Mức giảm giá xăng trong nước lần này đã mạnh hơn mức giảm của giá thành phẩm xăng thế giới. Ảnh: Phạm Thắng.

Từ 15h ngày 12/12, xăng E5 RON 92 giảm 1.330 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 1.500 đồng/lít. Theo đó, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 20.340 đồng/lít và xăng RON 95 là 21.200 đồng/lít.

Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 đang về mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, ở kỳ điều chỉnh này, liên Bộ Công Thương - Tài chính trích quỹ bình ổn ở mức 300-400 đồng/lít khiến giá xăng các loại không thể giảm sâu hơn.

Giá dầu diesel vẫn ở mức cao

Song tỷ lệ giảm giá xăng trong nước lần này cao hơn tỷ lệ giảm của giá thành phẩm xăng thế giới. Cụ thể, theo số liệu của cơ quan điều hành, bình quân giá thành phẩm xăng thế giới là 84 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 5,3 USD/thùng, tương đương giảm 5,9% so với kỳ trước); 88,4 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 5,5 USD/thùng, tương đương giảm 5,9% so với kỳ trước).

Trong khi đó, so với kỳ trước, giá xăng E5 RON 92 trong nước kỳ này giảm 6,1%; xăng RON 95 giảm 6,6%. Như vậy, có thể thấy tỷ lệ điều chỉnh giá xăng trong nước ở kỳ điều hành này cao hơn so với đà giảm của giá thành phẩm xăng thế giới.

Tuy nhiên, đến nay giá dầu diesel vẫn ở mức 21.670 đồng/lít cao hơn mức thấp nhất trong năm (18.230 đồng/lít thời điểm 21/1) là 3.440 đồng/lít. Hiện, mặt hàng này vẫn cao hơn giá xăng trong nước. Đáng chú ý, cơ quan điều hành lại trích quỹ dầu diesel tới 800 đồng/lít.

Lý giải việc trích quỹ bình ổn giá xăng dầu, liên Bộ cho rằng mục đích là có dư địa điều hành bình ổn giá xăng dầu cho giai đoạn các tháng cuối năm, khi thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn...

Tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng đã trải qua 33 lần điều chỉnh giá, trong đó có 17 lần tăng và 15 lần giảm, một lần giữ nguyên. Trong đó, cơ quan điều hành chi sử dụng quỹ bình ổn với xăng E5 RON 92 là 8 lần, RON 95 là 6 lần; trích quỹ đối với 2 mặt hàng này tới hơn 20 lần.

Thực tế, từ đầu năm đến nay khi giá xăng tăng, quỹ bình ổn chi ở mức trung bình 100-250 đồng/lít; còn khi giá giảm, cơ quan điều hành trích quỹ trung bình 300-700 đồng/lít.

Đề xuất giá xăng theo cơ chế thị trường

Về vấn đề quỹ bình ổn giá xăng dầu, trao đổi với Zing, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng đến nay nước ta đã ký nhiều hiệp định thương mại và hội nhập sâu rộng vào các nền kinh tế thế giới. Đồng thời, giá xăng dầu thế giới cũng đang diễn biến thất thường mà quỹ bình ổn khó có thể điều hành kịp được trong bối cảnh giá biến động mạnh như thời gian qua.

"Để tạo sự bình đẳng, tự chủ cho các thành phần kinh tế, tốt nhất nên để giá xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường và để các chủ thể tự tính toán, tự chịu những rủi ro nhất định với giá thị trường", ông nói.

Giá dầu thô xuống đáy một năm, giá xăng trong nước cũng xuống mức thấp nhất trong năm qua. Ảnh: Quỳnh Danh.

Cùng quan điểm, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng rất khó để bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu. "Nếu muốn bỏ, cơ quan quản lý phải có một cơ chế khác để điều chỉnh. Muốn giá xăng dầu vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường thực sự là một vấn đề lớn", ông nói.

"Ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, giá xăng dầu lên xuống hàng ngày theo biến động thị trường và nhà nước có kho dự trữ rất lớn, muốn tác động giá sẽ xả các kho này. Còn ở Việt Nam, kho dự trữ xăng dầu quốc gia rất mỏng và vẫn gộp chung với kho dự trữ của các doanh nghiệp đầu mối", vị chuyên gia nhìn nhận.

Trước bối cảnh thị trường xăng dầu có những bất ổn thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản hỏa tốc gửi các bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố liên quan đến việc sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu. Trong đó có vấn đề về chu kỳ điều hành giá xăng dầu, việc quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu... cũng đang được rà soát.