Có nên giữ lại quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Chiều nay 21/6, dự kiến Liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ được quy định tại Nghị định 95. Dữ liệu từ Bộ Công Thương cập nhật đến 17/6 cho thấy giá bán lẻ tại thị trường Singapore với xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) là151,5 USD/thùng, xăng RON 95 là 158 USD/thùng, dầu diesel là 17,1 USD/thùng. Mức giá này tiếp tục tăng so với bình quân giá xăng dầu kỳ điều hành trước đó.

Theo công thức này, giá xăng dầu tại kỳ điều hành giá lần này sẽ tiếp tục tăng theo đà tăng thế giới. Mức tăng tùy thuộc việc cơ quan quản lý chi dùng hoặc trích lập quỹ bình ổn giá (BOG). Tuy nhiên, giá xăng có thể tăng 250 - 400 đồng/lít, giá dầu tăng cao hơn.Trong trường hợp nhà điều hành quyết định xả Quỹ Bình ổn giá (BOG), giá xăng có thể đi ngang, giá dầu vẫn tăng nhưng biên độ thấp hơn.

Cần có các giải pháp mạnh tay để kìm đà tăng của giá xăng dầu.

Nhiều ý kiến cho rằng, nên chăng trong bối cảnh giá xăng dầu tăng quá cao thì bỏ quỹ bình ổn giá. Theo TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, rất khó để bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bởi nếu muốn bỏ quỹ bình ổn mặt hàng xăng dầu cơ quan quản lý phải có một cơ chế khác để điều chỉnh. Muốn giá xăng dầu vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường thực sự là một vấn đề lớn. Hiện nay, giá xăng dầu vẫn do nhà nước điều chỉnh và coi đây là mặt hàng chiến lược để định giá.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, cần phải nghiên cứu về những tác động của quỹ bình ổn giá xăng, dầu kể từ khi ra đời đến nay. Liệu tác động của quỹ này có thật sự giúp cho người dân trong nước mua được giá xăng rẻ hơn thế giới hay không? Nếu không có nghiên cứu cụ thể mà giờ nói bỏ thì người dân có quyền đặt vấn đề rằng có phải từ trước đến nay quỹ này đã không có tác dụng bình ổn giá xăng dầu? Hay nói cách khác, người dân đã không có lợi gì từ việc trích lập và thực hiện quỹ bình ổn giá trong suốt thời gian qua.

Theo các chuyên gia, thực tế hoạt động của quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua không làm giảm giá xăng. Trong khi bản chất của quỹ bình ổn giá xăng, dầu là nếu làm tốt sẽ ổn định được giá bằng cách thu tiền của người dân khi giá thấp cho vào quỹ và khi giá xăng tăng cao thì dùng tiền đó để bù lại. Như vậy, người dân không được lợi gì từ quỹ bình ổn, nghĩa là không được bù chi phí, vì đó chính là tiền của họ trích lập trước rồi chi trả sau.

Trong giai đoạn vừa qua, quỹ bình ổn giá xăng, dầu chưa thực hiện tốt việc ổn định giá xăng, trong khi điều đó phụ thuộc nhiều vào dự báo giá xăng, dầu thế giới.

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là không hợp lý

Làm thế nào để kìm giữ mức xăng dầu, tránh nguy cơ lạm phát quá cao, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân? PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng dưới góc độ quản lý thuế, xăng cho dù là mặt hàng tiêu thụ hằng ngày, nhưng vào nhóm không khuyến khích sử dụng và cần tiết kiệm, nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng là hợp lý. Còn mặt hàng dầu xưa nay không có thuế tiêu thụ đặc biệt vì dầu phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giá thế giới biến động liên tục, đe dọa đến lạm phát, Chính phủ nên xem xét, cân đối giữa lợi ích nhà nước với quyền lợi nhân dân để giảm các loại thuế đánh vào giá xăng lúc này. Cụ thể, giảm từ nay đến cuối năm hoặc giảm từ 3 - 6 tháng với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng… Nếu mạnh dạn và dũng cảm cân đối nguồn thu, giảm mạnh thuế đánh vào mặt hàng xăng lúc này, sức khỏe của nền kinh tế hy vọng sẽ tốt hơn, khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn. Quan trọng hơn, giảm thiểu được nguy cơ lạm phát, ông Thịnh nhận định.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảm thuế là cách mà nhiều quốc gia châu Âu, châu Á đang áp dụng để kìm đà tăng của giá xăng dầu. Mới đây, chính phủ Thái Lan đã tiếp tục gia hạn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel thêm 2 tháng là tháng 6 và tháng 7/2022, bên cạnh đó, người dân nước này được trợ cấp tiền mặt hằng tháng từ 45 baht lên 100 baht/tháng khi mua gas. Giá xăng trong nước đang cần những công cụ kịp thời để hạ nhiệt càng sớm càng tốt.

Các chuyên gia cho rằng, nếu không có các công cụ điều hành giá xăng dầu cụ thể, với diễn biến của thị trường thế giới, giá xăng dầu sẽ còn tiếp tục tăng cao nữa, đe dọa trực tiếp đến đời sống người dân.

Tại kỳ điều hành trước (từ 15h ngày 13/6), Liên bộ Công Thương - Tài chính công bố điều chỉnh giá xăng, dầu theo hướng tăng mạnh ở hầu hết các mặt hàng. Cụ thể, xăng E5 RON92 tăng 882 đồng/lít, lên 31.117 đồng/lít; RON95 tăng 797 đồng/lít, lên 32.375 đồng/lít. Đây là đợt tăng thứ 6 liên tiếp và là đợt tăng thứ 12 của mặt hàng này trong nửa đầu năm 2022.

Tương tự, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng tăng mạnh 2.490 - 2.630 đồng/lít. Theo đó, dầu diesel tăng 2.626 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, lên 29.020 đồng/lít; dầu hỏa tăng 2.493 đồng/lít, lên mức 27.839 đồng. Riêng dầu mazut giảm 544 đồng về mức 20.357 đồng/kg.

Trước diễn biến tăng nóng của giá xăng dầu, Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 2.000 đồng về 1.000 đồng, là mức thấp nhất trong khung thuế bảo vệ môi trường. Nếu được thông qua, giá xăng sẽ giảm tương ứng 1.100 đồng mỗi lít (đã gồm VAT).