/2020/TT-BCA quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân. Bên cạnh đó, Điều 37 BLTTHS cũng phải được sửa đổi để khắc phục những quy định còn bất cập nêu trên, đặc biệt là quy định đối với người bị tố giác.

Vừa là bị cáo vừa là bị hại, có thể xảy ra trong một vụ án hay không?

Hiện nay, BLHS, BLTTHS hoàn toàn không có các quy định đề cập đến tình huống pháp lý vừa là bị cáo, vừa là bị hại trong cùng một vụ án. Tuy nhiên, thực tiễn thường xuyên xuất hiện những vụ án có tính chất tương tự.

Trên lý thuyết, luật không quy định và cũng không nhất thiết khi đã là bị hại thì không thể là bị cáo. Tuy nhiên, trong một số tình huống cụ thể như, việc xác định vừa là bị cáo vừa là bị hại bởi hành vi được thực hiện không liên tiếp về mặt thời gian, giữa thời điểm bị tấn công và tấn công trở lại có một khoảng trống thời gian nhất định và hành vi trái pháp luật ban đầu đã chấm dứt.

Vụ án Nguyễn Phương Hằng, trong suốt khoảng thời gian từ ngày 16/5/2021 đến ngày 08/11/2021 bà Hằng đã thực hiện nhiều buổi livestream và đã có những phát ngôn về bí mật đời tư cá nhân, những nội dung gây ảnh hưởng đến uy tín, cá nhân của nhà báo Hàn Ni, ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, ca sỹ Vy Oanh…, những nội dung này đã và đang được điều tra làm rõ. Đặt giả thuyết nhà báo Hàn Ni, ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, ca sỹ Vy Oanh…thực hiện hành vi phản kháng (nếu có) thì những hành vi này đều diễn ra trong cùng vụ án, trong cùng không gian, thời gian liên tục, nguyên nhân và hậu quả có tính liên kết chặt chẽ với nhau theo chuỗi hành vi tương ứng với các hành vi mà bà Hằng đã thực hiện.

Nếu các hành vi phản kháng này (nếu có) khi tồn tại độc lập sẽ cấu thành tội phạm, nhưng khi được đặt trong “vụ án Nguyễn Phương Hằng” cần phải được xem là các hành vi mang tính phòng vệ chính và sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự. Bởi vì, những hành vi vi phạm pháp luật mà bà Hằng thực hiện, đã gây ra sự kích động mạnh về tinh thần đối với những người bị hại.
 
Do đó, nhà báo Hàn Ni, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Vy Oanh …không thể vừa là bị hại vừa là bị cáo trong “vụ án Nguyễn Phương Hằng”. Đây cũng là một trong những “góc khuất” của pháp luật hình sự hiện hành, rất cần được các chuyên gia, Cơ quan bảo vệ pháp luật Trung ương có các chỉ dẫn, hướng dẫn, có các công trình nghiên cứu khoa học để làm rõ hơn nữa các vấn đề pháp luật có tính chất tương tự.